Mái ấm bình yên của người anh hùng

(Baonghean.vn) - Trải qua sự khốc liệt của chiến tranh, khói bom trận mạc, ông Nguyễn Quang Trung rút ra một điều, rằng "Cuộc đời cái được luôn đi cùng cái mất, nhưng cái đích ai cũng phải hướng tới là sự bình yên dưới mái ấm gia đình”.

Trong căn nhà nhỏ nơi xóm 11, xã Thanh Dương (Thanh Chương), ông Nguyễn Quang Trung (SN 1951) chậm rãi kể về những trận đánh và chiến công của đơn vị - Đại đội 4, Trung đoàn 148 (Sư đoàn  316). “Năm 1969, đang làm cán bộ Đoàn, rồi Chủ nhiệm HTX, trong khi cuộc chiến ở miền Nam đang vô cùng ác liệt, người anh cả đã vào chiến trường, tôi không thể nào ngồi yên. Vậy là quyết định bàn giao tất cả công việc ở hậu phương để lên đường nhập ngũ với khí thế sục sôi và niềm tin mãnh liệt” – ông mở đầu câu chuyện.

 1.	Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quang Trung
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quang Trung. Ảnh nhân vật cung cấp

Câu chuyện của ông Trung như những thước phim quay chậm, ghi lại bước chân và cuộc hành trình của những người lính mang theo trái tim nhiệt huyết và sứ mệnh thiêng liêng với Tổ quốc. Vào quân ngũ, người lính trẻ ấy được biên chế vào Tiểu đội 2 – Đại đội 4 – Tiểu đoàn 148 (Sư đoàn  316) và hành quân sang chiến đấu ở đất Lào. Đầu 1974, đơn vị của ông được lệnh về nước. và chuyển quân vào miền Nam chiến đấu.

Ông và đồng đội băng qua những cung đường cheo leo, những cánh rừng trụi lá, những khu rừng già thâm u để tiến vào áp sát, bao vây địch ở Tây Nguyên. Ngày 18/3/1975, Đại đội 4 nhận được lệnh tấn công tiêu diệt một tiểu đoàn ngụy quân ở cửa ngõ Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Trung đội trưởng Nguyễn Quang Trung được giao nhiệm vụ chỉ huy trinh sát và đánh bộc phá vào hàng rào địch, mở màn cho cuộc tấn công.

Bị đánh bất ngờ, địch hoảng loạn rồi nhanh chóng tập trung hỏa lực để chống trả, tạo nên những trận “mưa đạn” liên hồi. Trong thế bị bao vây, địch điên cuồng phản kích, huy động toàn bộ các loại vũ khí để chặn đường tiến quân của ta, khiến quân ta chịu không ít tổn thất. Trận chiến mỗi lúc một ác liệt, đồng chí Đại đội trưởng bị thương rồi hy sinh, trong giờ phút nguy cấp ấy, Nguyễn Quang Trung được giao chỉ huy Đại đội tiếp tục chiến đấu.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quang Trung (bên trái) cùng đồng đội xem lại bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quang Trung (bên trái) cùng đồng đội xem lại bản đồ chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Ảnh nhân vật cung cấp

Cầm trên tay lá cờ Tổ quốc, giữa tiếng đạn vang rền, ông hô to: “Vì ý nghĩa của chiến dịch Tây Nguyên, đảng viên, đoàn viên và thanh niên tiến lên tiêu diệt địch!”. Như được tiếp thêm sức mạnh, toàn đại đội băng qua lưới lửa, áp sát đến các lô cốt địch. Từ các lô cốt, ông Trung ra lệnh dùng đại liên bắn phá vào cửa chính khiến đội hình địch rối loạn và rơi vào tình thế bị hết đạn. Ông Trung ra lệnh dùng toàn bộ vũ khí bắn cấp tập vào kho đạn để phá hủy và không cho địch tiếp đạn.

Hỏa lực của ta dội vào kho đạn, một tiếng nổ kinh hoàng phát ra, lửa bốc lên và trùm cả một vùng, khói che khuất cả mặt đất và bốc mùi khét lẹt khiến địch bỏ chạy tán loạn. Thời cơ đã đến, các trung đội chia thành các mũi thọc sâu vào đội hình địch, bám sát vào giao thông hào và công sự của địch để tiến công. Địch củng cố đội hình, tăng viện thêm xe tăng, thiết giáp và các loại xe cơ giới để chặn bước tiến của ta, bảo vệ cửa ngõ Buôn Ma Thuột.

