Quỳ Châu: Mở rộng diện tích trồng rễ hương

(Baonghean) - Khối Tân Hương 1, 2 là địa bàn trồng nhiều diện tích cây rễ hương trên địa bàn Thị trấn Quỳ Châu trong năm 2014. Thời điểm này các hộ dân trong khối đang khẩn trương, tích cực thu hoạch sản phẩm rễ hương của gia đình mình.
Ông Lê Hồng Quân ở khối Tân Hương 2, cho biết: Năm nay gia đình ông trồng 4 sào rễ hương, tăng 2 sào so với năm ngoái. Trước đây trên diện tích này trồng mía nhưng hiệu quả thấp nên khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng của huyện, ông đã mạnh dạn trồng cây rễ hương. Do phù hợp điều kiện thời tiết, chất đất nên rễ hương sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao hơn hẳn so với trồng mía, rễ thơm, nhiều tinh dầu. Hiện nhà ông đã thu hoạch được một nửa diện tích, nửa còn lại ông đang có ý định tạo giống cho vụ sản xuất năm sau.
Người dân khối Tân Hương 2 thu hoạch cây rễ hương.
Người dân khối Tân Hương 2 thu hoạch cây rễ hương.
Thị trấn Quỳ châu có diện tích đất nông nghiệp rộng 233,5 ha. Từ năm 2012 được dự án Porit hỗ trợ trồng 2,6 ha rễ hương đem lại hiệu quả kinh tế cao nên huyện có chủ trương mở rộng diện tích trồng ra các khối trên địa bàn thị trấn. Ông Đậu Công Hà, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Quỳ châu, cho biết: Năm 2014, thị trấn đã trồng mới được 3,3 ha rễ hương, nâng tổng số diện tích rễ hương lên 10 ha với 25 hộ dân tham gia. Tập trung nhiều ở khối Tân Hương 1, Tân hương 2, Hòa Hải... Chủ yếu chuyển đổi diện tích trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây rễ hương để tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ cho nghề sản xuất hương trầm trên địa bàn. Năng suất ước đạt 40 tạ/ha (lý thuyết là 37 tạ/ha). Giá bán rễ hương hiện khá cao 15.000 đồng/kg rễ tươi, 45.000 đồng/kg rễ khô. Theo cảm quan người dân làm nghề hương trầm, rễ hương trồng trên Quỳ châu có mùi thơm đặc trưng so với các vùng khác. Thị trấn đã tiến hành xuống nghiệm thu đợt 1 (vào tháng 4) và đợt 2 sắp tới sau khi thu hoạch xong để đánh giá chính xác hiệu quả trồng rễ hương mang lại, từ đó có cơ chế hỗ trợ bà con 300.000 đồng/1 sào/hộ.
Rễ hương được trồng ở Quỳ Châu từ năm 2012, theo Quyết định số 10 về chính sách hỗ trợ NN&NT do UBND huyện ban hành. Mục đích là nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ để phục vụ cho các làng nghề sản xuất hương trầm trên địa bàn huyện (hiện có 4 làng nghề, 3 làng có nghề). Qua các năm, diện tích trồng rễ hương không ngừng tăng mạnh: từ 10 ha (2010) lên đến 57,5 ha (năm 2014), chủ yếu mở rộng ở các vùng ven Thị trấn như Tân Hương 1, 2, Châu Tiến, Châu Phong. Anh Sầm Văn Thái, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Để khuyến khích người dân trồng rễ hương, huyện có cơ chế hỗ trợ 60% giá giống; đầu vụ sản xuất mở các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Hiện tại để giảm chi phí mua giống, trạm đang thử nghiệm mô hình ươm giống cây rễ hương tại hộ ông Hồ Viết Thắng ở khối Tân Hương 2. Nếu thành công sẽ tự cung ứng được nguồn giống, tăng thu nhập đáng kể cho người dân. 
Đánh giá về hiệu quả việc mở rộng diện tích trồng rễ hương ở Quỳ Châu, ông Lô Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện khẳng định: “Trồng rễ hương một mặt đem lại nguồn thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích, mặt khác đây là hướng đi mới để phát triển làng nghề sản xuất hương trầm truyền thống Quỳ Châu theo mô hình khép kín. Trong năm 2015 dự kiến huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng rễ hương ra nhiều địa phương khác như Châu Bình, Châu Bính, Châu Hội...”.
Đăng Văn

Tin mới