Nghệ An: Nhiều vấn đề đặt ra trong quản lý tài sản công sau sáp nhập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Theo kế hoạch, ngày 30/6/2023 là hạn chót HĐND tỉnh phê duyệt phương án xử lý sắp xếp tài sản nhà, đất sau sáp nhập đơn vị hành chính khối, xóm và cấp xã. Tuy vậy, tại cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra và để quản lý, sử dụng các tài sản công cần có phương án xử lý phù hợp, kịp thời.

Nhà văn hóa khối, xóm: Vừa thừa, vừa thiếu

Theo báo cáo của Phòng Quản lý công sản và đấu giá (Sở Tài chính), hiện các huyện, thị đang gấp rút hoàn chỉnh phương án xử lý, sắp xếp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Cụ thể, trong số 4.326 cơ sở nhà, đất toàn tỉnh thuộc diện phải sắp xếp sau sáp nhập, đến thời điểm này, ngoại trừ tài sản nhà, đất của 20 đơn vị xã, thị trấn và các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc diện sáp nhập, sắp xếp do diện tích, tài sản lớn phải chờ HĐND tỉnh duyệt thì các tài sản nhà, đất của các khối, thôn xóm, bản sau sáp nhập (1.608 thôn, xóm bị giảm) đã định hình được hướng xử lý, sử dụng sau sáp nhập.

Nhà Văn hóa thôn 4, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) sau sát nhập đã xây dựng lại cơ sở vật chất và khuôn viên mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhà Văn hóa thôn 4, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) sau sát nhập đã xây dựng lại cơ sở vật chất và khuôn viên mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo đó, một số hội quán, nhà văn hóa khối, xóm tại các huyện được đưa ra đấu giá, khai thác quỹ đất để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà văn hóa hội quán mới. Còn lại đa số các địa phương đều đề nghị giữ lại các tài sản nhà văn hóa, đất hội quán làm nơi sinh hoạt thể thao, văn hóa cộng đồng cho người dân, vì quỹ đất công ích của xóm, xã đã giảm, sau này khó tìm.

Cũng theo các địa phương, mặc dù giữ lại các nhà văn hóa thôn, xóm cũ nhưng đã xuất hiện tình trạng bất cập là "vừa thừa, vừa thiếu" cơ sở vật chất cho sinh hoạt khối, xóm, thôn, bản. Về hình thức, sau khi sáp nhập xóm, quy mô dân số nhiều hơn nên đương nhiên nhà văn hóa và diện tích khuôn viên nhà văn hóa thôn, xóm phải được nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân thôn, xóm mới.

Cận cảnh khu nhà làm việc của UBND xã Nghĩa Hòa dù mới xây dựng đã nhanh xuống cấp do không có người sử dụng. Ảnh: Nguyễn Hải

Cận cảnh khu nhà làm việc của UBND xã Nghĩa Hòa dù mới xây dựng đã nhanh xuống cấp do không có người sử dụng. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy vậy, chỉ một số xã tại các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc hay Quỳnh Lưu, Yên Thành, TP. Vinh… quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao đã huy động được nguồn lực, mở rộng khuôn viên, xây dựng lại hội quán thôn, xóm lớn hơn, đáp ứng chuẩn mới; còn lại đa số đều đang nguyên trạng, nên khi sinh hoạt khối, xóm, nếu người dân đến đủ thì không có chỗ ngồi và dù thành lập xóm mới nhưng cụm dân cư nào vẫn phải họp ở nhà văn hóa đó.

Ông Nguyễn Đình An - Phó trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Địa bàn miền núi, khoảng cách giữa các xóm xa nhau nên để tạo điều kiện cho người dân, xã để lại nhà văn hóa xóm cũ để người dân sinh hoạt thể thao, văn hóa sẽ tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, không giống vùng đô thị hay nông thôn, các nhà văn hóa xóm, bản ở miền núi thường xa trung tâm và hẻo lánh nên nếu thu hồi, đấu giá, khai thác quyền sử dụng đất thì giá trị cũng không cao.

Nhà Văn hóa thôn 8, xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai) sau sáp nhập không đạt chuẩn mới vì không thể mở rộng diện tích khuôn viên. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhà Văn hóa thôn 8, xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai) sau sáp nhập không đạt chuẩn mới vì không thể mở rộng diện tích khuôn viên. Ảnh: Nguyễn Hải

Đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản

Khác với trụ sở UBND xã, thị trấn là tài sản do Nhà nước đầu tư, nay muốn xử lý, Nhà nước phải lập Hội đồng định giá, thẩm định tài sản, thì hội quán, nhà văn hóa khối, xóm là tài sản đa sở hữu, trong đó, Nhà nước, người dân và các cá nhân đóng góp (xã hội hóa), chính vì thế khi xử lý rất khó khăn.

Ông Nguyễn Trung Long - Trưởng phòng Quản lý công sản và đấu giá, Sở Tài chính chia sẻ: Do nhà văn hóa là tài sản của nhân dân đóng góp nên muốn thanh lý phải lấy ý kiến nhân dân. Trên thực tế, đa phần các địa phương sau khi lấy ý kiến, người dân đều kiến nghị để lại nhà văn hóa xóm, khối cũ để sinh hoạt cộng đồng. Việc xây dựng nhà văn hóa, hội quán mới sẽ do xã, huyện từng bước đầu tư.

