Phát huy giá trị di tích cách mạng của quê hương Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Vùng đất Nghệ An được xem là “chiếc nôi” của phong trào cách mạng, hiện còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử - văn hóa in dấu các phong trào đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hệ thống di tích phong phú

Thống kê bước đầu, Nghệ An hiện có khoảng 400 di tích liên quan đến phong trào Xô viết - Nghệ Tĩnh, trong đó, có 40 di tích đã được xếp hạng. Sự nghiệp cách mạng là một dòng chảy theo thời gian nên hầu hết các di tích gắn với phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh đều liên quan đến quá trình vận động của cách mạng như sự ra đời của Đảng, các phong trào đấu tranh, khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám và các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ.

Chúng tôi có dịp được đến thăm lại Di tích đình Trung, thuộc phường Hưng Dũng (TP. Vinh) được xây dựng từ năm 1843 (thời Nguyễn). Tại đây, ông Nguyễn Hữu Phong, một cư dân của “Làng Đỏ” Hưng Dũng đang cùng các cháu nhỏ đến tham quan di tích.

bna_BNA_3075.jpg
Di tích đình Trung, phường Hưng Dũng (thành phố Vinh). Ảnh: Công Kiên

Theo ông Phong, dịp nghỉ Hè, các cháu ở xa về chơi và được ông dẫn ra đình để hiểu thêm về lịch sử quê hương, giúp các cháu có thêm kiến thức để học tập và bồi đắp niềm tự hào truyền thống. Ông giới thiệu với các cháu của mình: “Đình Trung trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là nơi diễn ra các hoạt động đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, vào ngày 17/8, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân làng Yên Dũng khởi nghĩa giành chính quyền và chọn đình Trung làm trụ sở làm việc.

Đặc biệt, tháng 11/1946, đình Trung được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ IV, với 45 đại biểu chính thức. Trải qua gần 80 năm, đình Trung trở thành điểm “chỉ dẫn” để thế hệ hôm nay tìm về với lịch sử quê hương, về những ngày “bão táp cách mạng”.

bna_2.JPG
Du khách tham quan cụm Di tích Nhà tưởng niệm và Khu mộ liệt sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên

Từ Di tích đình Trung, chúng tôi ngược về làng Châu Sơn, xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) thăm Di tích Nhà cụ Hoàng Viện, nơi hội họp của Xứ ủy Trung Kỳ trong cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930 - 1931). Tại đây, một nhóm các bạn trẻ đang chăm chú xem những hiện vật còn được lưu giữ như xoong, nồi, bát, đĩa của vợ chồng cụ Hoàng Viện và những tờ báo của Xứ ủy Trung Kỳ.

Em Trần Hoàng Lan - một thành viên trong nhóm cho biết: “Chúng em là sinh viên quê Hưng Nguyên, dịp này cùng nhau về quê tham quan một số di tích, trong đó có nhà cụ Hoàng Viện. Đến đây, chúng em thực sự hiểu rõ hơn về các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và càng thêm yêu mến, tự hào về mảnh đất quê hương”.

bna_1.jpg
Di tích Nhà cụ Hoàng Viện ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên). Ảnh: Công Kiên

Hôm ấy, em Trần Hoàng Lan đã giới thiệu với các bạn về Di tích Nhà cụ Hoàng Viện, về địa điểm làm việc của Xứ ủy Trung Kỳ trong thời kỳ 1930 - 1931, về “căn cứ” của Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng trong thời kỳ tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1945).

Đặc biệt, tại đây, ngày 8/8/1945, Việt Minh liên tỉnh đã triển khai Hội nghị phổ biến tình hình và bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Để rồi, vài tuần sau, cùng với nhân dân khắp mọi miền đất nước, nhân dân Nghệ An vùng lên giành chính quyền, góp phần làm nên cuộc cách mạng “long trời lở đất”.

