'Mở' thêm điều kiện cho hoạt động ngoại thương

(Baonghean) - Bộ Công Thương vừa cho biết, thực hiện Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội, Dự án Luật Quản lý ngoại thương đã được đưa vào Chương trình, dự kiến trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2016). Với dự án luật này, Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối họp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng. Theo đó, Bộ Công Thương đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập theo quy định gồm đại diện của các bộ, ngành và đặc biệt là có sự tham gia của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dự án Luật Quản lý ngoại thương đã được Bộ Công Thương thực hiện đúng quy trình, thủ tục thông qua việc tổ chức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, ngành ở Trung ương, VCCI, Trung ương hội của một số hội, hiệp hội nghề nghiệp và ngành hàng liên quan, một số UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải công khai trên trang điện tử của Bộ Công Thương, Cổng thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu tác động chính sách và các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến tham gia bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức, của các tầng lớp nhân dân. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham gia, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã hoàn chỉnh Tờ trình Chính phủ, Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương và dự thảo các tài liệu trong bộ hồ sơ trình với những nội dung cơ bản.

Chuyển hàng xuất khẩu tại Cảng Cửa Lò. 	Ảnh: Phan Văn Toàn
Chuyển hàng xuất khẩu tại Cảng Cửa Lò. Ảnh: Phan Văn Toàn

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về ngoại thương trong thời gian qua đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện. Thứ nhất, Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập; công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh tự do hóa thương mại, quản lý nhà nước về ngoại thương phải bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, chính hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Đó là sự trùng lặp, chồng chéo khi có quá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật cùng quy định quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương, dẫn đến thiếu sự thống nhất về cùng một biện pháp trong đó khác nhau về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, biện pháp xử lý về cùng một vấn đề. Đó còn là sự minh bạch chưa cao: việc có quá nhiều văn bản cùng quy định hoạt động ngoại thương dẫn đến sự thiếu minh bạch, rủi ro cho tổ chức, cá nhân trong áp dụng chính sách quản lý hàng hóa (ví dụ như không có danh mục hàng hóa cấm thống nhất mà mỗi luật và các văn bản hướng dẫn có quy định về cấm...) hoặc chỉ được quy định ở hình thức văn bản dưới luật góp phần hạn chế, cản trở quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo tinh thần Hiến định - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Không những thế, tính ổn định, dự báo còn thấp: Luật Thương mại 2005 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh đất nước ta đang đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Theo đó, quy định quản lý nhà nước về ngoại thương chỉ có tính chất khung, không chi tiết để thực hiện. Do vậy, dự án Luật quy định rõ hệ thống, nguyên tắc, thẩm quyền áp dụng các biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương, các quyền, nghĩa vụ mà thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện với Nhà nước, hiện thực hóa tinh thần “cơ quan Nhà nước chỉ được thực hiện những gì pháp luật cho phép”. Bên cạnh đó, dự án Luật cũng luật hóa các văn bản đủ điều kiện góp phần giảm mạnh số lượng văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động này.

Thứ ba, đó là sau khi Luật Thương mại 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được ban hành, Việt Nam đã và sẽ trở thành thành viên WTO cùng nhiều các hiệp định thương mại tự do khác, do đó, dự án này được xây dựng để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới. Rõ ràng, cơ chế quản lý ngoại thương hiện hành đang tạo ra những rào cản thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp cần phải được rà soát, minh bạch hóa hoặc dỡ bỏ. Và cuối cùng, các biện pháp hỗ trợ phát triển hoạt động ngoại thương cần những cơ sở pháp lý ở mức cao nhằm thể hiện quan điểm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ, tận dụng tối đa các ưu thế, ưu đãi trong các khuôn khổ thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam là thành viên. 

Chính vì những lý do trên, mà trong dự thảo Luật Quản lý ngoại thương lần này, Bộ Công Thương đã nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc xây dựng bộ luật. Theo đó, Luật Quản lý ngoại thương cần thể chế hóa được đầy đủ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, phát triển hoạt động ngoại thương đã được nêu tại các văn kiện quan trọng. Đó chính là quan điểm “khai thác tốt các cam kết quốc tế mở rộng và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu công bằng thương mại bền vững. Tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng có lợi thế. Tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của các hiệp định, thỏa thuận thương mại để thúc đẩy xuất khẩu; đồng thời có biện pháp phòng vệ thích hợp để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng. Phấn đấu đạt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân khoảng 10%/năm”. Ngoài ra, dự thảo Luật Quản lý ngoại thương còn có nhiệm vụ phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương hiệu lực, hiệu quy. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển hoạt động ngoại thương của thương nhân và tính cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ, hỗ trợ sản xuất trong nước - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới