Lịch sử 75 năm đầy thương đau của Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Gaza là dải đất ven biển nằm trên tuyến đường thương mại và hàng hải cổ xưa dọc theo bờ Địa Trung Hải. Trong thế kỷ qua, Gaza được chuyển từ quyền cai trị quân sự của Anh, tới Ai Cập rồi Israel, hiện là khu vực có hàng rào bao quanh, nơi sinh sống của 2 triệu người Palestine.

Dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong lịch sử gần đây của khu vực này:

Khói đen bốc lên sau các cuộc tấn công của Israel tại thành phố Gaza hôm 10-10. Ảnh Reuters.jpeg
Khói đen bốc lên sau các cuộc tấn công của Israel tại thành phố Gaza hôm 10/10. Ảnh: Reuters

1948 - Kết thúc thời kỳ cai trị của Anh

Khi chế độ thuộc địa của Anh chấm dứt ở Palestine vào cuối những năm 1940, bạo lực gia tăng giữa người Do Thái và người Arập, lên đến đỉnh điểm là chiến tranh giữa Nhà nước Israel mới thành lập và các nước láng giềng Arập vào tháng 5/1948.

Hàng vạn người Palestine đã đến tị nạn ở Gaza sau khi chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi nhà của họ. Quân đội Ai Cập khi ấy đã chiếm được một dải bờ biển hẹp dài 40 km, chạy từ Sinai đến ngay phía nam Ashkelon. Dòng người tị nạn khiến dân số Gaza tăng gấp ba lần, lên khoảng 200.000 người.

Những năm 1950, 1960 - Sự cai trị của quân đội Ai Cập

Ai Cập kiểm soát Dải Gaza trong 2 thập kỷ dưới quyền một thống đốc quân sự, cho phép người Palestine làm việc và học tập tại Ai Cập. Các "fedayeen" Palestine có vũ trang, nhiều người trong số họ là người tị nạn, đã tiến hành các cuộc tấn công vào Israel và gây ra sự trả thù.

Liên hợp quốc đã thành lập cơ quan tị nạn UNRWA, hiện cung cấp dịch vụ cho 1,6 triệu người tị nạn Palestine đã đăng ký ở Gaza, cũng như cho người Palestine ở Jordan, Liban, Syria và Bờ Tây.

Cảnh tượng sau các cuộc tấn công của Israel nhằm vào cảng biển của Gaza hôm 10-10. Ảnh Reuters.jpeg
Cảnh tượng sau các cuộc tấn công của Israel nhằm vào cảng biển của Gaza hôm 10/10. Ảnh: Reuters

1967 - Chiến tranh và sự chiếm đóng của quân đội Israel

Israel chiếm Dải Gaza trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Cuộc điều tra dân số của Israel năm đó cho thấy dân số Gaza là 394.000 người, ít nhất 60% trong số đó là người tị nạn.

Khi người Ai Cập rút khỏi, nhiều lao động Gaza đã vào làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ tại Israel, nơi mà họ có thể dễ dàng tiếp cận vào thời điểm đó. Quân đội Israel tiếp tục quản lý vùng lãnh thổ này và bảo vệ các khu định cư mà Israel xây dựng trong những thập kỷ tiếp theo. Những điều này đã trở thành nguồn cơn khiến sự phẫn nộ của người Palestine ngày càng tăng.

1987 - Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine; Hamas thành lập

20 năm sau cuộc chiến năm 1967, người Palestine phát động cuộc nổi dậy - intifada đầu tiên của họ. Cuộc nổi dậy này bắt đầu vào tháng 12/1987 sau một vụ tai nạn giao thông, trong đó một chiếc xe tải của Israel đâm vào một chiếc xe chở công nhân Palestine ở trại tị nạn Jabalya ở Gaza, khiến 4 người thiệt mạng. Các cuộc biểu tình ném đá, các cuộc đình công và đóng cửa nhà máy đã diễn ra sau đó.

Lợi dụng tình hình này, tổ chức Anh em Hồi giáo có trụ sở tại Ai Cập đã thành lập một nhánh vũ trang của người Palestine mang tên Hamas, với cơ sở quyền lực đặt tại Gaza. Hamas ủng hộ việc phá hủy Israel và khôi phục chế độ Hồi giáo ở nơi mà họ xem là Palestine bị chiếm đóng, đã trở thành đối thủ của đảng Fatah theo đường hướng thế tục của Yasser Arafat, vốn dẫn dắt Tổ chức Giải phóng Palestine.

Rocket được phóng từ Gaza hướng về phía Israel hôm 10-10. Ảnh Reuters.jpeg
Rocket được phóng từ Gaza hướng về phía Israel hôm 10/10. Ảnh: Reuters

1993 - Hiệp định Oslo và quyền bán tự trị của người Palestine

Israel và người Palestine đã ký một hiệp định hòa bình lịch sử vào năm 1993 dẫn đến việc thành lập Chính quyền Palestine. Theo thỏa thuận tạm thời, người Palestine lần đầu tiên được trao quyền kiểm soát hạn chế ở Gaza và Jericho ở Bờ Tây. Arafat trở về Gaza sau nhiều thập kỷ sống lưu vong.

Tiến trình Oslo đã mang lại cho Chính quyền Palestine mới thành lập một số quyền tự chủ và dự kiến trở thành nhà nước sau 5 năm. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Israel cáo buộc người Palestine vi phạm các thỏa thuận an ninh và người Palestine tức giận trước việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư.

