Nuôi cá trắm đen ở đập Thủy điện Bản Vẽ

(Baonghean) - Hồ đập Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) có diện tích mặt nước lên đến 4.500.000 m2 và cao trình 200 m, dung tích toàn hồ 1,8 tỷ m3. Việc xây dựng hồ Thủy điện Bản Vẽ làm mất đi diện tích đất đai cho canh tác đất dốc truyền thống. Do đó, chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng và đánh bắt thủy sản là một xu hướng tất yếu. 
Nuôi cá trắm đen trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
Nuôi cá trắm đen trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
Trăn trở trước thực tế tìm đối tượng nuôi phù hợp cho bà con vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus Richardson, 1846) trong lồng trên hồ đập Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An” do ông Nguyễn Văn Hiếu làm chủ nhiệm. 
Cá trắm đen là loài cá đặc sản, cho các sản phẩm cao cấp, thịt và trứng cá có giá trị dinh dưỡng cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn, vì thế việc nuôi cá trắm đen cho hiệu quả kinh tế cao. Cá trắm đen là loại cá có kích thước lớn, chúng lớn nhanh nhất từ năm thứ 2 - 4, cỡ khai thác trung bình từ 2 - 5kg. Đây là loài phàm ăn, khi nhỏ ăn động vật phù du, ấu trùng muỗi, ấu trùng chuồn chuồn, khi lớn chuyển sang ăn động vật đáy như  trai, ốc, hến, trai nhỏ, tôm, cua và côn trùng. Cá từ 0,5kg trở lên có thể ăn được ốc lớn, 4 tuổi có khả năng tiêu thụ 1 - 2kg nhuyễn thể/ngày. Chúng sử dụng răng hầu chắc khỏe để nghiền nát vỏ nhuyễn thể, lọc lấy cơ thịt mềm rồi nhằn ra những mảnh vỏ vụn. Để tăng trọng được 1kg cá trắm đen cần 30 - 40kg ốc, hến tính cả vỏ. 
Hiện tại, dự án đang xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá trắm đen trong lồng bằng thức ăn công nghiệp trên hồ đập thủy điện với quy mô 180m3, năng suất đạt 25kg/m3. Theo ông Hiếu, để cá phát triển tốt, vị trí đặt lồng nuôi phải đảm bảo: Môi trường nước tối ưu, độ sâu trên 10m, lưu tốc dòng chảy vừa phải, không gần nguồn nước thải ô nhiễm, thuận tiện cho giao thông đi lại. Mật độ 10 con/m3, kích cỡ cá từ 200 - 300 g/con; thức ăn cho cá trắm đen sử dụng là thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 28 - 30% và lipit 10 - 14%, và định kỳ bổ sung ốc và các vitamin, khoáng, vi lượng. Tuỳ vào kích cỡ cá mà thức ăn có kích thước to hay nhỏ phù hợp với miệng cá.
Việc sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với bổ sung ốc là phù hợp cho việc nuôi thương phẩm cá trắm đen do việc kết hợp giữa 2 loại thức ăn này đảm bảo các tiêu chí như tốc độ tăng trưởng của cá vẫn cao, tỷ lệ sống của cá cao, chi phí thức ăn thấp và đặc biệt là thức ăn công nghiệp có thể chủ động được quanh năm. Cho ăn vào sáng sớm và chiều tối với lượng thức ăn hàng ngày từ 3 - 7% trọng lượng của cá. Dùng sàng cho cá ăn nhằm dễ dàng quan sát lượng thức ăn trong ao tránh hiện tượng thức ăn dư thừa làm bẩn nguồn nước hoặc thức ăn thiếu. Định kỳ kiểm tra và tắm cho cá, vệ sinh lưới lồng. Công nghệ nuôi lồng hồ chứa với lưu lượng nước lưu thông lớn, nguồn nước trong sạch, dồi dào sẽ là điều kiện để cá tăng trưởng nhanh, giảm hiện tượng mắc bệnh và rút ngắn thời gian nuôi cũng như chi phí đầu tư sản xuất. Vì vậy, sản phẩm sản xuất tại hồ đập Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) có khả năng cạnh tranh về giá thành so với các địa phương khác.
Cũng theo ông Hiếu,  sau 20 tháng thực hiện dự án (từ tháng 4/2012 - 4/2014) cá đang nuôi ở thời kỳ vỗ, trọng lượng đạt 2 - 5kg/con, tỷ lệ sống đạt  75%. Hiện nay đã tiến hành cho thu tỉa và bán ra thị trường với giá dao động từ 110.000 - 150.000 đồng/kg.  
Quy trình nuôi thương phẩm cá trắm đen trong lồng bước đầu đã thành công sẽ có khả năng hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp, người dân có nhu cầu nuôi đối tượng này. Mô hình dự án triển khai vừa phù hợp với trình độ canh tác ở quy mô hộ, vừa có khả năng triển khai ở quy mô lớn. Kết quả của dự án sẽ góp phần tạo nên sự đa dạng hoá về hình thức nuôi, đối tượng nuôi, bổ sung một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu đàn cá nuôi nước ngọt tại địa phương. Đồng thời, nhằm khai thác tiềm năng mặt nước hồ chứa sẵn có của địa phương tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế trên địa bàn.
Thành công của dự án sẽ góp phần tạo thêm nguồn sản phẩm cá trắm đen thực phẩm cho thị trường tiêu thụ, bởi vì hiện tại sản phẩm cá trắm đen tự nhiên đang dần cạn kiệt và giá bán tương đối cao. Vì vậy, kết quả của dự án tại hồ Thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương có khả năng sẽ mở ra hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động nuôi thủy sản nước ngọt.
Cẩm Tú

Tin mới