Bảo vệ gia súc, gia cầm trong mùa đông

(Baonghean) - Trước diễn biến phức tạp của đợt không khí lạnh kéo dài, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch như tiêm phòng vắc xin cho gia súc gia cầm, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại… Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm nhằm hạn chế những thiệt hại do giá rét gây ra. 
Ngành Nông nghiệp và người dân các địa phương huyện Quỳ Hợp còn nhớ mãi bài học chăn nuôi từ những năm 2006. Khi đó, do không tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đã có hàng trăm con trâu, bò bị chết do dịch bệnh dịp cuối năm. Chính vì vậy, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, hiện nay huyện Quỳ Hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và nhận thức của nhân dân về phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi. 
Chị Vi Thị Thực ở bản Thái Quang, xã Châu Thái cho biết: “Gia đình tôi có 6 con bò, 7 con trâu, chủ yếu chăn thả trong rừng, được cán bộ xã tuyên truyền, chúng tôi đã lùa đàn trâu, bò về tiêm phòng vắc xin”. Theo chị Thực, cả xã chỉ có một cán bộ thú y kiêm nhiệm nên vào mùa tiêm phòng khó có thể đáp ứng nhu cầu tiêm phòng của bà con. Ông Vi Quật Khởi - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thái cho biết: Toàn xã có trên 4.000 con trâu, bò, trước đây bà con thường chăn thả rông nên tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, khoảng 40%. Năm nay cán bộ xã đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc vì vậy tỷ lệ tiêm phòng vụ thu đạt trên 70%. 
Ông Hà Văn Tân ở xóm Bãi Sở -Tam Quang  che chắn chống rét cho bò.
Ông Hà Văn Tân ở xóm Bãi Sở -Tam Quang che chắn chống rét cho bò.
Điều đáng nói là người chăn nuôi ở Quỳ Hợp cũng đã ý thức hơn trong tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Khi có thông báo về việc tiêm phòng, bà con đã tự giác lùa trâu, bò về chuồng nên tỷ lệ gia súc được tiêm phòng tăng cao hơn trước. Quỳ Hợp hiện có trên 34.000 con trâu, bò, trên 55.000 con lợn, tiêm phòng vụ thu đạt tỷ lệ trên 75%. Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện chia sẻ: “Bước vào mùa rét, ngoài phần hỗ trợ vắc xin 40% của Nhà nước, 60% còn lại huyện sẽ trích nguồn ngân sách để hỗ trợ cho nhân dân, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc đạt trên 90%”. 
Để ngăn ngừa dịch bệnh, bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm trong mùa đông, Chi cục Thú y tỉnh đã có các văn bản yêu cầu lực lượng thú y ở các địa phương trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi về các biện pháp chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Từ cuối tháng 10 đến nay, lực lượng thú y trong tỉnh đã đồng loạt ra quân tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 (vụ thu) để tăng cường chống dịch trong mùa đông. Cụ thể đã tiêm vắc xin tụ huyết trùng cho 296.356 con trâu, bò trên 21/21 huyện, đạt 61,4%; tiêm vắc xin lở mồm long móng cho 254.221 gia súc ở 8 huyện vùng vành đai khống chế dịch, đạt 96,7%; tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn 198.980 liều, đạt 34,4%; tiêm vắc xin tụ huyết trùng 146.733 liều, đạt 25,7%. 
Khó khăn đặt ra trong công tác tiêm phòng vắc xin là nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho 11 huyện miền núi chỉ mới đạt 38% (tương đương 1 tỷ đồng), còn lại hầu như bà con tự bỏ tiền ra mua vắc xin. Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho trâu, bò chưa cao, đặc biệt tiêm phòng các dịch bệnh cho lợn đang đạt quá thấp. Nguyên nhân là do các huyện đồng bằng không được hỗ trợ vắc xin nên nhiều bà con không tự bỏ tiền mua vắc xin, chưa kể là tâm lý chủ quan của các hộ chăn nuôi. 
