Chuyển đổi cây trồng chống hạn: Yêu cầu cấp thiết

(Baonghean) - Tính đến ngày 15/6, toàn tỉnh mới gieo cấy được hơn 46.000/56.000 ha lúa vụ hè thu. Với điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngoài mục đích nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, còn là yêu cầu cấp thiết để chống hạn.

Đến nay, huyện Đô Lương đã gieo cấy được 5.500 ha lúa hè thu, trong đó 400 ha có khả năng bị chết do thiếu nước. Những năm gần đây, nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, huyện đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số diện tích như chuyển qua trồng ngô, đậu, hoặc một số vùng nằm ở cuối nguồn nước tại các xã Đại Sơn, Trù Sơn, Giang Sơn… chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Là địa phương có ngành chăn nuôi khá phát triển, Đô Lương có thuận lợi để có thể chuyển dần  những diện tích sản xuất màu không bền vững sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, nhất là ở các xã vùng hai đầu huyện.
Hiện đã có trên 150 ha lúa mùa chính vụ cấy giống lúa bào thai được chuyển hẳn sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi và các loại cây công nghiệp ngắn ngày đem lại hiệu quả kinh tế cao và an toàn. Ngay từ đầu vụ, bên cạnh việc triển khai các biện pháp gieo cấy nhanh lúa hè thu ở những vùng chủ động nước, huyện cũng đã chỉ đạo các xã rà soát, cân đối nguồn nước để chuyển sang trồng màu ở những diện tích không chủ động nước. “Hiện tại, trước tình hình nguồn nước khó khăn như hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo tiến hành rà soát, có phương án chuyển đổi sang các loại cây trồng phù hợp và vẫn cho giá trị kinh tế khá” - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện - ông Trần Doãn Hùng cho biết.
Đất đã cày nhưng không có nước cấy ở Châu Quang (Quỳ Hợp)
Đất đã cày nhưng không có nước cấy ở Châu Quang (Quỳ Hợp)
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải địa phương nào cũng có thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng chống hạn như Đô Lương. Vùng đất xã Nghĩa Thọ (Nghĩa Đàn) chủ yếu là đồi núi. Toàn xã có trên 70 ha đất 2 lúa và 30 ha đất chỉ chuyên cấy lúa vụ mùa, không có diện tích lúa hè thu do không chủ động nước. Ông Lê Ngọc Uyển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ cho biết: Nguồn nước cho sản xuất của xã chủ yếu từ các đập Khe Lung, Khe Cái, Làng Mằn đều là những hồ đập nhỏ do địa phương quản lý. Đến nay, các hồ đập đều đã xuống dưới mực nước chết và nếu đến cuối tháng 6, đầu tháng 7 vẫn không có mưa thì rất nhiều diện tích lúa mùa cũng sẽ không cấy được nữa”.
Những năm qua, đứng trước tình hình nguồn nước luôn trong tình trạng thiếu hụt, xã đã cố gắng vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cách đây 3 năm, gần 8 ha lúa mùa hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, năng suất thấp, chỉ đạt từ 1,4 - 1,5 tạ/sào ở xóm Men và xóm Tân Thọ đã được chuyển sang trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ năm 2013 đến nay chuyển được 30 ha mía trên đất đồi cao, năng suất chỉ đạt trên 45 tấn/ha sang trồng keo; đặc biệt, có gần 80 ha gần khe suối, hồ đập đã chuyển sang trồng ngô nhập cho Trang trại chăn nuôi bò sữa TH, bí xanh, dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi đó không phải vùng nào cũng làm được do thửa ruộng quá manh mún, nhỏ lẻ không đưa cơ giới hóa vào được, đất lại khô cằn chỉ còn cách chờ mưa để gieo cấy lúa mùa hoặc chuyển đổi. Chị Nguyễn Thị Hoài (xóm 3) lo lắng: Gia đình tôi có hơn 2 sào lúa, mọi năm đến thời điểm này đã cấy xong rồi, nhưng năm nay hạn quá, đợt vừa rồi có mấy cơn mưa nhưng mưa nhỏ, ruộng chỉ đỡ khô trắng chứ vẫn chưa có nước cấy. Nếu trời mưa muộn quá thì chỉ có cách xem xã hướng dẫn thế nào để chuyển sang trồng cây khác chứ bỏ hoang ruộng thì tiếc lắm.