Cuộc chiến tiếp tục diễn ra khốc liệt, ông Trung dẫn đầu đại đội tổ chức các đợt xung phong vào chỉ huy tiểu đoàn địch, lựu đạn địch ném ra như mưa nhưng không ngăn được tinh thần của các chiến sỹ giải phóng. Trước sức mạnh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của chiến Tiểu đoàn 148, địch mỗi lúc một hoảng loạn rồi rút lui, cửa ngõ vào Buôn Ma Thuột bị phá tung.

Ông Nguyễn Quang Trung và người vợ thứ 2 (bà Nguyễn Thị Thành)
Ông Nguyễn Quang Trung và người vợ thứ 2 (bà Nguyễn Thị Thành). Ảnh: Công Kiên

Trận đánh này đơn vị ông Trung đã phá hủy của địch 7 xe tăng, 30 xe cơ giới và một kho đạn. Đơn vị tiếp tục được lệnh tiến đánh Buôn Ma Thuột. Thấy xe tăng, các loại xe cơ giới và bộ binh tiến vào, địch càng hoang mang, hoảng loạn, bỏ chạy về hướng Sài Gòn, chiến dịch Tây Nguyên hoàn toàn thắng lợi.

Từ Tây Nguyên, ông Trung cùng đơn vị hành quân xuống vùng Đông Nam Bộ, đóng quân tại Tây Ninh, chờ lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 20/4/1975, đại đội của ông nhận được lệnh tiến đánh địch để mở vòng vây cho Tiểu đoàn 4, Đại đội trưởng Nguyễn Quang Trung chia các trung đội thành các mũi tiến công.

Tiến sát vào mục tiêu, sau 3 phát súng hiệu lệnh của người đại đội trưởng, các mũi tiến công ồ ạt xung phong. Địch điên cuồng dùng các loại hỏa lực chống trả gây cho ta nhiều thương vong nhưng không ngăn cản được ý chí và quyết tâm chiến đấu của những người lính cộng sản.

Đồng chí Chính trị viên đại đội ngã xuống, trước lúc hy sinh còn dặn: “Đồng chí Đại đội trưởng giữ gìn, chiến thắng đã đến rất gần!”. Ý chí và quyết tâm của cả đại đội đã đẩy lùi địch, diệt và bắt sống gần 200 tên, riêng Đại đội trưởng Nguyễn Quang Trung diệt được 11 tên, hoàn thành nhiệm vụ giải vây cho Tiểu đoàn 4.

4.	Ông Nguyễn Quang Trung chăm sóc đàn gà
 Ông Nguyễn Quang Trung chăm sóc đàn gà.  Ảnh: Công Kiên

Thắng địch tại Tây Ninh, đơn vị hành quân áp sát Sài Gòn, cùng “chia lửa” với các mũi tiên công trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 30/4/1975, ngắm nhìn lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, người lính đất Thanh Chương chợt thấy lòng xao xuyến và rạo rực đến khó tả. Rồi gương mặt những đồng đội đã nằm lại sau những trận đánh cứ lần lượt hiện về, khiến khóe mắt rưng rưng nhòe lệ.

Đầu năm 1976, Nguyễn Quang Trung được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; tự hào hơn nữa là các cấp đơn vị từ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn của ông cũng được phong tặng danh hiệu cao quý này. Năm 1979 ông Trung và đơn vị lại tiếp tục hành quân lên Sa Pa (Lào Cai) tham gia cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, góp phần đẩy lùi quân xâm lược Trung Quốc. Đến năm 1991 ông rời quân ngũ với quân hàm Thiếu tá cùng 4 tấm Huân chương chiến công (1 hạng Nhất và 3 hạng Nhì) và tỷ lệ thương tật 45%.

Trong khi người anh hùng mải mê với cuộc đời binh nghiệp, người vợ ở quê là bà Nguyễn Thị Minh (SN 1953) làm lụng chăm nuôi 4 người con. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sự sống của bà Minh, ông Trung chỉ quen với trận mạc, việc chăm con vụng về nên đã tái hôn với bà Nguyễn Thị Thành (SN 1962) và sinh thêm được 2 người con.

Bà Thành là vợ liệt sỹ, vợ chồng mới cưới nhau được một tuần thì chồng bà đi chiến trường và hy sinh, hai người chưa kịp có con. Hiện thời, các con của ông Trung đã khôn lớn và trưởng thành, cuộc sống nhàn nhã và có phần thanh đạm nơi miền quê trung du đầy nắng gió. “Cuộc đời cái được luôn đi cùng cái mất, nhưng cái đích ai cũng phải hướng tới là sự bình yên dưới mái ấm gia đình” – ông Trung chia sẻ.

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN

Tin mới