 Ngoài việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm, thời gian này các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng chống rét cho trâu bò. Tại huyện rẻo cao Tương Dương, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, trong khi bà con vẫn còn tập quán thả rông gia súc trong rừng, dẫn đến tình trạng trâu, bò bị chết rét. Theo ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện: Để đối phó với rét đậm, rét hại kéo dài, UBND huyện Tương Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống đói rét gia súc, gia cầm, chỉ đạo, đôn đốc các xã xuống tận thôn bản, hộ gia đình tập trung phòng, chống đói rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Hướng dẫn bà con lợp kín tất cả chuồng trại bằng phên nứa, giữ nền chuồng sạch sẽ khô ráo và lót ấm bằng rơm, rạ, cỏ khô. Khuyến cáo bà con không thả trâu, bò khi nhiệt độ quá thấp. Tích cực chủ động dự trữ rơm rạ và các loại lá cây rừng để bảo đảm thức ăn xanh cho trâu bò trong những ngày giá rét.
Ông Hà Văn Tân ở xóm Bãi Sở, xã Tam Quang đang che chắn chuồng bò kể: “Ngay từ thời điểm đầu của mùa giá lạnh, gia đình tôi đã lùa bò từ trong rừng về nhốt, che chắn chuồng cẩn thận để tránh gió lạnh, đêm thì đốt củi sưởi ấm, dự trữ được thức ăn như rơm, cám và ngô nên 6 con bò mùa đông không lo đói, rét nữa”. Ông Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND xã Tam Quang - Tương Dương cho biết: Xã đã chỉ đạo các thôn, bản thống kê số lượng đàn trâu, bò, đôn đốc bà con đưa số trâu, bò đang còn thả rông trong rừng về. Toàn xã có trên 2.900 con trâu, bò hiện tại đã đưa về chuồng được trên 2.800 con. Tại 3 bản biên giới là Tùng Hương, Tân Hương, Liên Hương có khá nhiều hộ do điều kiện khó khăn chưa có chuồng trâu, bò, cán bộ xã đã hướng dẫn bà con cách đóng cọc che chắn bạt để giữ ấm cho trâu, bò. 
Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngày 2/12, UBND tỉnh có Công văn số 9104/ UBND yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc Công văn số 9102/BNN-TY ngày 11/11/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc triển khai các biện pháp chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; chỉ đạo chính quyền cấp xã, khối, xóm, thôn, bản phối hợp với ngành Thú y tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch; tổ chức tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, lợn, dịch tả lợn... Cùng đó, Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát dịch bệnh, chuẩn bị nhân lực, vắc xin, hóa chất, vật tư... Thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển tại gốc, kiểm soát nghiêm việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Cùng đó, tích cực triển khai công tác phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm nhất là thời điểm chuẩn bị nguồn thực phẩm cho dịp lễ, Tết…
Theo ông Vi Lưu Bình - Phó Giám đốc Sở NN & PTNN, ngay từ đầu tháng 11/2014, Sở đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra 10 huyện miền núi về công tác phòng chống đói rét cho trâu, bò. Qua đó, chấn chỉnh tình trạng chưa quyết liệt và còn chủ quan trong công tác phòng chống đói, rét cho gia súc gia cầm ở một số địa phương. Sở đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi đến tận người dân. Kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi che chắn chuồng trại, đảm bảo phòng chống rét và đủ điều kiện vệ sinh. Thực hiện tốt việc dự trữ, bảo quản, chế biến nguồn thức ăn cho trâu bò và chăm sóc tốt diện tích cỏ trồng hiện có. Những ngày nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, chính quyền các xã phải nghiêm cấm người dân chăn thả hoặc đưa trâu bò đi cày kéo; phải bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin, cho uống nước muối ấm để tăng cường sức khoẻ cho đàn vật nuôi. 
Văn Trường

Tin mới