Bắc Sơn hiện hữu trầm tích

(Baonghean) - Cách đây hơn 1 năm tôi có chuyến khảo sát tiềm năng du lịch cùng với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Nghệ An và các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn. Trong số rất nhiều điểm đến, di tích, danh thắng mà chúng tôi đã có dịp thưởng ngoạn, tôi ấn tượng mãi về thôn Bắc Sơn, nơi  quần cư chưa đầy 1 km2 nhưng hội tụ đa dạng về các công trình tín ngưỡng. Dịp này, tôi đã hiện thực được cái hẹn với chính mình, trở về Bắc Sơn để tìm hiểu thêm vùng đất giàu trầm tích lịch sử.

Từ Quốc lộ 46 đoạn qua Thị trấn Nam Đàn, xe chúng tôi vượt qua cầu Sa Nam, rẽ phải tìm về thôn Bắc Sơn. Chỉ cách trung tâm phố huyện dăm trăm mét, nhưng khi bước vào làng mọi người dễ cảm nhận không gian thôn dã, hồn hậu đang ôm lấy cuộc sống, sinh hoạt của cư dân nơi đây. Hẳn vậy, nên khách phương xa khi đặt chân lên mảnh đất này bước đi cũng nhẹ nhàng hơn, cười nói khẽ khàng như thể sợ phá vỡ cái thuần phác, bình yên của ngôi làng non nghìn năm tuổi. Thôn Bắc Sơn thuộc xã Vân Diên, huyện Nam Đàn. Kể cũng thật kỳ lạ, mảnh đất cổ thuộc thành Vạn An xưa kia và Vân Diên ngày nay vốn được biết đến từng là nơi lập nghiệp đế của người anh hùng nông dân Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế. Khi đến Vân Diên người ta dễ thường dành mọi sự chú ý của mình tới cụm di tích, công trình lịch sử liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Vua Mai, mà đã không biết rằng cách đó không xa, có một thôn Bắc Sơn cuốn hút đến lạ lùng. 
Ông Vương Trường Thu, đại diện Ban Quản lý cụm di tích Bắc Sơn đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện, chân mộc thường thấy của người dân thôn dã. Nghe khách đề nghị được tham quan cụm di tích của thôn, ông thành thật: “Mất nhiều thời gian đấy. Ở đây có chùa, có 2 ngôi đền, đình làng, giếng làng. Tất cả đều là di tích lịch sử”.  Nói rồi ông dẫn chúng tôi tản bộ dưới tán ngọc lan ngan ngát hương để vào ngôi chùa nằm giữa trung tâm thôn. Đức Sơn tự là tên của ngôi chùa có từ thời nhà Trần. Chùa còn có tên nôm là “Chùa Nầm” bởi thời Lý - Trần vùng đất này được gọi là “Kẻ Nầm”. Là công trình kiến trúc cổ, chùa Đức Sơn có vị trí cảnh quan đẹp quay về hướng Đông Bắc. Ngay trước cổng chùa có khắc đôi câu đối: “Cờ đạo pháp cao bay gặp hội lương chính/ Cửa từ bi rộng mở đón khách siêu phương”;  hiểu nôm na là cửa từ bi cõi Phật luôn mở chào đón những tấm lòng hướng về chốn thanh tịnh... 
Đền Đức Sơn.
Đền Đức Sơn.
Theo khảo sát của Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An, chùa Đức Sơn thuộc loại hình di tích lịch sử kiến trúc - nghệ thuật. Xưa kia cả vùng làng xóm thuộc đất nhà chùa với những công trình kiến trúc như: Tam quan, bảo tháp (mộ sư), nhà lục đạo, nhà tổ, chùa hạ, chùa thượng, giếng chùa... tạo thành một khu di tích độc lập, trầm mặc và uy nghiêm. Trải qua nhiều biến đổi của lịch sử với sự tàn phá của thời gian, đất chùa bị thu hẹp, cổng Tam quan nguy nga xưa cũng không còn, các bảo tháp cũng hư hỏng. Tuy nhiên, điều đáng mừng là dù có nhiều thay đổi, biến động, chùa phải phục dựng sửa chữa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được những nét cổ xưa riêng có. Hiện tại đây còn giữ được các công trình kiến trúc như: cổng chùa, sân, bàn thờ thập loại chúng sinh, lầu hộ pháp, nhà lục đạo, nhà tổ, chùa hạ, chùa thượng. Đặc biệt là hệ thống tượng pháp - linh hồn của ngôi chùa vẫn giữ vẹn nguyên. Bên cạnh đó, tại chùa Đức Sơn còn có những hiện vật rất có giá trị nghệ thuật như: chuông cổ, bộ mộc 210 bản khắc kinh Phật. Ai đã từng đặt chân đến đất Bắc Sơn, vào cửa chùa sẽ vô cùng kinh ngạc bởi hệ thống 38 pho tượng cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm với những nét khắc gỗ rất tinh xảo thể hiện được đặc sắc quan niệm, tư duy nghệ thuật của người dân trong một giai đoạn lịch sử. Trong đó có những bộ tượng pháp mang giá trị lịch sử, nghệ thuật cao như: Bộ tượng Tam Thế, Di Đà tam tôn, Ngọc Hoàng, Quan âm tổng tử, Hoa nghiêm tam pháp, Thích ca sơ sinh, Đức Ông - A Nan Đà, Kim Đồng - Ngọc Nữ... và có cả tượng sư trụ trì tại chùa. 
Ông Vương Trường Thu cho biết, sau một thời gian dài không có sư trụ trì, vào tháng 6/2015, theo sự phân công của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Nghệ An với sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sư cô Thích Nữ Quảng Tịnh đảm nhiệm vai trò trụ trì chùa Đức Sơn. Tiếc rằng khi chúng tôi đến Sư cô không có mặt tại chùa, nhưng dù sao cũng rất vui vì chùa Đức Sơn đã tìm thấy chỗ đứng trong Giáo hội Phật giáo và trong tín ngưỡng hướng về cõi thiện của người dân.
