Tích cực chống rét cho đàn vật nuôi

(Baonghean) - Đợt rét do không khí lạnh tăng cường này, nhiều địa phương đã chú trọng bảo vệ đàn vật nuôi với các giải pháp đồng bộ; đặc biệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp triển khai các giải pháp chống rét tại chỗ cho gia súc, gia cầm với quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại…
Che bạt chống rét cho gia súc ở Nghĩa Đàn.
Che bạt chống rét cho gia súc ở Nghĩa Đàn.
Những ngày vừa qua, nhiệt độ xuống thấp, có thời điểm dưới 120C, càng về đêm, giá rét càng đậm hơn. Trước thực tế đó, cán bộ thú y các xã ở huyện Nghĩa Đàn tăng cường đến các gia đình khuyến cáo, hướng dẫn cách phòng, tránh rét cho gia súc, gia cầm. Gia đình chị Ngô Thị Nga ở xã Nghĩa Hội nuôi 2 con trâu, đây là gia sản lớn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Được hướng dẫn nên mấy ngày rét vừa rồi, chị không chăn thả trâu, đồng thời che chắn xung quanh chuồng, thả thêm rơm khô vào vừa để cho trâu ăn vừa có thể lót cho trâu nằm ấm hơn, đồng thời cho uống nước muối ấm, pha loãng. Chị Nga cho biết: “Trời rét quá, chúng tôi phải dự trữ thêm thức ăn như lá ngô, lá mía làm thức ăn cho trâu và thực hiện đúng các phương pháp tránh rét cho trâu... Hy vọng trời sẽ không rét đậm hơn”. 
Xã Nghĩa Hội có 1.350 con dê, trên 1.000 con trâu, bò, hơn 4.000 con lợn và hàng vạn con gia cầm. Sau khi nhận được công điện của UBND huyện về phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, xã đã triển khai quyết liệt đến từng thôn, xóm và từng hộ chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã cử cán bộ thú y theo dõi diễn biến bệnh mùa Đông để có biện pháp sớm nhất chống rét, chống bệnh mùa Đông cho đàn gia súc, gia cầm. Ông Ngô Văn Cúc, cán bộ thú y xã Nghĩa Hội cho biết: “Chúng tôi đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, theo dõi dịch bệnh và hỗ trợ bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật nhằm giúp bà con phát triển chăn nuôi hiệu quả”. 
 Các biện pháp phòng tránh rét cho gia súc, gia cầm được các xã trên toàn huyện Nghĩa Đàn triển khai đồng bộ. Quá trình đó, các hộ chăn nuôi cũng ý thức cao trong công tác này, bởi chăn nuôi đã trở thành một trong những giải pháp quan trọng để tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều hộ chăn nuôi theo hướng hàng hóa càng phải nắm vững kỹ thuật, kiến thức bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Huyện Nghĩa Đàn hiện có đàn trâu, bò 50.425 con (trong đó đàn bò sữa 26.950 con), đàn lợn 37.100 con, gia cầm 720.000 con, dê: 19.883 con. Đây là nguồn hàng hóa quan trọng được bà con nông dân chăm sóc lâu nay với hy vọng sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho các gia đình. Vì vậy, công tác phòng, chống rét, phòng bệnh mùa Đông hiệu quả sẽ mang lại thắng lợi trong lĩnh vực chăn nuôi  trên địa bàn huyện.
Với yêu cầu đó, công tác phòng rét, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm được xem là nhiệm vụ chính của các cấp, ngành trong thời điểm hiện nay. Ông Cao Minh Đức, Trưởng Trạm Thú y huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Theo dự báo, năm nay thời tiết diễn biến phức tạp và lạnh hơn mọi năm nên công tác tuyên truyền, phổ biến phương pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm càng phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Ngoài các biện pháp che chắn, thêm các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho trâu, bò, bà con còn phải theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Quá trình đó, chúng tôi chỉ đạo  lực lượng thú y cơ sở thường xuyên sâu sát với bà con nông dân để sẵn sàng hỗ trợ kịp thời…”. 
