Lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt

(Baonghean.vn) - Theo truyền thống của người Việt, Tết Trung nguyên, lễ Vu Lan, hay còn gọi là ngày Xá tội vong nhân (ngày 15/7 ÂL) là ngày chúng ta tưởng nhớ về "Cửu huyền thất tổ"; mà thiết thực nhất là tri ân công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mình.
 
Lễ Vu Lan có nguồn gốc từ Phật giáo. Tôn giáo này du nhập vào nước ta từ thế kỷ III sau Công nguyên (nghiên cứu của Gs Lê Mạnh Thát thì cho rằng Phật giáo truyền vào nước ta từ trước Công nguyên và Phật tử đầu tiên là Chử Đồng Tử và Tiên Dung).
 
Theo truyền thuyết nhà Phật; Mẹ ngài Mục Kiền Liên sau khi chết bị đày làm quỷ đói, khi ngài Mục Kiền Liên đắc đạo, có thể xuống Địa ngục để thăm mẹ, từ đó mới biết mẹ mình bị đày đọa khổ ải do những tội lỗi mà Bà đã làm khi còn sống. Ngài bèn thưa với Đức Phật về cách chuộc tội cho mẹ Ngài; Đức Phật khuyên ngài đến rằm tháng 7, dâng cúng lễ vật lên chư Tăng sau khi các vị này đã trải qua mùa an cư kiết hạ, hồi hướng công đức cho mẹ của ngài Mục Kiền Liên, nhờ công đức này, mẹ ngài Mục Kiền Liên được thoát tội. Từ truyền thuyết này, mỗi năm đến dịp rằm tháng 7, phần lớn người dân làm lễ cầu siêu cho “Cửu huyền thất tổ” nhà mình. Và đây cũng là dịp con cháu bày tỏ lòng tri ân lên cha mẹ, ông bà khi các cụ còn sống.

Cha Mẹ ta bao giờ cũng không ngừng thương yêu, nhớ nhung, lo lắng, nguyện cầu cho ta lớn khôn, may mắn, hạnh phúc. Dù bạn là Tổng thống, phó thường dân, hay kẻ tù tội, mẹ bạn đều lo lắng cho bạn như vậy. Dù cha mẹ đang khỏe mạnh, hay đang đau yếu hay khi các cụ ở trên trời xanh, họ cũng sẽ thương yêu, nhớ nhung, lo lắng, nguyện cầu cho ta lớn khôn, may mắn, hạnh phúc!

"Nước biển bao la, không so đầy tình mẹ/
Mây trời lồng lộng, không phủ kín công cha".

Hay:

"Dẫu cho đi trọn kiếp người/
Cũng không đi hết những lời mẹ ru!"

Theo quan niệm của các cụ xưa, báo hiếu Cha mẹ không chỉ là gửi cho các cụ nhiều tiền, ăn thức ăn ngon vật lạ là đủ. Mà là chúng ta phải phụng dưỡng cha mẹ cả vật chất và tinh thần, trong đó yếu tố tinh thần còn quan trọng hơn. Nghĩa là chúng ta phải luôn luôn kính yêu, nhớ nhung, lo lắng, nguyện cầu cho Cha mẹ của chúng ta khỏe mạnh, vui vẻ, sống lâu, sống có ích; Phải làm sao cho cha mẹ nghĩ trong lòng rằng "Con cháu mình không thể thiếu mình, rằng mình sống rất hữu ích cho con cháu". Nếu bạn để cha mẹ bạn có suy nghĩ rằng "mình già yếu, lẩm cẩm, sống vô ích, ăn bám con cháu" thì dù ăn ngon mặc ấm bằng mấy, bạn cũng phải cẩn thận các Cụ quyên sinh!

Theo Khổng Tử, cách báo hiếu cao thượng nhất của con cái với cha mẹ là: "Lập trí, lập nghiệp, lập thân, lập danh, lập ngôn; Tạo phúc cho thiên hạ, dương danh thế gia"! Nôm na thì bạn có thể hiểu là bản thân người con muốn báo hiếu với cha mẹ thì phải quyết chí học tập, tu dưỡng thành người tài giỏi; Làm phúc cho mọi người và làm rạng rỡ dòng dõi, tổ tiên nhà mình.

Nguyễn Đình Tạo

Tin mới