Nằm trong cùng một khuôn viên với chùa Đức Sơn là đền Đức Sơn. Đó cũng là điều khiến sự lạ lẫm của chúng tôi trở nên thích thú. Sự hòa quyện giữa Phật giáo và Đạo giáo hiển hiện rõ nét trong một khoảnh đất hẹp. Chùa Đức Sơn và ngôi đền cùng tên dựa vai vào nhau như thể khó có thể tách rời. Ông Vương Trường Thu cho hay, vào các ngày sóc vọng người dân bản địa vẫn thường đi lễ cả 2 nơi. Đền Đức Sơn trước đây còn được gọi là Võ miếu, đền thờ Thánh Mẫu. Ấn tượng đầu tiên về ngôi đền là những nét cổ kính trước cổng tam quan. Trên bức tường thấp đã phủ bóng thời gian là những nụ hoa dại li ti như chấm lửa khiến khách lữ hành khó giấu được xốn xang. Nhiều người nói rằng, đền Đức Sơn được xây dựng từ thế kỷ XVII, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, võ miếu có cùng thời với chùa Đức Sơn. Nhưng các giả thuyết đó giờ đây hẳn không quan trọng bằng việc cả 2 công trình kiến trúc đang cùng tồn tại và làm ấm lại các giá trị tinh thần của người dân. 
Cũng giống như chùa Đức Sơn, tại đền Đức Sơn vẫn còn lưu giữ được 110 bản kinh thánh khắc gỗ và rất nhiều cuốn sách cổ. Tại đây chúng tôi gặp ông Lê Quang Hường - Tổ trưởng Tổ quản lý cụm di tích Bắc Sơn. Ông Hường cho chúng tôi xem 4 sắc phong mà các vị vua thời Nguyễn phong thần cho đền Đức Sơn. Ông Lê Quang Hường cho biết, lễ hội đền được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 hằng năm để tri ân Thánh Mẫu, người đã chở che dân chúng tránh những tai ách, khó khăn. 
Bắc Sơn chỉ có 130 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, tứ mùa người dân làm lụng, mưu sinh chỉ với 34 mẫu đất trồng lúa. Cả thôn nằm gọn trong non 1 km2. Ấy vậy mà họ có một đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Phải chăng những yếu tố này được hun đúc từ thuở Bắc Sơn còn nằm quần thể thành Vạn An, nơi vị vua Mai Thúc Loan dấy binh khởi nghĩa vào thế kỷ thứ VIII chống quan quân nhà Đường (Trung Quốc). Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi chúng tôi tiếp tục rảo bước trên đường làng để đến tham quan đền Nậm Sơn. Đền Nậm Sơn còn được người dân trong vùng kính trọng gọi là đền Đức Ông, bởi công trình này được nhân dân xây dựng để thờ 1 trong 12 vị tướng dưới thời Mai Thúc Loan. Cho đến nay không ai biết vị tướng ấy tên thật là gì, nhưng tương truyền thuở nhỏ ông là người khôi ngô, tài trí. Xuất thân trong gia đình quan lại, ông có điều kiện giao lưu rộng rãi với nhiều tầng lớp, vì vậy ông thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân mất nước. Từ đó ông nung nấu ý chí tìm người tài giỏi  giúp dân, cứu nước và gặp gỡ Mai Thúc Loan... Từ trận đánh đầu tiên cho đến khi đất Hoan Châu được giải phóng và nhà nước Vạn An được thành lập, vị tướng ấy luôn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đánh địch, gây dựng đất nước. Khi Mai Thúc Loan lên ngôi Hoàng đế đã phong ông là Đại tướng và ông trở thành 1 trong những trụ cột của triều đình. Để tưởng nhớ, biết ơn ông, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại (726) nhân dân Sa Nam đã lập đền thờ ông ở chân núi Nậm (vị trí đồn Nậm Sơn xưa). Theo tài liệu của Ban quản lý Di tích - Danh thắng Nghệ An, trên đất Nam Đàn xưa có nhiều đền thờ các vị tướng của Mai Hắc Đế, nhưng Nậm Sơn là đền duy nhất còn lại thờ 1 vị tướng trên chính vùng căn cứ Vạn An xưa. Về sau tại đây người dân cũng thờ phụng 1 vị tướng khác của Vua Mai là Bá Lâm thống lĩnh đại vương. Ngôi đền cũng đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa có vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân. Hiện nay tại đền Nậm Sơn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Án thư, kiệu long đỉnh, long ngai bài vị, đại từ, hoành phi, câu đối... Đặc biệt tại đền còn giữ được 5 đạo sắc phong dưới các triều đại nhà Nguyễn từ thời vua Cảnh Thịnh đến vua Duy Tân. 
Tại ngôi làng bé nhỏ này còn có ngôi đình xưa thờ Thành Hoàng và cái giếng cổ có đường kính gần 5m sâu dễ đến 15m. Tất cả đều tái hiện một không gian đậm đặc nét xưa cũ bình yên giữa cuộc sống hiện đại nhiều lo toan, tất bật. Ở Bắc Sơn người dân vẫn lưu truyền câu nói: “Đất vua, chùa làng phong cảnh bụt/ Người đời của thế nước non tiên”. Và nếu ai đó cần tìm một phút giây thư thái hãy đến Bắc Sơn để thấy lòng nhẹ nhõm hơn.
Đào Tuấn

Tin mới