Những phát hiện về Đình nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực

(Baonghean.vn) Phan Thúc Trực vốn tên là Phan Dưỡng Hạo, biệt hiệu Cẩm Đình, sinh năm 1808 tại làng Phú Ninh, xã Vân Tụ (nay là xã Khánh Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình dòng dõi Nho học. Khoa thi năm Đinh Mùi (1847) đậu Đình nguyên Thám hoa (đậu đầu kỳ thi Đình với học vị Thám hoa). Năm 1848, được vua Tự Đức bổ nhiệm vào Toà Nội các (tức là Toà Văn thư của nhà vua), sau đó lại được sung chức Kinh Diên khởi cư trú (là chức quan luôn bên cạnh nhà vua).

Năm 1851, vua Tự Đức giao đi ra Bắc Hà cầu di thư (tìm sách vở cũ còn sót lại). Năm 1852, hoàn thành nhiệm vụ, trên đường về Kinh đô Huế thì lâm bệnh nặng, mất đột ngột. Vua Tự Đức rất thương tiếc, điếu 4 chữ "Học cao, hạnh thuần" (học vấn cao, đức hạnh thuần hậu). Dù chỉ hưởng thọ 44 tuổi nhưng ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị như: Quốc sử di biên (lịch sử), Đông Thành huyện thông chí (địa chí), Cẩm Đình thi tập (thơ), Cẩm Đình văn tập (văn)…

Vào giữa tháng 5/2011, hơn 20 nhà khoa học Hà Nội đã về thăm và thắp hương trước nhà thờ và lăng mộ Thám hoa Phan Thúc Trực, giao lưu với cán bộ và nhân dân xã Khánh Thành. Ngày hôm sau, tại TP. Vinh, Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An phối hợp cùng gia tộc họ Phan ở Khánh Thành đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm đánh giá thân thế, sự nghiệp của Phan Thúc Trực.

Phát biểu đề dẫn cuộc hội thảo, PGS Ninh Viết Giao – Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An nhấn mạnh: "Nội dung các tác phẩm của Thám hoa Phan Thúc Trực, một số thư tịch và báo chí trong nước, nước ngoài đã có lời giới thiệu nhưng cũng chỉ mới là "gãi gãi" bề ngoài, chưa đi vào nội dung sâu sắc, tâm trạng phong phú trong các trước tác của tiên sinh. Tất cả các tác phẩm của tiên sinh đang còn là “khu rừng hoang”, mang đầy tiềm năng quý giá.

Hơn 40 báo cáo khoa học đã được gửi đến ban tổ chức. Các nhà khoa học đã phát biểu, tranh luận, đánh giá về Danh nhân văn hoá Phan Thúc Trực sôi nổi. Chúng tôi xin lược thuật một số ý kiến sau đây:

Về bộ Quốc sử di biên

- Thám hoa Phan Thúc Trực là một tài năng xuất chúng. Trước hết, ông là bậc đại khoa, đồng thời là một sử gia uyên bác. Tác phẩm tiêu biểu Quốc sử di biên được đánh giá là một bộ "tín sử" (bộ sử đáng tin cậy), bổ sung nhiều sự kiện quan trọng và giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu, tham khảo lịch sử triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX (PGS-TS Vũ Duy Mền – Viện Sử học) – Quốc sử di biên của Thám hoa Phan Thúc Trực xứng đáng là một bộ sử quan trọng để các bậc học giả cần đọc, tra cứu khi tìm hiểu về giai đoạn đầu triều Nguyễn… Trong tác phẩm Quốc sử di biên có không ít những sự kiện, nhân vật, hiện tượng được họ Phan miêu tả một cách tường tận và chân thực (TS Nguyễn Hữu Tâm – Viện Sử học).

- Quốc sử di biên ngoài giá trị sử học còn có tính chất văn học. Tác giả đã ghi được hình ảnh một số nhân vật sinh động mà giới nghiên cứu văn học có thể khai thác (GS Nguyễn Huệ Chi – Viện Văn học).

Về bộ Cẩm Đình thi tập

- Trước đây, nói đến Phan Thúc Trực, người ta thường nghĩ đến danh tiếng một nhà sử học mà ít nghĩ đến ông với tư cách một nhà thơ tài năng. Nhưng gần đây, nhờ công phu khảo sát, công bố và khai thác các di sản văn chương của ông, diện mạo một nhà thơ có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học dân tộc ngày càng được phi lộ (TS Nguyễn Thanh Tùng – Khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội).

- Ông mất sớm ở tuổi 44, nhưng kịp để lại một sự nghiệp văn chương khá lớn. Việc Cẩm Đình thi tập được công bố là một sự kiện đầy ý nghĩa, không chỉ với dòng họ Phan Thúc ở Yên Thành mà còn là sự kiện quan trọng, góp phần làm phong phú thêm bức tranh nhiều vẻ của văn học trung đại Việt Nam nói chung, bức tranh văn học thời Nguyễn nói riêng (TS Đinh Trí Dũng – Khoa Văn - Đại học Vinh).

