Liên hệ giữa khủng bố và người nhập cư?

(Baonghean) - Dư chấn của chuỗi khủng bố liên hoàn đêm 13/11 tại Paris chưa lắng xuống, một số quốc gia và đảng phái chính trị trên thế giới đã đặt ra giả thiết về mối liên quan giữa vụ tấn công và cuộc khủng hoảng nhập cư. 

Mỹ: mâu thuẫn lên cao giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà

Tại Mỹ, tiếp sau những lời cầu nguyện và đồng cảm với nước Pháp là những ý kiến chỉ trích các chính sách của chính quyền Obama. Các nghị sỹ Cộng hoà cho rằng sự kiện này là một lý do nữa để Mỹ xem xét lại liệu có nên tiếp nhận những người tị nạn đến từ Syria hay không.

Nghị sỹ bang Kentucky Rand Paul thẳng thừng tuyên bố rằng sau những gì xảy ra ở Paris, tiếp nhận người tị nạn Trung Đông là một quyết định “mất trí”.

Được biết tại thời điểm này, số lượng nạn dân mà Mỹ tiếp nhận đã giảm đáng kể (dưới 2.000 người), vì những thủ tục hành chính và công tác kiểm soát an ninh gắt gao và kéo dài.

Đảng Dân chủ lại thể hiện quan điểm hoàn toàn trái ngược khi cả 3 ứng viên của đảng này trong một cuộc tranh luận ở bang Iowa đều ủng hộ việc tiếp nhận một số lượng người tị nạn lớn hơn nữa. Trong đó, có cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Bà nói: “Những lời cầu nguyện thôi là chưa đủ”. Bà cũng bày tỏ sự phẫn nộ đối với tổ chức khủng bố IS khi cho rằng “Tổ chức này phải bị tiêu diệt triệt để”. 

Chủ nghĩa cực đoan
Chủ nghĩa cực đoan "gieo mầm" ở Pháp và châu Âu. (Việt hoá: Phan Minh)

Chia rẽ nội bộ trong nước ở châu Âu

Trong một diễn biến khác tại châu Âu, ngay tại thời điểm các Ngoại trưởng đang nhóm họp để bàn về một giải pháp cho xung đột tại Syria, sự kiện khủng bố tấn công tại Paris chắc chắn có tác động không nhỏ đến góc nhìn chiến lược của các nước trong khu vực. 

Đức - quốc gia láng giềng của Pháp - không thể không chấn động sau sự kiện kinh hoàng ngày 13/11. Đất nước này đang tiên phong trong việc kêu gọi châu Âu mở rộng vòng tay với làn sóng dân nhập cư từ Trung Đông. Tuy nhiên, sự kiện khủng bố tại Pháp đang tạo điều kiện cho cánh hữu khơi dậy cuộc tranh luận xung quanh chủ đề tiếp nhận người nhập cư. 

Người nhập cư ở Đức. Ảnh: latimes
Người nhập cư ở Đức. Ảnh: latimes

Bộ trưởng Bộ Tài chính Markus Soder (thuộc đảng Xã hội Cơ đốc giáo Đức - CSU) khẳng định trên tuần báo Die Welt am Sonntag: “Thời kỳ của nhập cư vô kiểm soát và trái phép không thể tiếp diễn như thế này được nữa. Paris đã thay đổi tất cả”.

Chủ tịch Đảng CSU Horst Seehofer thì viết trên Facebook: “Chúng ta cần phải ngay lập tức kiểm tra những đối tượng nào đang tiến vào lãnh thổ của mình, đi qua nó hay ở lại. Những quy định của luật pháp đã không được thực thi từ nhiều tuần nay và tình trạng đó phải chấm dứt”. 

Mặc dù liên minh với đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel nhưng đảng CSU đã lên tiếng chỉ trích chính sách mở cửa với người nhập cư của nữ Thủ tướng từ nhiều tuần nay. CSU yêu cầu thiết lập hạn ngạch tối đa cho số người tị nạn mà Đức tiếp nhận mỗi năm.

Đáp lại những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thomas de Maiziere thể hiện sự bất đồng rõ ràng: “Không nên khẳng định mối liên hệ trực tiếp một cách vội vàng giữa những gì đã xảy ra và chính sách nhập cư”.

Đảng Xã hội - Dân chủ SPD có cùng quan điểm, thủ lĩnh Sigmar Gabriel của SPD cho rằng: “Là một quốc gia của công lý và tự do, dễ hiểu khi chúng ta chịu những rủi ro nhất định. Cho dù vậy, chúng ta luôn phải hướng tới một xã hội cởi mở”.

Hy Lạp - cánh cửa dẫn vào châu Âu của làn sóng người nhập cư - cũng đang “giằng xé” giữa những quan điểm đối lập về chính sách đối với dân tị nạn. Đảng Neo-nazi Bình minh vàng của Hy Lạp cho rằng:

“Vụ tấn công khủng bố tại Paris đe doạ trực tiếp đến Hy Lạp - nơi mà các phần tử thánh chiến cực đoan ra vào hàng ngày không qua kiểm soát, đây là do lỗi của chính sách mở cửa lỏng lẻo mà chính phủ ban hành”.

Đáp lại lời chỉ trích này, Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố:

“Chúng ta có trách nhiệm đem lại những giải pháp cho cuộc khủng hoảng nhập cư và cho những người dân tị nạn mà cuộc sống bị đe doạ bởi chính các phần tử khủng bố này. Nếu vì chúng mà châu Âu trở thành lục địa của những dân tộc sống trong sợ hãi, có nghĩa là chúng đã thắng”. 

Củng cố lập trường không ủng hộ giải pháp chung của khối

Tân Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Ba Lan Konrad Szymanski đã viện dẫn sự kiện khủng bố như một lời giải thích cho việc đảng bảo thủ Quyền và Công lý (PIS) xem xét lại ý định đón tiếp khoảng 7.500 người tị nạn - trong khuôn khổ kế hoạch phân bổ của châu Âu. Ông viết trên một trang web theo trường phái bảo thủ: 

“Sau những sự kiện bi thương ở Paris, Ba Lan nhận định rằng việc thực hiện quyết định phân bố người tị nạn là một giải pháp chính trị bất khả thi. Những vụ tấn công ở Paris diễn ra trong bối cảnh liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng nhập cư và những chiến dịch không kích mà Pháp tiến hành nhắm vào Daech”. 

Bằng một giọng điệu mềm mỏng hơn, ông khẳng định lại quan điểm của mình trong buổi chiều cùng ngày: “Ba Lan sẽ tiếp nhận người tị nạn với điều kiện đảm bảo về an ninh”. 

Trước cửa Đại sứ quán Pháp ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AP
Trước cửa Đại sứ quán Pháp ở Warsaw, Ba Lan. Ảnh: AP

HungaryCộng hoà Séc vốn không mấy mặn mà với việc nhận trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng nhập cư cũng tìm thấy lý do mới để duy trì quan điểm bất hợp tác với chính sách chung. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố: “Châu Âu cần phải thay đổi thái độ”.

Hồi tháng 1 vừa qua, khi xảy ra vụ tấn công vào toà soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, Thủ tướng Hungary cũng không ngần ngại thiết lập mối liên hệ giữa người nhập cư và nguy cơ khủng bố. 

Đến thời điểm này, công tác điều tra về nguyên nhân và thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công liên hoàn tại Paris vẫn đang được tiến hành. Việc IS sớm lên tiếng nhận trách nhiệm - cùng với vụ đánh bom kép tại Beirut, Liban - cho thấy ý đồ không thể chối cãi nhằm gieo rắc sự sợ hãi trong lòng các quốc gia can thiệp vào chiến trường Trung Đông.

Tất nhiên, đó cũng là con dao hai lưỡi - khơi dậy những mâu thuẫn nội bộ hoặc thổi bùng lên ngọn lửa căm thù và tinh thần đoàn kết. 

Thục Anh

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới