Mía Thung Coong vui và lo

(Baonghean) - Cây mía đã gắn bó với bà con các bản người Thái ở xã Chi Khê – Con Cuông 10 năm nay. Nhiều người cho đây là cây trồng xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, mỗi năm chỉ có thể thu hoạch một vụ, lại cần nhiều công chăm sóc nên cây mía không thể là lựa chọn của những hộ neo người và ít đất sản xuất. Mặt khác, sau nhiều năm canh tác, năng suất đã có phần giảm đi.

Những vụ đầu tiên năng suất đạt 80 tấn/ha. Đến nay, theo ước tính của bà con trồng mía, năng suất chỉ vào khoảng 40 – 50 tấn/ ha. Trong xã này, có một vùng nguyên liệu mía ở Thung Coong, một vùng canh tác lâu năm của các bản người Thái rộng chừng 150 ha, được bà con khai hoang từ hơn 30 năm rồi.

                     Đường vào các bãi mía vẫn rất khó khăn.

Đã gần 20 năm nay, bà con trong xã Chi Khê không còn phát nương làm rãy nữa, bởi không còn nhiều rừng đủ cho những mảnh nương chỉ canh tác một vụ rồi bỏ hóa. Từ đó, bà con định canh hẳn. Trước đó nhiều chục năm, các bản ở Chi Khê đã biết trồng lúa nước, vì cách canh tác cũ, giống kém chất lương, năng suất thấp nên nguồn lương thực chính vẫn phải dựa vào lúa rãy.

Khi định canh, bắt đầu nghĩ đến việc chọn giống cây trồng phù hợp. Ban đầu vẫn là những cây truyền thống như ngô, sắn, vừng. Một số hộ đã thử trồng cây ăn quả như cam, chanh, vải thiều. Gần đây, cây keo đang lấp đầy những phần đất có độ dốc cao dễ gây bạc màu khi trồng những cây ngắn ngày.

Trong những năm mò mẫm tìm giống cây trồng cho Thung Coong, những tưởng cây lạc có thể đã là thứ cây trồng lý tưởng.Cách đây trên 10 năm, có hộ đã thu nhập hàng chục triệu đồng nhờ trồng lạc. Rồi không hiểu nguyên nhân gì, khi vừa ra hoa, lạc liền chết hàng loạt. Hiện tượng này xảy ra với cả hàng chục hộ trồng lạc khiến bà con đau dầu tìm cách đối phó. Nhiều biện pháp được đưa ra, trong đó có cách trồng lạc trái vụ, nhưng cũng không có kết quả như mong muốn. Đã có gia đình gieo trên 1 tạ lạc nhân trên phần đất gần 2ha vậy mà, cuối vụ chỉ thu được gần 1 tạ lạc vỏ.

Bà con dân bản ở Chi Khê tưởng như đã bế tắc trong việc tìm một giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế, thì một hướng đi mới được mở ra. Ngày ấy, Công ty Mía đường Sông Lam (Đỉnh Sơn – Anh Sơn) đang mở rộng vùng nguyên liệu. Nhận thấy Thung Coong có thể là một vùng trồng mía nguyên liệu mang lại hiệu quả kinh tế, chính quyền địa phương đã tổ chức họp bàn với những hộ dân có đất sản xuất ở Thung Coong. Cuối cùng thì cây mía cũng được chấp nhận, bởi nó được đảm bảo đầu ra ổn định, mặc dù giá ban đầu mỗi tấn mía mua tại đồng ngày ấy chỉ là 230.000 đồng/tấn. Bào con lại được nhà máy hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, vì thế mà nhiều người phấn khởi trồng mía. Đến năm 2012, giá mỗi tấn mía là 950.000 đồng. Những hộ có nhiều đất sản xuất, chăm sóc tốt mỗi năm cũng thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha.

Bà Lộc Thị Kỳ, trồng mía ở vùng kinh tế Thung Coong đã 10 năm nay cho biết, ngoài khoản thu khá do cây mía mang lại, lá mía còn là nguồn thức ăn khá dồi dào cho những hộ nuôi gia súc trong vùng chủ yếu là trâu, bò. Nhờ nguồn thức ăn từ lá mía, nhiều năm nay, các bản lân cận không có trâu, bò chết vào mùa rét vốn khan hiếm cỏ.

Một khó khăn vốn có từ những ngày vùng kinh tế Thung Coong bắt đầu trồng mía, đó là đường sá. Lối vào những bãi mía thường là đường dốc, rất khó vận chuyển, nhất là vào kỳ thu hoạch mía thường có mưa nên càng khó khăn gấp bội.

Một số bà con cho hay, giống mía canh tác tại vùng nguyên liệu Thung Coong vốn năng suất thấp và chỉ phù hợp với đất có độ phì nhiêu cao. Qua nhiều năm canh tác, đất trong vùng canh tác Thung Coong đang có dấu hiệu bạc màu. “Mong sao nhà máy đầu tư những giống mía năng suất cao cho Thung Coong thì dân được nhờ lắm!” – bà Lô Thị Miện gắn bó với cây mía từ 10 năm nay ao ước!.

Hữu Vi

Tin mới