Khuôn viên và trụ sở hành chính xã Nghĩa Hòa cũ đang được thị xã Thái Hòa trình phương án giữ lại để làm Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã. Ảnh: Nguyễn Hải

Khuôn viên và trụ sở hành chính xã Nghĩa Hòa cũ đang được thị xã Thái Hòa trình phương án giữ lại để làm Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã. Ảnh: Nguyễn Hải

Một trong những lý do khiến việc xây dựng phương án xử lý tài sản công tại các huyện, thị kéo dài là do hồ sơ trích đo các diện tích nhà văn hóa khối, xóm có nguồn gốc phức tạp, sai lệch nhiều. Nhiều nhà văn hóa khối, xóm sau sáp nhập đã hết khấu hao nên tháo dỡ thì mất giá trị, thậm chí mất công phá dỡ.

Trong khi đó, khảo sát tại một số xã thuộc diện sáp nhập như Nghĩa Liên, Nghĩa Thắng (Nghĩa Đàn), hay Nghĩa Hòa (thị xã Thái Hòa), Hưng Nhân (Hưng Nguyên); Diễn Minh, Diễn Bình (Diễn Châu)…, nhận thấy do bị bỏ không, không có người sử dụng 2 năm qua nên các trụ sở cũ nay đã xuống cấp nặng, dù trước đó vừa được xây dựng để đạt chuẩn nông thôn mới…

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, UBND thị xã Thái Hòa cho biết: Trên địa bàn chỉ có trụ sở xã Nghĩa Hòa thuộc diện sắp xếp xử lý (do sáp nhập vào phường Long Sơn). Thị xã muốn giữ lại để dự kiến đưa Trung tâm Bồi dưỡng chính trị hoặc đơn vị khác vào nhưng chưa được thông qua. Trong thời gian chờ xin ý kiến, thị xã giao cho phường Long Sơn quản lý, nhưng do trụ sở không có người làm việc nên xuống cấp rất nhanh.

Trong khi đó, trụ sở hành chính xã Nghĩa Liên trước đây sau khi cùng với xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Tân nhập thành xã Nghĩa Thành (Nghĩa Đàn) đang xây dựng phương án đưa ra đấu giá, khai thác quỹ đất. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong khi đó, trụ sở hành chính xã Nghĩa Liên trước đây sau khi cùng với xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Tân nhập thành xã Nghĩa Thành (Nghĩa Đàn) đang xây dựng phương án đưa ra đấu giá, khai thác quỹ đất. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nghĩa Đàn cho biết: Khuôn viên còn trụ sở và nhà làm việc nên trước khi đấu giá quyền sử dụng đất phải làm thủ tục đấu giá thanh lý tài sản, cùng với đó là quy hoạch lại hạ tầng để bán đấu giá đất nên mất khá nhiều thời gian. Nếu nhà đất mà không có người sử dụng thì xuống cấp rất nhanh.

Chia sẻ thực trạng trên, ông Nguyễn Trung Long - Trưởng phòng Quản lý công sản và đấu giá, Sở Tài chính cho biết: Hiện sở đang tổng hợp, tiếp nhận hồ sơ xử lý tài sản sau sáp nhập từ các huyện, thị. Về cơ bản, tỉnh ghi nhận và tôn trọng nguyện vọng giữ lại khuôn viên nhà văn hóa khối, xóm của một số địa phương nhưng đối với một số tài sản lớn thì phải có phương án xử lý theo quy định. Sở đã có hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ để sau khi HĐND tỉnh phê chuẩn phương án sẽ chủ động xử lý, bàn giao.

Trụ sở hành chính xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) trước đây được chuyển sang cho Trường Tiểu học và THCS nên cơ bản giữ được cơ sở vật chất nhưng vẫn phải cải tạo lại phòng cho phù hợp với trường học. Ảnh: Nguyễn Hải

Trụ sở hành chính xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) trước đây được chuyển sang cho Trường Tiểu học và THCS nên cơ bản giữ được cơ sở vật chất nhưng vẫn phải cải tạo lại phòng cho phù hợp với trường học. Ảnh: Nguyễn Hải

Để xử lý kịp thời và dứt điểm tài sản công sau sáp nhập, theo chúng tôi, một mặt, tỉnh cần hướng dẫn về bán đấu giá thanh lý tài sản trên đất theo hướng rút gọn và nhanh hơn. Hiện nay, các tài sản nhà do không có người sử dụng, không có kinh phí bảo quản nên càng để lâu càng xuống cấp và sẽ mất giá. Mặt khác, cần giao quyền chủ động cho các địa phương trong xử lý, chuyển đổi đất,. Theo đó, nhà văn hóa xóm cũ gần nhau thì có thể đổi cho các hộ dân ở gần để mở rộng khuôn viên hoặc bán thanh lý để lấy nguồn đầu tư xây dựng nhà văn hóa mới, hạn chế tình trạng vừa thừa, vừa thiếu tại các nhà văn hóa xóm hiện nay.

Ngày 30/1/2023, Bộ Chính trị vừa ký ban hành Kết luận số 48-KL/TW về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, nên các cấp cần có nghiên cứu để định hướng. Cùng với phương án sắp xếp bộ máy hành chính - nhân sự, cần có kế hoạch về đầu tư nâng cấp trụ sở hành chính, tránh tình trạng địa phương, xóm đã nằm trong lộ trình sáp nhập nhưng vẫn xây dựng trụ sở, nhà văn hóa quá lớn dẫn đến lãng phí./.

Tin mới