Nghệ An sẽ kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức ở di tích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Nghệ An có hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa gắn với những lễ hội lớn. Lượng du khách đến tham quan, chiêm bái và công đức tại các di tích hằng năm rất đông, đồng nghĩa với số tiền công đức thu được khá lớn. 

Giảm rủi ro, thất thoát

Sau khi dâng hương tại đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên), một nhóm du khách đến từ quận Hoàng Mai, Thủ đô Hà Nội phát tâm công đức. Sau khi ghi đầy đủ thông tin của du khách, nhân viên di tích hướng dẫn họ tự bỏ tiền vào hòm công đức.

bna_Người dân bỏ tiền vào hòm công đức Đền Ông Hoàng Mười.jpg
Người dân đến chiêm bái Đền Ông Hoàng Mười (ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) bỏ tiền vào hòm công đức. Ảnh: Minh Quân

Ông Nguyễn Kim Khánh - Phó trưởng Ban quản lý di tích đền Ông Hoàng Mười cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện Hưng Nguyên đã thành lập Tổ kiểm đếm và Tổ giám sát công đức tại các di tích do huyện quản lý, trong đó có đền Ông Hoàng Mười. Mỗi lần đền mở hòm công đức đều có sự tham gia chứng kiến của thành viên hai tổ.

"Toàn bộ số tiền từ các hòm công đức sẽ được chuyển vào một hòm khác niêm phong lại và sử dụng hai loại khóa, một khóa giao cho đơn vị quản lý di tích một khóa giao cho Trưởng ban quản lý di tích giữ. Hằng ngày, các thành viên của Ban quản lý di tích có trách nhiệm quản lý nguồn tiền công đức trên các ban thờ và thu gom bỏ vào hòm công đức”, ông Khánh chia sẻ.

Tìm hiểu tại nhiều di tích lớn trong tỉnh cho thấy, công tác quản lý, sử dụng tiền công đức được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tại đền Quả Sơn (nằm trên địa bàn xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương), Ủy ban nhân dân huyện cũng thành lập Tổ giám sát các hoạt động công đức.

Ông Nguyễn Kim Nam - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đô Lương, Phó trưởng Ban quản lý đền Quả Sơn, cho biết: “Quy chế quản lý, sử dụng tiền công đức ở đền được thông báo và niêm yết công khai. Tại các hòm công đức, Ban quản lý đền bố trí nhân viên ghi chép cẩn thận, rõ ràng và có camera giám sát. Tiền công đức sau khi được kiểm đếm sẽ chuyển thẳng vào Kho bạc Nhà nước, giảm được nguy cơ rủi ro, thất thoát...”.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, hiện nay Nghệ An có 2.602 di tích, trong đó có 471 di tích đã được xếp hạng, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 144 di tích cấp quốc gia, 322 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 92 lễ hội.

Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, Nghệ An có rất nhiều di tích, lễ hội gắn liền với các anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng đối với tiến trình lịch sử của dân tộc cần được bảo tồn, phát huy. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của Nhà nước có hạn nên không thể chăm lo hết cho các di tích, trong khi đó, lại có rất nhiều người dân có nguyện vọng đóng góp, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Chính nguồn tiền công đức thời gian qua đã giúp rất nhiều di tích được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị.

bna_người dân làm lễ tại Đền Cờn ngoài (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai)..JPG
Người dân làm lễ tại Đền Cờn ngoài (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Minh Quân

Bên cạnh đó, nguồn thu này còn được sử dụng cho các hoạt động cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2022, qua báo cáo của các địa phương, nguồn thu từ tiền công đức được chuyển vào Kho bạc Nhà nước của 7 di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: Đền Ông Hoàng Mười, đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Hồng Sơn, đền Đức Hoàng, đền Bạch Mã, đền Vua Mai là hơn 26,1 tỷ đồng.

Sẽ kiểm tra tổng thể

Từ năm 2016, việc quản lý, thu chi tiền công đức tại các di tích trên địa bàn Nghệ An (ở những di tích có Ban Quản lý di tích, chủ yếu là cấp huyện và cấp tỉnh) được thực hiện theo Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, đơn vị quản lý di tích thành lập tổ giám sát để giám sát các hoạt động liên quan đến công đức theo từng năm. Mỗi lần mở hòm công đức phải có đại diện ban quản lý di tích và tổ giám sát.

bna_Tiếp nhận công đức tại Đền Ông Hoàng Mười.jpg
Ghi sổ tiếp nhận công đức tại Đền Ông Hoàng Mười. Ảnh: Minh Quân

Quyết định 18 cũng quy định quy trình sử dụng nguồn công đức bằng tiền mặt, theo đó “Hằng năm, các đơn vị quản lý di tích phải lập báo cáo, quyết toán thu, chi nguồn công đức và chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật và gửi báo cáo công tác thu, chi nguồn công đức về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp, theo dõi”.

Quyết định cũng quy định rõ về các khoản chi từ nguồn công đức, gồm: Chi cho hoạt động tu bổ tôn tạo di tích (nguồn công đức của di tích nào được sử dụng cho di tích đó); chi cho hoạt động thường xuyên tại di tích; chi phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích; để lại cho ngân sách địa phương có di tích dùng để chi cho phúc lợi xã hội tại địa phương; trích cho nguồn bảo tồn phát huy di sản văn hóa để sử dụng vào việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh thực hiện các quy định của Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND, để phòng chống thất thoát tiền công đức, những năm gần đây, ban quản lý một số di tích như đền Cờn, đền Quả Sơn, đền Hồng Sơn… đã gắn camera giám sát tại các khu vực ban thờ, bàn ghi công đức, hòm công đức. Đại diện thanh tra các ngành liên quan cũng cho biết, những năm gần đây qua thanh tra cho thấy, việc quản lý, thu chi tiền công đức tại các di tích được thực hiện chặt chẽ, chưa phát hiện vi phạm nào.

bna_Các hoạt động chiêm bái, làm lễ, công đức tại Đền Cờn đều được giám sát qua hệ thông camera an ninh.JPG
Các hoạt động chiêm bái, làm lễ, công đức tại Đền Cờn đều được giám sát qua hệ thống camera an ninh. Ảnh: Minh Quân

Đầu năm nay, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2023/TT-BTC, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023. Theo Thông tư này, với các di tích, lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức thì đơn vị thực hiện phải có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc Ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử. Đối với các trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt, các đơn vị phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.

Theo bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao), so với Quyết định số 18/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thì quy định về tiếp nhận tại Thông tư 04/2023 có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Thông tư 04/2003 và Quyết định 18 nằm ở quy định về sử dụng tiền công đức. Ở Thông tư 04 quy định rõ hơn về quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ ở 5 loại hình di tích, gồm: Di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo; Di tích đồng thời là cơ sở tín ngưỡng; Di tích thuộc sở hữu tư nhân; Di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng; Di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng.

Ngày 30/10, Bộ Tài chính ban hành công văn hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa. Đầu tháng 11 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành văn bản giao các sở, ngành liên quan tiến hành thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền, công đức tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh để gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.

Hiện Sở Văn hóa và Thể thao đã có văn bản kèm theo danh mục di tích đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp bằng xếp hạng di tích, hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của tỉnh gửi Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố, thị xã để làm căn cứ kiểm tra; đồng thời phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn tỉnh. Dự kiến từ đầu năm 2024 việc kiểm tra sẽ bắt đầu được tiến hành.

Ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Tin mới