Kỳ I: Bất cập lớn trong quản lý

(Baonghean) Nghệ An có hơn 625 hồ chứa nước lớn nhỏ, với dung tích hơn 387 triệu m3. Ngoài nhiệm vụ tưới cho 39.000 ha lúa và hoa màu, hệ thống hồ đập còn làm nhiệm vụ chậm lũ, cắt lũ bảo đảm cuộc sống cho hàng vạn hộ dân tại các địa phương. Sự cố vỡ  đập Tây Nguyên tại Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) là sự cảnh báo về an toàn hồ đập trong mùa mưa bão, đặc biệt là chất lượng của hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Đập Tây Nguyên vừa đề cập trên được xây dựng từ năm 1966, đến năm 2009 được tu sửa, nâng cấp. Đập có dung tích 1,2 triệu m3, tưới cho trên 200 ha, giao cho UBND xã Quỳnh Thắng quản lý mà trực tiếp là một HTX, đơn vị này lại giao cho ông Hồ Diên Minh, 64 tuổi ở xóm 2 bảo vệ và vận hành đóng, mở cửa cống. Ông Minh thừa nhận: Tôi chưa được qua một lớp đào tạo, tập huấn nào về sử dụng, vận hành hồ chứa, nên việc quản lý hồ chứa rất khó khăn.

                               Vỡ đập Tây Nguyên (Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu).

Tại xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) có 2 hồ đập do địa phương quản lý, do nguồn vốn hạn chế nên việc nâng cấp chưa đồng bộ. Hồ chứa Trường Sơn dung tích gần 1 triệu m3, trong năm 2010 được nâng cấp “áp trúc”  trị giá trên 800 triệu đồng, trong khi cầu tràn bị xuống cấp, xói lở nên gây thất thoát nước, chưa kể là mái thân đập hạ lưu chưa được giằng chéo. Đập Eo Dâu dung tích trên 1 triệu m3 nước, mới chỉ được nâng cấp hạng mục làm cầu qua tràn xả lũ, trong khi thân đập đất hiện nay rất yếu, nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 2 hồ chứa này giao cho 2 HTX quản lý, những người vận hành đóng, mở cửa cống ở đây cũng chưa được đào tạo cách vận hành quản lý hồ chứa. Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Quỳnh Lưu hiện có trên 100 hồ đập lớn nhỏ do địa phương quản lý. Trong số đó chỉ có trên 30% được tu sửa nâng cấp, còn lại nhiều hồ đập xuống cấp trầm trọng chưa phát huy được hiệu quả.

Tràn hồ chứa Minh Xuân (Đồng Thành, Yên Thành) bị hỏng, gây thất thoát nguồn nước.

Đối với huyện Yên Thành, hiện tại đang bất cập trong công tác quản lý, vận hành hồ đập. Như tại xã Đồng Thành, có đến 5 hồ đập lớn nhỏ do địa phương quản lý. Chủ yếu giao cho các xóm tự đứng ra vận hành, do kinh nghiệm và kỹ thuật vận hành chưa được đào tạo và hệ thống hồ đập chưa được đầu tư nâng cấp nên những ngày mưa lũ vừa qua, có 2 hồ đập đã bị vỡ. Cụ thể là hồ chứa Minh Xuân, xóm Đồng Xuân phục vụ nước tưới cho trên 30 ha lúa. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm xói lở tràn, nước dâng ngập úng trên 30 ha lúa, hàng chục hộ dân bị ngập úng. Hiện tại, huyện Yên Thành có trên 200 hồ đập lớn nhỏ do các địa phương quản lý, hiện mới chỉ có trên 20% được tu sửa nâng cấp. Hầu hết các hồ đập trên đều giao cho các HTX và các xóm trực tiếp quản lý. Đối tượng được giao nhận quản lý hồ chứa chưa được đào tạo về cách vận hành hồ chứa. Trong khi hàng năm huyện vẫn chưa mở các lớp tổ chức đào tạo các đối tượng này để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ quản lý hồ đập. Trong đợt mưa lũ vừa qua, Yên Thành có trên 12 hồ đập bị xói lở, sạt lở, vỡ thân đập.

 Đô Lương là một trong các địa phương có nhiều công trình tưới tiêu thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng trong đợt mưa lụt vừa qua. Tại Mỹ Sơn, lượng nước từ thượng nguồn, khe suối đổ về làm cho công trình đập Khe Su (xóm 10) bị vỡ thân đập gần 40m với khối lượng 500m3 đất đá trôi dạt xuống đồng lúa hè thu đang trên đà thu hoạch. Năm 2011, Nhà nước đã đầu tư trên 400 triệu đồng để nâng cấp lại đập Khe Su. Song công trình đang trong thời gian  thi công, trời mưa to đã cuốn mất phần thân đã đắp gia cố. Tại xã Giang Sơn Tây,  tràn Ngọc Thành tại hồ Đồng Cá bị vỡ  làm ngập và mất trắng trên 20 ha lúa hè thu.

Đô Lương hiện có 80 công trình hồ đập lớn nhỏ có nhiệm vụ đảm bảo tưới tiêu cho trên 7000 ha lúa hai vụ hàng năm trên địa bàn, trong đó có 69 công trình do địa phương quản lý. Có nhiều hồ đập có dung tích lớn trên 5 triệu m3  nước, khoảng 20 hồ đập có dung tích trên 1 triệu m3 nước, còn lại đa số là các hồ đập có sức chứa dưới 1 triệu m3  nước.  Về chất lượng các công trình, có nhiều hồ đập được làm từ nguồn vốn cấp trên, do Sở NN&PTNT và huyện làm chủ đầu tư, sau thi công đã phát huy chất lượng, hiệu quả tốt trong sản xuất và công tác PCLB như hồ Vĩnh Quang (Giang Sơn Đông - Tây), hồ Chọ Ràn (Đại Sơn), hồ Khe Ngầm (Lam Sơn), đập Chọ Mại (Nam Sơn)... Còn lại, đa số các công trình do địa phương quản lý. Hàng năm, ngân sách huyện ưu tiên 15 tỷ đồng cho các công trình thủy lợi (kể cả trả nợ kiên cố hóa kênh mương, giao thông), ngân sách tỉnh phân bổ 20 - 30 tỷ đồng/năm chỉ đủ để dành hỗ trợ các công trình ách yếu. Có công trình như  đập Đá Bàn (Bài Sơn), sau 3 năm bị vỡ đến nay mới có nguồn vốn để khắc phục.

Mặt khác, việc bố trí nguồn vốn cho xử lý ách yếu chưa phù hợp, có chỗ cần xử lý tối thiểu thì vốn chưa phù hợp, có công trình thì nguồn thiết kế không đủ để loại trừ nguy cơ đe dọa vỡ khi có mưa bão. Điều này lý giải một phần cho việc “tái diễn” sạt lở, vỡ thân đập, tràn theo chu kỳ trên các công trình tưới tiêu thủy lợi, làm thiệt hại kinh tế hàng tỷ đồng.

Huyện Tân Kỳ hiện có 120 hồ đập lớn nhỏ, trong đó có 2 đập đang trong tình trạng báo động sạt lở thân đập. Đó là đập Trăn, xã Nghĩa Bình và đập 271, xã Kỳ Sơn. Tại đập Trăn, toàn bộ hệ thống thân đập chưa được đầu tư kè lát đá chống sạt lở, những chỗ ách yếu, địa phương đã đóng cọc tre, ốp bao tải đất phía trên thân đập. Đập Trăn có trữ lượng hơn 2 triệu m3 nước, cung cấp nước tưới cho 50 ha đất sản xuất lúa nước của các xóm 1, 2, 3 và 4. Đối phó nguy cơ vỡ thân đập khi mưa to kéo dài, hàng năm xã lập phương án phòng chống lũ lụt, trong đó tập trung nhân lực và vật lực tại đập Trăn để ứng phó khi cần thiết. Phương tiện ứng phó ở đây chủ yếu là cọc tre và bao tải đất. Đất lúc nào cũng có một khối lượng lớn chuẩn bị sẵn gần thân đập, khi có sự cố xảy ra là chủ động được ngay. Mong muốn của địa phương là được Nhà nước đầu tư xây kè thân đập, nhằm đảm bảo nước tưới và an toàn khi mùa mưa bão về.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, trên địa bàn có 113 hồ, đập lớn, nhỏ do huyện quản lý, trong đợt mưa lớn vừa qua, tất cả các hồ đập này vẫn an toàn. Tuy nhiên, các tuyến đường giao thông có bị sạt lở, đặc biệt tuyến đường giao thông đi vào xã Nghĩa Phú, Nghĩa Thọ bị sạt lở khoảng 5.000m. Trong đó, tràn qua đường từ hồ thủy lợi Đồng Sằng 2 qua hồ Cây Chanh thuộc xã Nghĩa Hội bị sạt lở, hư hỏng nặng, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. Các hồ, đập trên địa bàn đa số xây dựng đã lâu, chủ yếu đắp bằng đất thủ công nên vẫn xảy ra tình trạng xói lở nhẹ ở mái thượng lưu các đập, như đập Tân Thai ở xã Nghĩa Lợi, đập Cây Chanh ở xã Nghĩa Hội.

Như vậy, các bất cập của hệ thống hồ đập trên địa bàn tỉnh tập trung ở các hồ đập do địa phương quản lý (576 hồ đập); mà nguyên nhân khách quan chủ yếu do hầu hết được xây dựng từ những năm 60, đắp bằng thủ công, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng, luôn tiềm ẩn nguy cơ trong mùa mưa bão. Thực trạng đó đặt ra vấn đề tu sửa, nâng cấp hệ thống hồ đập đang là nhiệm vụ cấp bách đối với các cấp, ngành chức năng.

Nhóm PV

Tin mới