Huyện Nghĩa Đàn gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt ở những vùng chuyển đổi chống hạn. Diện tích đất 2 lúa hầu hết manh mún, nhỏ lẻ từ 50 - 70m2, chất đất đỏ kết hợp đá vôi, khô và cứng. Những năm qua, dù huyện đã có nhiều giải pháp chuyển đổi nhưng kết quả còn rất khiêm tốn. Trong kế hoạch của huyện, vụ hè thu - mùa năm nay Nghĩa Đàn gieo cấy 2.500 ha lúa, trong đó 1.500 lúa hè thu. Tuy mấy ngày qua đã có vài trận mưa rải rác nhưng đến ngày 16/6, toàn huyện cũng chỉ mới cấy được 50 ha ở các xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Hội, Nghĩa Khánh… nhờ có nước từ hồ Sông Sào và hồ Khe Đá. Theo ông Trương Minh Hoài, Phó Phòng Nông nghiệp huyện, các địa phương dự kiến gieo cấy các giống lúa ngắn ngày nhưng khả năng vẫn không kịp thời vụ. “Biết là bám trụ với cây lúa rất khó khăn nhưng chuyển đổi rất khó. Ruộng đất manh mún, khô cằn khó đưa cơ giới hóa vào. Một số diện tích đất 1 lúa 1 màu một số năm đã làm thí điểm chuyển sang trồng ngô nhưng rất khó vì diện tích ruộng nhỏ, sau khi thu hoạch ngô đất khô cứng cày thủ công để dọn sạch rễ ngô rất tốn công sức. Không những thế, trong tư tưởng của bà con nhiều vùng vẫn còn muốn bám trụ với lúa, như tại Nghĩa Lâm có gần 40 ha lúa năm nào cũng mất mùa, năng suất thấp nhưng người dân vẫn cố làm”- ông Trương Minh Hoài chia sẻ.
Hiện tại, nguồn nước trên các hồ đập, sông suối đã giảm rất mạnh, mực nước các hồ chứa chỉ còn từ 20 - 25% dung tích thiết kế. Mực nước sông xuống thấp làm các trạm bơm lấy nước dọc sông Lam không hoạt động được. Theo kế hoạch, Nghệ An sẽ gieo cấy 56 nghìn ha lúa hè thu, tuy nhiên, đến ngày 15/6 toàn tỉnh mới gieo cấy được 46.381 ha, đặc biệt trong đó có 4.650 ha có khả năng bị chết nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng hạn trong 4 - 6 ngày tới, trong đó riêng Yên Thành 1.200 ha, Nam Đàn 1.500 ha, Quỳnh Lưu 500 ha. Như vậy, đến nay vẫn còn gần 10.000 ha lúa hè thu chưa được gieo cấy, trong đó có trên 2.000 ha chạy lụt, trong khi thời vụ coi như đã hết. Trước tình hình đó, bên cạnh các giải pháp về thủy lợi, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng trở thành yêu cầu bắt buộc. 
Những năm qua, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được đặt ra và các địa phương cũng đã có những giải pháp khá tích cực để vừa nhằm mục tiêu nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, vừa nhằm ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu. Để “sống chung với hạn”, không thể không chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển những diện tích đất lúa thường xuyên bị thiếu nước và kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn cần ít nước, chống chịu với hạn tốt hơn như ngô, lạc… Ngoài ra, với những diện tích chuyển đổi cơ cấu, mùa vụ, cần ưu tiên chọn cơ cấu giống lúa phù hợp cho các vùng sản xuất hè thu. Trong đó ưu tiên các loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn nhưng đồng thời cũng cho năng suất khá.
Còn với những vùng “chạy lụt” thì buộc phải dùng các loại giống cực ngắn, (dưới 90 ngày) như P6 đột biến, đặt yêu cầu an toàn lên hàng đầu chứ không thể chạy theo năng suất và chất lượng. “Cơ cấu cây trồng phải được bố trí hợp lý. Trong chỉ đạo của ngành, những diện tích có thể hoàn toàn chủ động về nước tưới mới bố trí gieo cấy, lúa hè thu, những vùng có nước nhưng bấp bênh hơn sẽ chuyển sang sản xuất lúa mùa để tận dụng được nguồn nước trời khi lúa trổ, đồng thời ưu tiên sử dụng các loại giống ngắn ngày. Riêng những vùng không thể đáp ứng được nguồn nước tưới, nước ít thì phải chuyển hẳn sang các loại cây màu, trong đó ưu tiên cây ngô, do đây là loại cây trồng phù hợp, khá an toàn, dễ tiêu thụ.
Giám đốc Sở NN&PTNT- ông Hồ Ngọc Sỹ chia sẻ: chúng ta đã làm được khá nhiều việc, tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa được tiến hành đồng bộ, theo một quy hoạch cụ thể ở các địa phương. Để làm tốt vấn đề này, điều đầu tiên là từng huyện, từng xã phải rà soát lại diện tích bị hạn, điều kiện thực tế về chất đất, nguồn nước để có định hướng, bố trí loại cây trồng phù hợp để người dân yên tâm chuyển đổi. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con. 
Bài, ảnh: Phú Hương

Tin mới