Lễ hội Đền Cuông - về với cội nguồn

(Baonghean) - Hàng năm, vào trung tuần tháng 2 âm lịch, du khách thập phương lại nô nức hướng về Lễ hội đền Cuông. Đây là một lễ hội đặc sắc, đậm nét truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng quê biển, là dịp để nhân dân và du khách muôn nơi trở về với cội nguồn, thành kính dâng nén tâm hương tưởng nhớ Thục An Dương Vương - người có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía Bắc nước ta đánh tan quân xâm lược nhà Tần.
Nhân dân và du khách đến với Lễ hội Đền Cuông (Diễn Châu).
Nhân dân và du khách đến với Lễ hội Đền Cuông (Diễn Châu).
Đền Cuông thờ Vua An Dương Vương tọa lạc trên núi Mộ Dạ,  sát Quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Diễn An (Diễn Châu). Ngôi đền gắn liền với truyền thuyết và sự tích được lưu truyền trong dân gian truyền từ đời này qua đời khác.
Theo truyền thuyết, An Dương Vương có tên là Thục Phán, là hậu duệ 18 đời của vua Hùng, là người có sức khỏe phi thường, thông minh mưu lược. Thục Phán có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía bắc nước ta đánh tan quân xâm lược nhà Tần. Trong lễ khải hoàn ca, Thục Phán được tôn vinh lên ngôi vua, lấy hiệu An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì được 50 năm (từ 257 - 208 TCN). 
Lễ tế
Lễ tế
...Nhớ về Đền Cuông là nhớ về cội nguồn, về thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc cùng với những huyền thoại, truyền thuyết về “Thánh hiển linh”, “Núi Đầu Cần”; “Bàn cờ Tiên”, “Lời thề hóa đá”; “Tổ  nghề rèn”... là nỗi niềm và là bài học quý giá ngàn đời cho hậu thế.
Năm 1995, chim hạc bay về đền, đúng ngày khai mạc lễ hội đền Cuông. Vào dịp lễ hội năm 1996, cá voi chết dạt vào biển Cửa Hiền. Người dân tin rằng: Hạc về là hiện thân của công chúa Mỵ Châu; cá voi chết dạt vào biển là minh chứng cho cái chết đầy bi thương của An Dương Vương. Những sự kiện ấy càng làm cho đền Cuông thêm huyền bí, linh thiêng hơn, thu hút người dân gần xa về dâng hương cầu quốc thái dân an, gia đình ấm no, hạnh phúc. Hàng tháng, cứ vào ngày mồng 1 và ngày Rằm, người dân biển Diễn Châu đều sắm sửa lễ vật lòng thành dâng lên Vua An Dương Vương và lên đèn chăm sóc khói hương. 
Đặc biệt, Lễ hội Đền Cuông đã trở thành hoạt động tâm linh của người dân Diễn Châu, người dân Nghệ An và du khách thập phương. Ngư dân Nguyễn Đình Trung, xóm 6, xã Diễn Bích tâm sự: “Hàng năm, gia đình thường bày mâm cỗ với những sản vật của biển để dâng lên Vua An Dương Vương, tỏ lòng biết ơn, cầu mong năm mới may mắn, an lành, mong những chuyến biển thuận buồm xuôi gió, cá bạc đầy khoang”. 
Lễ rước tại Lễ hội đền Cuông.
Lễ rước tại Lễ hội đền Cuông.
Trong những ngày diễn ra Lễ hội (từ 13 đến hết ngày 16 Âm lịch) xung quanh khu vực dưới chân núi Mộ Dạ, sân đình, sân hội sẽ diễn ra các trò chơi dân gian cổ truyền như: trò chơi ném còn, đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, đi cầu kiều, cờ  tướng, cờ thẻ... Những hoạt động giao lưu văn nghệ của các làng văn hóa, các câu lạc bộ ca trù, dân ca, ví giặm...
Về với đền Cuông, du khách  được đến với Cửa Hiền - hồ Xuân Dương - Khu du lịch biển Diễn Thành,  Chùa Cổ Am - Hổ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng thơ mộng. Đến với các danh thắng trên địa bàn Diễn Châu để hiểu thêm tình đất, tình người, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm văn hiến, để  cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. 
Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Đền Cuông cho biết: “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Lễ hội đã hoàn tất. Các hạng mục công trình trong khu di tích đã được các đơn vị duy tu bảo dưỡng kịp thời; các công trình công cộng, nhà vệ sinh, hệ thống điện, nước đều được chỉnh trang; vệ sinh môi trường được đảm bảo, tuyến đường từ đình Xuân Ái ra đền Cuông được treo băng rôn, cờ vui; huy động các lực lượng đảm bảo trật tự an toàn, văn minh và tiết kiệm”.
Thu Hương
TIN LIÊN QUAN

Tin mới