Cùng với đình Trung và nhà cụ Hoàng Viện, có thể kể đến đình Võ Liệt (Thanh Chương), nhà thờ họ Hoàng Trần (Đô Lương), hiệu Yên Xuân (Anh Sơn), đình Phượng Lịch (Diễn Châu), nhà cụ Vi Văn Khang (Con Cuông)… là những di tích lịch sử gắn với phong trào cách mạng đang được gìn giữ và phát huy giá trị.

Qua đó, cho thấy hệ thống di tích cách mạng ở Nghệ An khá phong phú, có di tích nhà thờ họ, đình làng, đền, miếu, chùa chiền, nhà ở và địa điểm lịch sử. Hệ thống di tích này trải rộng khắp các địa bàn, từ đồng bằng, thành phố đến miền núi xa xôi.

Lan tỏa giá trị trong cuộc sống

Hệ thống di tích cách mạng đang được các địa phương quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử. Theo ông Lê Khánh Quang - Chủ tịch UBND xã Châu Nhân (Hưng Nguyên), một số chi bộ địa phương đã lựa chọn di tích nhà cụ Hoàng Viện để tổ chức sinh hoạt vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn với ý nghĩa tiếp nối mạch nguồn truyền thống để đội ngũ cán bộ, đảng viên hiểu rõ hơn những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ đi trước.

Từ đó, nâng cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng của người đảng viên và phấn đấu cho lý tưởng, sự nghiệp cách mạng.

01.png
Di tích Hiệu Yên Xuân, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu: Gia Huy

Đồng thời, hệ thống di tích cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các đoàn viên, thanh niên và học sinh, là điểm tổ chức các buổi học ngoại khóa bổ ích và lý thú. Để rồi từ đây, những người trẻ thêm yêu quê hương, yêu mến dòng chảy lịch sử của quê mình.

Ý thức được điều này, các trường học ở huyện Anh Sơn thường tổ chức các buổi học ngoại khóa, cho các em học sinh tham quan, trải nghiệm tại Di tích Hiệu Yên Xuân (xã Lĩnh Sơn) và cây đa Tri Lễ (xã Khai Sơn). Đây là những di tích gắn liền với sự ra đời của chi bộ Đảng ở địa phương và quá trình vận động, đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng, ngành Văn hóa và các địa phương ở Nghệ An đang nỗ lực gắn công tác bảo tồn với phát triển du lịch. Hiện các địa phương đang xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý di tích có năng lực điều hành hoạt động đón tiếp, hướng dẫn và giới thiệu, thuyết minh cho khách tham quan.

02.jpg
Học sinh tham quan di tích cây đa Tri Lễ, xã Khai Sơn (Anh Sơn). Ảnh tư liệu: Thái Hiền

Trong quy hoạch phát triển du lịch, ngành Du lịch và các địa phương đã phối hợp nghiên cứu đưa các di tích cách mạng vào các tour, tuyến để thu hút khách du lịch.

Chẳng hạn, xây dựng tuyến Vinh - Hưng Nguyên - Nam Đàn - Thanh Chương gắn với các điểm di tích nổi bật như Ngã ba Bến Thủy, đền Trìa (Hưng Lộc), đình Trung (Hưng Dũng), cụm Di tích Nhà tưởng niệm và khu mộ liệt sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh và nhà cụ Hoàng Viện (Hưng Nguyên), đình Võ Liệt (Thanh Chương)…; Tuyến Vinh - Cửa Lò - Diễn Châu - Yên Thành gắn với các điểm di tích nhà thờ họ Hoàng Văn (Cửa Lò), Đài tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 7/11/1930 (Diễn Châu), đình Liên Trì và Tràng Kè (Yên Thành)…

“Với vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng như Nghệ An, việc bảo tồn hệ thống di tích cách mạng gắn với phát triển du lịch là hướng đi hợp lý. Ngành Văn hóa và Du lịch địa phần cần xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và hợp tác, quảng bá nhằm khai thác giá trị di tích một cách hiệu quả, để tinh thần yêu nước và cách mạng mãi lan tỏa và bén rễ trong đời sống”.

Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Tin mới