Lộc đồng mùa mưa

(Baonghean) - Khi cái nắng thu đã dần nhường chỗ cho những trận lụt dai dẳng, những cơn bão ngày càng dày hơn, chính là cái lúc quê nhà đã vào mùa mưa. Mùa của những nỗi lo nhuộm trắng đầu ba mẹ, khi ruộng rau gò bãi chìm trong nước. Nhưng mùa cũng mang về những lộc đồng cho người nông dân quê tôi. Chính những lộc đồng ấy đã đưa gia đình tôi và bà con làng xóm vượt qua những lúc đói kém. Dù đó chỉ là con cá, con lươn, con dế... nhưng khi mùa mưa về, lại là thứ lộc rất quý, nhiều khi là nguồn sống qua ngày của nhiều người.
Trong trí nhớ tôi đọng mãi những hình ảnh theo ba đi bắt dế đồng. Khi những trận bão đi qua, cơn mưa vẫn còn rơi trên mảnh đất quê nhà, khói chiều bay lên gói trong đó là nỗi lo bữa cơm tối không có gì làm thức ăn. Khi mẹ nhóm bếp bằng những cây củi tre sũng nước, thì hai cha con tôi ra đồng bắt dế. Ba đi trước, tôi lò dò theo sau trong màn mưa và màn sương chiều quyện vào nhau. Những chú dế không còn nơi trú ẩn khi mưa đã ngập cả hang, đành vào trú tạm nơi bụi cỏ bờ cao hay góc những rặng tre, những luống khoai lang cao hơn mặt nước ngập. Chưa kịp đào hang mới, nên chỉ cần thò tay là tôi có thể bắt những chú dế béo mẫm khấu chân còn lấm lem bùn đất và nước. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, đã có xâu dế dài. Bữa cơm tối, bên cạnh chén mắm cái, có thêm món dế xào thơm nức. Đêm trôi trong tiếng mưa rơi xuống mái tranh nhà, nhưng ấm áp vô cùng.
Ếch đồng.	Ảnh minh họa: Internet
Ếch đồng. Ảnh minh họa: Internet
Còn khi mùa mưa vừa bắt đầu về, nếu nhà có vài tay lưới, vài chục cái lờ hay cái nơm và đèn pha soi, thì cuộc bắt cá đêm sẽ vui hơn, sẽ đem lại nhiều hơn là miếng ăn qua ngày. Bởi sau những ngày nắng gắt, khi những trận mưa đầu tiên rơi xuống đất, những chú nhái, chú ếch ngay trong đêm ấy sẽ từ bờ bụi nhảy ra gò đồng, ra ruộng mà thi nhau hát bản đồng ca mùa mưa. Chỉ cần nhanh tay lẹ mắt một chút, bắt những chú ếch, chú nhái ấy cũng đủ cho bữa ăn mấy ngày sau không lo lắng vì thiếu thức ăn nữa. Và những ngày đầu mùa mưa ấy, hầu như mặt ruộng đồng quê tôi suốt đêm đầy những ánh đèn soi loang loáng. Nhà nhà rủ nhau đi kiếm lộc đồng đầu mùa, với niềm vui không nhỏ, nhất là những đứa trẻ được đi theo cùng.
Khi mưa đã to hơn một chút, thì cá từ dưới sông ngược dòng tìm lên ruộng. Bởi mùa này những loài cá ngược đường tìm nơi đẻ trứng. Lưới và lờ được người dân giăng ở các con mương, đám ruộng, chắc chắn dòng cá sẽ đi qua. Và chỉ cần chờ đợi và gỡ mà thôi. Thú nhất là đi xem gỡ cá hoặc tự tay mình gỡ cá ra từ những tay lưới. Những chú cá rô, cá diếc to như bàn tay người, giãy đành đạch trong lưới quấn tròn lại. Và cả những con cá tràu (cá quả) , cá trê to như bắp tay đang cố dùng hết sức lực của mình để phá lưới vượt ra vòng cương tỏa. Hầu như xưa, nhà nào quê tôi cũng đi làm cá khi mùa mưa về, vì chủ yếu là để kiếm cái ăn, phần còn lại là vì thú vui đồng quê đã được truyền đi trong huyết quản biết bao đời nay.
Biết bao thế hệ người nông dân đã ra đời và cũng đã về với đất mẹ ở làng quê này. Lộc đồng đã nuôi nấng họ và cả tôi nữa trong những ngày mùa mưa khó khăn. Thương lắm những con dế, con ếch, con cá bé nhỏ thôi nhưng đảm đương sứ mệnh nuôi người nông dân đi qua mùa bão giông lũ lụt. Và thương lắm, cuộc đời ông bà, cha mẹ quanh nắm bám chặt lấy mảnh đất làng, quẩn quanh với cái đói, cái nghèo. Mùa lúa, mùa khoai, mùa đậu... dẫu gắng gỏi xoay vần cần mẫn cũng chỉ đủ ăn, còn ngày mưa, ngày lũ thì quăng quật đắp đổi. Nhiều lúc, trong cuộc nói chuyện giữa ngày mưa dầm tháng mười, tôi nghe bà, nghe cha mẹ nói về sự biết ơn của người nông dân với lộc đồng, với những con vật biết “nuôi người” như một cách tận hiến. Niềm biết ơn ấy thật xác đáng và cũng thật đáng quý.
Cá, cua hay những thứ “lộc đồng” khác theo thời gian giờ cũng hiếm dần khi sự đô thị hóa và sự khai thác của con người ngày càng khắc nghiệt. Và nhà tôi cũng như nhà bà con hàng xóm giờ cũng không đến nỗi đói ăn khi mùa lụt bão đến. Nhưng lòng vẫn rưng rưng khi mùa nước ngập quanh nhà, khi khói chiều cay cay quện với mưa tuôn trên mái nhà quê. Và, lâu lâu tôi vẫn theo ba, theo anh em hàng xóm ra đồng bắt cá, bắt ếch khi trận mưa đầu mùa đổ xuống. Như một thói quen, một nét văn hóa làng lưu giữ trong tâm thức của người con lớn lên từ gốc rạ, cọng rơm quê. 
Và, nếu sau này con tôi sinh ra ở mảnh đất này, tôi cũng sẽ truyền thói quen đó cho con. Quan trọng hơn, luôn dặn con lòng biết ơn với “lộc đồng”, với những điều đơn giản những đã giúp ông bà, tổ tiên bao đời vượt qua hoạn nạn, vững vàng truyền đời lại đến hôm nay...
Nguyễn Thành Giang
(Tổ 6, Khối phố 2 phường Trường Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam)

Tin mới