Nghệ An có gần 1.700 ha lúa bị đổ, ngã do mưa lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên chiều tối ngày 7/5 đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An khiến gần 1.700 ha lúa bị đổ, ngã.

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lớn, theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đô Lương, đến thời điểm này trên địa bàn huyện có gần 486 ha lúa bị đổ, ngã; trên 90 ha hoa màu bị thiệt hại.

Nhiều diện tích ngô ở xã Bắc Sơn (Đô Lương) bị đỗ, ngã. Ảnh: Phú Hương

Nhiều diện tích ngô ở xã Bắc Sơn (Đô Lương) bị đỗ, ngã. Ảnh: Phú Hương

Ông Nguyễn Kim Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Lúa xuân của Đô Lương chủ yếu đã ở giai đoạn chín sáp, còn 7- 10 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, vì thế bông lúa nặng, cây lúa già và khô dễ bị gãy đổ hơn, tập trung nhiều ở các xã Mỹ Sơn, Đặng Sơn, Bắc Sơn...

“Huyện đã chỉ đạo các xã khuyến cáo, vận động bà con tập trung ra đồng, với những diện tích bị đổ ngã nặng thì tiến hành rút cạn nước, bó và dùng dây buộc, dựng cây lúa lên, đặc biệt trên những diện tích cây lúa mới đang ở thời kỳ chín sữa, từ 15 - 20 ngày nữa mới gặt được.

Với hơn 90ha hoa màu, chủ yếu là cây ngô thời kỳ trổ bông, phun râu bà con nhổ bỏ những diện tích bị gãy đổ nặng cho trâu bò ăn, số còn lại vẫn khắc phục được thì tiến hành tháo nước trong ruộng để dựng cây”, ông Nguyễn Kim Ngọc cho hay.

Lúa bị đổ ngã tại Nam Đàn do mưa lớn. Ảnh: Phú Hương

Lúa bị đổ ngã tại Nam Đàn do mưa lớn. Ảnh: Phú Hương

Mưa lớn và gió mạnh cũng đã làm gần 300ha lúa của huyện Hưng Nguyên bị đổ, ngã.

Bà Phan Thị Giang, chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Huyện đã giao các xã, thị trấn chỉ đạo công chức nông nghiệp, cán bộ bán chuyên trách khuyến nông - bảo vệ thực vật thông báo, hướng dẫn cho bà con nông dân khẩn trương tập trung nhân lực để buộc, dựng những diện tích lúa vụ xuân bị đổ, ngã, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Đồng thời, theo dự báo vụ hè thu năm nay, khả năng hạn hán xảy ra sớm, để chủ động triển khai sản xuất, khuyến cáo bà con không tháo kiệt lượng nước trong ruộng khi buộc, dựng lúa bị đổ, ngã hay khi thu hoạch lúa vụ xuân để tận dụng lượng nước sẵn có trên ruộng.

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra tình hình thiệt hại lúa xuân. Ảnh: Hà Huệ (Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên)

Lãnh đạo huyện Hưng Nguyên kiểm tra tình hình thiệt hại lúa xuân. Ảnh: Hà Huệ (Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên)

Đến chiều 9/5, xã Diễn Thái (Diễn Châu) đã thu hoạch được khoảng 50/370ha lúa xuân.

Theo bà Đinh Thị Trang - Phó Chủ tịch UBND xã, thì trong vòng 2-3 ngày tới, Diễn Thái sẽ thu hoạch xong. “Chúng tôi kêu gọi các chủ máy gặt vào đẩy nhanh tiến độ, toàn xã có hơn 3 ha lúa bị gãy đổ do mưa lớn thì đã được thu hoạch; hiện tại nguồn nước đang dồi dào nên bà con tranh thủ thu hoạch lúa xuân và làm mạ hè thu”, bà Đinh Thị Trang chia sẻ.

Nông dân xã Diễn Thái (Diễn Châu) thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Phú Hương

Nông dân xã Diễn Thái (Diễn Châu) thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Phú Hương

Với quan điểm “xanh nhà hơn già đồng” trong điều kiện thời tiết bất lợi, những ngày vừa qua, huyện Diễn Châu đã tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh, gọn trên những diện tích lúa chín từ 90% trở lên. Toàn huyện có 123 ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó 22 ha thiệt hại nặng trên 70%; 15 ha ngô bị đổ ngã.

Theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, thì đến chiều 9/5, Diễn Châu đã gặt được trên 100 ha lúa ở các xã Minh Châu, Diễn Thái, Diễn Nguyên… và trong 2-3 ngày tới vẫn tiếp tục chỉ đạo thu hoạch trên những diện tích lúa chín già.

Đến chiều 9/5, huyện Diễn Châu đã thu hoạch được trên 100 ha lúa xuân. Ảnh: Phú Hương

Đến chiều 9/5, huyện Diễn Châu đã thu hoạch được trên 100 ha lúa xuân. Ảnh: Phú Hương

“Vừa bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, trong khi theo lịch của tỉnh, từ ngày 10/5 sẽ đóng nước hệ thống kênh chính để thi công dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi Bắc Nghệ An, nên chúng tôi chủ trương ưu tiên thu hoạch lúa sớm, vừa có nước để máy gặt vào, vừa thuận lợi gieo mạ hè thu ngay, chạy đua cùng lụt bão cuối vụ hè thu”, ông Lê Thế Hiếu cho biết.

Vào chiều và tối 7/5 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên đã gây ra mưa và xảy ra hiện tượng lốc xoáy, gió giật mạnh.

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến 10 giờ ngày 9/5, Nghệ An có gần 1.800 ha sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, gồm hơn 1.640 ha lúa và 140 ha ngô và hoa màu.

Trong đó, có gần 150 ha lúa thiệt hại nặng, với tỷ lệ trên 70%, chủ yếu tại các huyện Đô Lương, Diễn Châu, thành phố Vinh...; diện tích lúa thiệt hại mức độ từ 30- 70% là hơn 480 ha, chủ yếu tại huyện Đô Lương 340 ha, Tân Kỳ trên 63 ha… Có gần 60 ha hoa màu bị thiệt hại từ 30% đến 70% và trên 63 ha thiệt hại nặng, tỷ lệ trên 70%, trong đó huyện Đô Lương trên 52 ha, Diễn Châu 6 ha…

Hiện tại, các trà lúa trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn chín sáp, chín sữa đến chín hoàn toàn. Những diện tích lúa đang non chưa thu hoạch được, để tránh tình trạng lúa mọc mầm trên thân và thối hạt, bà con cần tập trung dựng và buộc dây; tiến hành thu hoạch những diện tích đã chín từ 80% trở lên nếu ruộng lúa bị đổ rạp. Với cây ngô, nếu đã thu hoạch được thì tập trung thu hoạch, nếu đang non chặt bỏ làm thức ăn cho trâu bò; đồng thời dùng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc giúp diện tích rau màu hồi phục, nếu thiệt hại quá nặng thì phá bỏ và trồng mới".

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo.

Tin mới