Nghệ An: 10 cửa hàng xăng dầu xin dừng hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đến nay, có 10 cửa hàng xăng dầu bán lẻ ở Nghệ An đã đệ đơn xin Sở Công Thương dừng hoạt động với nhiều lý do khác nhau, trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là thua lỗ kéo dài.

Theo tổng hợp của Sở Công Thương Nghệ An, trong 10 cửa hàng xăng dầu bán lẻ có 4 cửa hàng xăng dầu ở huyện Yên Thành: Cửa hàng xăng dầu Ngọc Vinh (DNTN Ngọc Vinh) ở xóm 2, xã Tăng Thành; Cửa hàng xăng dầu Kim Hoa (DNTN Xăng dầu Kim Hoa) ở đội 9, xã Văn Thành; Cửa hàng xăng dầu Lương thực Yên Thành (Công ty cổ phần Lương Thực Thanh Nghệ Tĩnh) ở khối 2, thị trấn Yên Thành; Cửa hàng xăng dầu Đồng Tâm Kinh Bắc (Công ty TNHH Xăng dầu Đồng Tâm Kinh Bắc) ở xóm 7, xã Lăng Thành.

Cửa hàng xăng dầu lương thực Yên Thành ở khối 2, thị trấn Yên Thành vừa xin dừng hoạt động, đã được Sở Công Thương thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh. Ảnh tư liệu Văn Trường
Cửa hàng xăng dầu lương thực Yên Thành ở khối 2, thị trấn Yên Thành vừa xin dừng hoạt động, đã được Sở Công Thương thực hiện thu hồi giấy phép kinh doanh. Ảnh tư liệu Văn Trường

Ngoài ra, 6 cơ sở còn lại gồm: Cửa hàng Xăng dầu Thành Công (Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Vận tải Ngọc Mai) ở QL1A, km80, KCN mỏ đá Hoàng Mai, phường Quỳnh Thiện; Cửa hàng Xăng dầu Văn Hương (Công ty TNHH TM và DV Văn Hương) ở xóm Phượng Kiều, xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn; Cửa hàng Xăng dầu Thanh Chiên (DNTN Xăng dầu Thanh Chiên) ở xóm Trung Tâm, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ; Cửa hàng Xăng dầu Nghĩa Hồng (DNTN Quế Dung) ở xóm Hồng Tiến, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn; Cửa hàng Xăng dầu Ngọc Hằng (DNTN Ngọc Hằng) ở thôn Khe Choăng, xã Châu Khê, huyện Quế Phong; và cửa hàng xăng dầu Hường Liên (DNTN Hường Liên) ở xóm Đồng Chăm, xã Nam Cát, huyện Nam Đàn.

Trao đổi với PV, đại diện một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Nghệ An cho biết, kinh doanh liên tục bị lỗ trong bối cảnh nguồn cung gặp nhiều khó khăn, các đầu mối hạn chế bán, đồng thời cắt chiết khấu. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có sự kiểm soát về giá và chịu sự điều hành, can thiệp của Nhà nước. Việc duy trì chiết khấu cố định hiện không phù hợp, không có động lực cạnh tranh; cửa hàng bán 100 m3 xăng dầu/tháng với người bán 1.000 m3 xăng dầu/tháng đều được trả công như nhau.

Vì vậy, nếu muốn thị trường xăng dầu ổn định, Nhà nước nên quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các doanh nghiệp bán lẻ. Trên thực tế để xây dựng một cây xăng dầu, doanh nghiệp phải chi ra trên dưới 6 tỷ đồng. Khi tiến hành khấu trừ các khoản đầu tư ban đầu như vay ngân hàng, chi phí vận chuyển xăng dầu, nhân công, điện, nước, thuế… cho mỗi lít xăng vào khoảng 500 đồng. Nếu kinh doanh thuận lợi, chủ cây xăng sẽ có lãi từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

“Đó là với các cửa hàng kinh doanh bình thường. Còn hơn 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp liên tục bị cắt chiết khấu, bị lỗ đến mức phải đóng cửa vì không còn tiền để duy trì…”, vị này cho hay.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp bán lẻ đệ đơn dừng bán xăng dầu được dự báo có thể sẽ còn xảy ra khi doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh không có lãi. Ảnh: Hoàng Minh

Tình trạng nhiều doanh nghiệp bán lẻ đệ đơn dừng bán xăng dầu được dự báo có thể sẽ còn xảy ra khi doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh không có lãi. Ảnh: Hoàng Minh

Ông N.T. D - giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Nghĩa Đàn cũng thông tin, đơn vị lỗ liên tục trong cả năm 2022; nếu trong thời gian tới không cải thiện được, buộc ông cũng phải rút hẳn kinh doanh mặt hàng xăng dầu này.

Trước thực trạng này, bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương Nghệ An cho hay, đến nay có 10 doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An gửi đơn xin dừng hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nguyên nhân chính được các doanh nghiệp đưa ra là do việc kinh doanh xăng dầu thường xuyên thua lỗ.

Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 20 cửa hàng xăng dầu đã dừng hoạt động sau khi hết hạn giấy phép.Sở Công Thương Nghệ An đang tiếp tục chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn chủ động cân đối nguồn cung sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu, nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục, cung cấp đầy đủ xăng dầu cho các thương nhân nhượng quyền thương mại để tránh thiếu hụt nguồn cung xăng dầu ra thị trường.

Trong khi đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quy trình cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý; giấy chứng nhận của cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Sở Công Thương các địa phương được yêu cầu rà soát quy trình cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý; giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu để sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; rà soát thực hiện cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định.

Tin mới