Tại huyện Nghi Lộc, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn, ban, ngành liên quan thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống  rét cho đàn vật nuôi. Ở xã Nghi Công Nam  hiện nay hầu hết các hộ chăn nuôi chủ động che chắn chuồng trại nhằm bảo vệ an toàn đàn vật nuôi của gia đình. Ông Phạm Hữu Nghiêm, ở xóm 10, cho biết gia đình ông nuôi 5 con bò và hàng chục con lợn, đàn gà, vịt. Sau khi nghe Đài Truyền thanh xã và các phương tiện thông tin đại chúng thông báo về tình hình rét đậm, rét hại, gia đình đã gia cố lại chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn dự trữ tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Ông Nghiêm chia sẻ: "Ngay từ đầu mùa Đông gia đình tôi đã chuẩn bị dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, che chắn chuồng trại, lấy rơm khô làm nền cho gia súc nằm, những hôm thời tiết quá lạnh thì tôi nhốt gà tại chuồng cho uống nước ấm".
Ông Cao Minh Đức, Trưởng Trạm Thú y huyện Nghĩa Đàn (người ngồi) hướng dẫn bà con phòng, chống rét cho đàn gia súc.
Ông Cao Minh Đức, Trưởng Trạm Thú y huyện Nghĩa Đàn (người ngồi) hướng dẫn bà con phòng, chống rét cho đàn gia súc.
Còn ở xã Nghi Hoa, là địa phương có số lượng lớn đàn gia súc, gia cầm của huyện Nghi Lộc với 1.500 con gia súc và hơn 50.000 con gia cầm. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của huyện, qua hệ thống truyền thanh xã liên tục  tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi để nhân dân nắm rõ và chủ động thực hiện. Đến thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã cơ bản che chắn chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ thức ăn dự trữ như: rơm khô, thân cây ngô, cỏ voi và bổ sung một số thức ăn tinh cho đàn vật nuôi. Ông Đặng Thọ Thiệu, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Sau khi có công điện khẩn của UBND huyện, chúng tôi đã tập trung kiện toàn lại Ban chỉ đạo, phân công cụ thể các thành viên xuống cơ sở hướng dẫn tuyên truyền các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là việc tái nhập đàn từ nơi khác về nhằm kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu dịch bệnh".
Cơ quan thú y huyện Nghi Lộc cũng đã phân công cán bộ bám sát cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, che chắn đủ ấm bằng các lớp đệm lót khô, dày ở nền chuồng; đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho gia súc; cung cấp đầy đủ nguồn nước sạch theo nhu cầu hàng ngày cho đàn vật nuôi, sử dụng nước ấm cho gia súc, gia cầm uống vào những ngày trời lạnh, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm. Một số nơi còn làm áo ấm cho trâu, bò bằng bao tải đay, vải sợi bông nhiều lớp. Ông Trần Quốc Cường Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết thêm: "Để bảo vệ đàn vật nuôi thì trạm đã cung ứng cho các địa phương 2.000 liều vắc-xin để tiêm phòng dịch tai xanh cho các vùng có ổ dịch cũ và các vùng có nguy cơ cao. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục tiêu độc khử trùng, khuyến cáo bà con tổng dọn vệ sinh hệ thống chuồng trại sạch sẽ khô ráo, mua vôi bột rắc xung quang  khu vực chuồng trại nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh phát triển".
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trong thời tiết rét đậm, rét hại, hiện ở Nghĩa Đàn và Nghi Lộc chưa có trường hợp gia súc, gia cầm ốm do đói hay nhiễm dịch bệnh. Các cấp uỷ, chính quyền ở các địa phương này tiếp tục chỉ đạo lực lượng thú y giám sát chặt chẽ tình hình để xử lý kịp thời các biểu hiện xấu trên đàn vật nuôi trên địa bàn do thời tiết gây ra.
Nhóm CTV

Tin mới