Nhóm Hamas và Thánh chiến Hồi giáo đã tiến hành các vụ đánh bom nhằm cố gắng làm chệch hướng tiến trình hòa bình, khiến Israel áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với việc di chuyển của người Palestine ra khỏi Gaza. Hamas cũng nhấn mạnh những chỉ trích ngày càng tăng của người Palestine về tình trạng tham nhũng, gia đình trị và quản lý kinh tế yếu kém của giới thân cận Arafat.

2000 - Intifada thứ hai của người Palestine

Năm 2000, quan hệ giữa Israel và Palestine lại xuống mức thấp mới sau khi bùng nổ phong trào intifada thứ hai của người Palestine. Nó mở ra một thời kỳ đánh bom liều chết và tấn công bằng súng của người Palestine, cũng như các cuộc không kích, phá hủy, các khu vực cấm và lệnh giới nghiêm của Israel.

Một trong những nơi gánh chịu tổn thất là Sân bay Quốc tế Gaza. Đây là biểu tượng cho thấy hy vọng độc lập về kinh tế của người Palestine đã bị cản trở. Nơi này còn là sự gắn kết trực tiếp duy nhất của người Palestine với thế giới bên ngoài mà không do Israel hay Ai Cập kiểm soát. Sân bay được khánh thành vào năm 1998, song Israel đã coi đây là mối đe dọa an ninh và đã phá hủy ăng-ten radar cũng như đường băng của nó vài tháng sau loạt vụ tấn công ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ.

Một nạn nhân khác là ngành đánh bắt hải sản của Gaza, vốn là nguồn thu nhập của hàng vạn người. Khu vực đánh bắt của Gaza đã bị Israel thu hẹp, một sự hạn chế mà Israel cho là cần thiết để ngăn chặn các thuyền buôn lậu vũ khí.

Nhà cửa bị phá huỷ trong các cuộc không kích của Israel tại thành phố Gaza. Ảnh Reuters.jpeg
Nhà cửa bị phá huỷ trong các cuộc không kích của Israel tại thành phố Gaza. Ảnh: Reuters

2005 - Israel sơ tán các khu định cư ở Gaza

Vào tháng 8/2005, Israel đã sơ tán toàn bộ binh lính và người định cư khỏi Gaza, nơi mà lúc đó đã được Israel rào chắn hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Người Palestine đã phá bỏ các tòa nhà và cơ sở hạ tầng bỏ hoang để lấy phế liệu. Việc dỡ bỏ các khu định cư đã dẫn đến sự tự do di chuyển lớn hơn trong Gaza và một "nền kinh tế đường hầm" bùng nổ khi các nhóm vũ trang, những kẻ buôn lậu và doanh nhân nhanh chóng đào nhiều đường hầm vào Ai Cập.

Nhưng việc rút quân cũng loại bỏ các nhà máy định cư, nhà kính và nhà xưởng, từng tuyển dụng một bộ phận người dân Gaza.

2006 - Bị cô lập dưới thời Hamas

Năm 2006, Hamas giành chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử quốc hội Palestine và sau đó giành toàn quyền kiểm soát Gaza, lật đổ các lực lượng trung thành với người kế nhiệm ông Arafat là Tổng thống Mahmoud Abbas.

Phần lớn cộng đồng quốc tế đã cắt viện trợ cho người Palestine ở các khu vực do Hamas kiểm soát vì họ coi Hamas là một tổ chức khủng bố.

Israel đã ngăn chặn hàng vạn công nhân Palestine nhập cảnh vào nước này, cắt đứt một nguồn thu nhập quan trọng. Các cuộc không kích của Israel đã làm tê liệt nhà máy điện duy nhất của Gaza, gây mất điện trên diện rộng. Viện dẫn những lo ngại về an ninh, Israel và Ai Cập cũng áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc di chuyển của người và hàng hóa qua các cửa khẩu của Gaza.

Những kế hoạch đầy tham vọng của Hamas hòng chuyển hướng tập trung nền kinh tế của Gaza về phía Đông, tránh xa Israel, đã sụp đổ trước cả khi bắt đầu.

Xem Hamas là một mối đe dọa, nhà lãnh đạo được quân đội hậu thuẫn của Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi, người lên nắm quyền vào năm 2014, đã đóng cửa biên giới với Gaza và cho nổ tung hầu hết các đường hầm. Một lần nữa bị cô lập, nền kinh tế của Gaza lại rơi vào tình trạng suy thoái.

Chu kỳ xung đột

Nền kinh tế Gaza liên tục bị ảnh hưởng trong vòng xoáy xung đột, tấn công và trả đũa giữa Israel và các nhóm chiến binh Palestine.

Trước năm 2023, một số cuộc giao tranh tồi tệ nhất xảy ra vào năm 2014, khi Hamas và các nhóm khác phóng tên lửa vào các thành phố trung tâm ở Israel. Israel đã tiến hành các cuộc không kích và pháo kích tàn phá các khu dân cư ở Gaza. Hơn 2.100 người Palestine đã thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Israel cũng công bố số thương vong của mình là 67 binh sĩ và 6 dân thường thiệt mạng.

2023 - Cuộc tấn công bất ngờ

Trong khi Israel tin rằng họ đang kiềm chế Hamas, vốn mệt mỏi vì chiến tranh, bằng cách cung cấp các động cơ về kinh tế cho người lao động Gaza, thì các chiến binh của nhóm này đã được đào tạo và huấn luyện một cách bí mật.

Vào ngày 7/10, các tay súng Hamas đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel, tàn phá các thị trấn, khiến hàng trăm người thiệt mạng và bắt hàng chục con tin trở về Gaza. Israel đã trả thù, tấn công Gaza bằng các cuộc không kích và san bằng toàn bộ các quận huyện trong những vụ việc được xem là đổ máu nhất trong 75 năm xung đột.

Tin mới