- Buổi đầu ngó vào cổng của Cẩm Đình thi tập – dù mới là thi tuyển tập – tôi đã thoáng thấy một vườn hoa nhiều sắc hương mà đập vào mắt tôi, hấp dẫn tôi ngay là một cụm hoa, nói đúng hơn là những bài thơ khóc vợ của cụ Thám hoa đại kính Phan Thúc Trực (GS Nguyễn Đình Chú – ĐHSP Hà Nội).

- Cẩm Đình thi tập không chỉ là biểu hiện của một hồn thơ rộng mở, một tấm lòng cao đẹp của một nhà thơ, mà còn là bài học lớn cho chúng ta trong cuộc sống đầy biến động hôm nay (Nguyễn Thanh Tùng – Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An).

Về bộ Cẩm Đình văn tập

- Những bài văn bia chép trong Kim Thạch di văn tập là do Cẩm Đình Phan Thúc Trực sưu tập khi đi công cán ở các địa phương Bắc bộ, Trung bộ. Điều đó minh chứng thêm về việc Phan Thúc Trực từng ra Bắc sưu tập tư liệu để viết sử là có thực. Những tư liệu do ông sao chép khá tin cậy, nội dung tư liệu đa dạng, phong phú, có giá trị nhất định trong việc nghiên cứu về sự nghiệp sáng tác của Phan Thúc Trực cũng như các sự kiện lịch sử, danh nhân khác được ông đề cập đến (PGS, TS Đinh Khắc Thuần – Viện Hán Nôm).

- Cùng với Quốc sử di biên, Cẩm Đình văn tập và Diễn Châu Đông Thành huyện thông chí, Trần Lê ngoại truyện là những sử liệu quý giá bổ sung cho nền sử học và văn học nước nhà (TS Nguyễn Thị Oanh – Viện Hán Nôm).

Về chuyến đi tìm sách vở cũ ở trong dân gian (1851-1852)

- Với trọng trách thực hiện nhiệm vụ nhà vua giao cho khi tìm sách quý trong dân gian, ông xứng đáng là người đi tiên phong trong công tác sưu tầm sách và xây dựng đài ngọc "Tàng thư lâu" cho cung đình Huế và cho ngành Thư viện Việt Nam (Đào Tam Tỉnh – Giám đốc Thư viện Nghệ An).

Đánh giá chung

- Không phải chờ đến sau khi cụ qua đời cho đến hôm nay hậu thế mới khâm phục tài năng và nhân cách cao đẹp của Phan Thúc Trực, mà ngay lúc sinh thời, nhiều vị quan đồng liêu đã hết lời ca ngợi ông. Tiến sỹ Trương Quốc Dũng (1797-1864) coi ông như đoá hoa mai tinh khiết: Bách hoa đầu thượng nhất chi mai (một nhành mai trên cả trăm đoá hoa). Tiến sỹ Đỗ Tông Quai (1804-1863) phục ông là bậc tài năng, đỗ đầu kỳ thi Đình: Nhất giáp chân tài hựu Thám hoa (Bậc nhân tài đỗ nhất giáp lại giành được ngôi Thám hoa) (Phó GS-TS Nguyễn Minh Tường – Viện Sử học).

- Với những đóng góp của mình cho nền văn hoá dân tộc, Phan Thúc Trực xứng danh là một tác gia Hán Nôm lỗi lạc thời Nguyễn, thân thế, sự nghiệp của ông mãi mãi được hậu thế tôn vinh (PGS-TS Trịnh Khắc Mạnh – Viện trưởng Viện Hán Nôm).

- Một tên tuổi vững vàng ở cả hai lĩnh vực: văn chương và học thuật, trong tư cách nhà thơ với Cẩm Đình thi tập và là nhà viết sử trong Quốc sử di biên. Cả hai, cho đến hôm nay đã được sưu tập, biên dịch, khảo chứng, giới thiệu và ấn hành đầy đủ nhờ vào các chuyên gia ở Viện Hán Nôm với sự hợp tác của gia tộc, dòng họ (GS Phong Lê – nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam).

Trước tác của tiên sinh để lại cho đời, cho đất nước thật phong phú, sâu sắc và giá trị. Từ 1852 lại nay đã 159 năm, hầu như các tác phẩm đó nằm "ngủ say" trong rừng sách ở Thư viện Huế, Thư viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội, Sài Gòn, Thư viện Hồng Kông, Đài Loan, Pari, Thư viện Hán – Nôm, thư viện gia đình… Bỗng cơ duyên sao đó, năm 2009 được Viện Sử học dịch và xuất bản Quốc sử di biên. Thấy chưa có bản chữ Hán, tại Viện Hán Nôm, PGS-TS Nguyễn Thị Oanh tổ chức biên dịch lại và giới thiệu rõ ràng, đầy đủ hơn. Lần này có chú thích kỹ càng của nhóm biên dịch và có phần in toàn văn chữ Hán. PGS-TS Nguyễn Thị Oanh còn dịch thơ chữ Hán của tiên sinh, sau đó được PGS-TS Trần Thị Băng Thanh hiệu đính nhưng mới có Cẩm Đình thi tập, còn Cẩm Đình toàn tập sẽ ra đời trong một ngày gần đây!

P.B.H

Tin mới