Ngân sách 5 năm tới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu đầu tư

Lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội một bản báo cáo về kế hoạch đầu tư phát triển trung hạn (2016-2020). Theo báo cáo này, dự kiến trong vòng 5 năm tới, ngân sách nhà nước (NSNN) huy động từ các nguồn chỉ có thể đáp ứng được 30% nhu cầu vốn đầu tư cả nước.

1
Ngân sách nhà nước 5 năm tới chỉ bố trí ưu tiên trả nợ và làm vốn mồi đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn. Ảnh: Đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 tăng chậm và rồi giảm mạnh do suy giảm kinh tế, siết chặt đầu tư công và vốn của các thành phần kinh tế khác cũng giảm theo. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm qua đạt 5.617 ngàn tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Tỉ lệ huy động vốn so với GDP bình quân 5 năm qua đạt 31,2%, thấp hơn kế hoạch dự kiến trước đó là từ 33,5% đến 35%.

Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Phát triển (VDB) đã ký thỏa thuận hợp tác với trên 30 ngân hàng thương mại về lĩnh vực bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp. VDB đã phát hành chứng thư bảo lãnh cho 1.536 dự án/phương án sản xuất kinh doanh với tổng số tiền là 10.700 tỉ đồng nhưng tính đến nay VDB đã phải trả nợ thay cho 86 dự án/khoản vay với số tiền gần 400 tỉ đồng.

Để nâng cao chất lượng lập kế hoạch cho các dự án đầu tư công, nhất là sau khi Luật đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm 2015, Bộ KH-ĐT đã lên kế họach đầu tư trung hạn để Quốc hội xem xét.

Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2016-2020 khoảng 10.506 ngàn tỉ đồng (gần 470 tỉ đô la Mỹ theo tỉ giá hiện nay), chiếm khoảng 31% GDP. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách giai đoạn này dự kiến tối thiểu là 1.679 ngàn tỉ đồng.

Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển bằng nguồn này do các bộ, ngành, trung ương đề xuất khoảng 3.710 ngàn tỉ đồng, gấp 19 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,2 lần khả năng cân đối vốn 5 năm đó. Mà theo tính toán, ngân sách thực tế giai đoạn này chỉ đáp ứng được 30% như đã nêu ở trên.

Với nguồn ngân sách tiếp tục eo hẹp và phải bố trí cho các mục tiêu ưu tiên, Bộ KH-ĐT dự tính ưu tiên hàng đầu là phải trả số nợ đọng cơ bản nguồn ngân sách trung ương tính đến hết năm 2014. Theo chỉ thị 1792/2011 của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư công và vốn trái phiếu Chính phủ, thì mỗi năm ngân sách địa phương phải dành ra 30% để trả nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có nợ) để hết năm 2020 hoàn thành mục tiêu hết nợ.

Đến hết năm 2014, các bộ ngành trung ương và địa phương còn nợ gần 20.000 tỉ đồng. Trong đó, các bộ, ngành trung uơng nợ khoảng 4.301 tỉ đồng và hơn nửa số nợ này là của Bộ GTVT. Các địa phương nợ khoảng 15.370 tỉ đồng.

Mặt khác, các nguồn vốn ứng trước từ ngân sách trung ương đến nay chưa có khả năng thu hồi xấp xỉ 60.000 tỉ đồng (34.000 tỉ là không thu hồi được từ các địa phương).

Bộ KH-ĐT cho rằng với tình hình ngân sách eo hẹp thì vốn ngân sách chỉ xem là nguồn vốn hỗ trợ, bổ sung để thúc đẩy các nguồn vốn khác trong xã hội đầu tư vào hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án lớn.


Do đó, ngoài ưu tiên trả nợ đọng xây dựng cơ bản, sẽ chỉ bố trí vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án sắp hoàn thành. Chính phủ sẽ tiếp tục không bố trí vốn cho các dự án mới mà chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, đầu tư dàn trải hoặc không cân đối được nguồn thanh toán.

Theo TBKTSG

TIN LIÊN QUAN

Tin mới