Liên minh Châu Âu đưa ra lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga

(Baonghean.vn) - Hội nghị thượng đỉnh bất thường đã diễn ra giữa 28 thành viên của Liên minh Châu Âu vào ngày 30/8, tại Brussels, . Nội dung chính của Hội nghị xoay quanh vấn đề cuộc khủng hoảng ở Ukraina và việc bổ nhiệm Chủ tịch mới cho Hội đồng Châu Âu.
Theo thông báo chính thức, Hội nghị quyết định ủy quyền cho Ủy ban Châu Âu đề ra “khẩn cấp” các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào nước Nga nhất là trong lĩnh vực tài chính và vũ khí. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Châu Âu quyết định sẽ có ít nhất một tuần trước khi các biện pháp trừng phạt bổ sung được áp dụng đối với Moscow.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm chấm dứt “các hoạt động quân sự bất hợp pháp” của Nga tại Ukraina / Ảnh: Thiery Charlier
Các nhà lãnh đạo Châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm chấm dứt “các hoạt động quân sự bất hợp pháp” của Nga tại Ukraina / Ảnh: Thiery Charlier
Trước tình hình căng thẳng đang diễn ra tại Ukraina, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố cần phải gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga nếu tình hình tại Ukraina không thay đổi. Sau khi Hội nghị kết thúc, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết “Quan điểm của các nước Châu Âu đều giống nhau, tuy nhiên một số nước cần xem xét lại tác động của các lênh trừng phạt bổ sung này”. Đồng thời, Thủ tướng Merkel cũng từ chối bình luận về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế do Liên minh Châu Âu áp đặt hồi cuối tháng bảy.
Không phải tất cả các thành viên của Liên minh Châu Âu đều đồng ý với các biện pháp trừng phạt bổ sung. Thủ tướng Slovakia – Robert Fico và Thủ tướng Hungary – Viktor Orban cho hay các nước này sẽ dùng quyền phủ quyết đối với các lệnh trừng phạt trên nếu điều này làm tổn hại tới lợi ích của quốc gia.
Trái lại, Dalia Grybauskaite - Tổng thống Lithuania cho rằng Nga đang tuyên chiến với Ukraina – một quốc gia muốn trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu, đồng nghĩa với việc chính quyền Moscow đang tuyên chiến với Châu Âu. Tổng thống Dalia kêu gọi Châu Âu cung cấp các thiết bị quân sự cho Ukraina. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande đều bác bỏ khả năng này. Bà Merkel nhấn mạnh rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết thông qua sự đồng thuận giữa các bên chứ không phải bằng một biện pháp quân sự.
Tổng thống Porochenko – người được mời tới Hội nghị để giải thích tình hình của Ukraina cũng giữ thái độ cẩn trọng và không yêu cầu viện trợ quân sự từ Châu Âu. 
Dường như Liên minh Châu Âu đang chờ đợi phản ứng của Tổng thống Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới. Cuộc Hội nghị thượng đỉnh của NATO lần này được đánh giá là quan trọng nhất kể từ khi Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương được thành lập cho tới nay.
Chu Thanh

Tin mới