Nghệ An tăng cường quản lý, hạn chế nạn bảo kê máy gặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Để không xảy ra tình trạng “độc quyền”, nạn bảo kê, làm giá máy gặt, ngay từ đầu vụ, nhiều địa phương đã tăng cường quản lý, làm chặt khâu kiểm soát, niêm yết giá công khai…
Máy gặt hoạt động trên vùng đồng Đức Sơn phải đảm bảo đúng giá niêm yết. Ảnh: Thanh Phúc

Máy gặt hoạt động trên vùng đồng Đức Sơn phải đảm bảo đúng giá niêm yết. Ảnh: Thanh Phúc

Vụ Xuân năm nay, toàn xã Đức Sơn (Anh Sơn) có 270ha lúa, với địa hình khó khăn, ruộng hóc chõ nhiều nên rất khó khăn trong việc thu hoạch, nhất là việc huy động máy về gặt cho người dân. Do đó, có những năm, “cò” máy gặt thổi giá, dân phải chấp nhận gặt với giá 200.000 - 230.000 đồng/sào; ngoài ra, có những ruộng xa, xấu, người dân bị từ chối gặt.

Năm nay, trước mùa gặt khoảng 3 tuần, xã đã họp dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời, tìm hiểu giá dịch vụ máy gặt trên cơ sở giá xăng dầu giảm để xây dựng khung giá gặt phù hợp. Theo đó, mức giá gặt đưa ra là 170.000 đồng/sào (gặt 2/3 thân); còn đối với ruộng lầy, lúa đổ ngã thì xê dịch thêm trong phạm vi 20-30.000 đồng/sào.

Các chủ máy gặt cam kết gặt đúng giá niêm yết, chịu sự quản lý của công an xã về các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình gặt. Ảnh: Thanh Phúc

Các chủ máy gặt cam kết gặt đúng giá niêm yết, chịu sự quản lý của công an xã về các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình gặt. Ảnh: Thanh Phúc

Sau đó, mức giá niêm yết được thông báo rộng rãi đến mọi người dân, đăng trên các trang mạng xã hội của xã quản lý; lập đường dây nóng do Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin, kiến nghị về giá máy gặt, hoạt động máy gặt trên địa bàn.

Ông Trần Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Sơn cho biết: “Hiện rộ vụ gặt, cả xã có khoảng 10 máy gặt đang hoạt động trên địa bàn theo đúng giá niêm yết. Các chủ máy gặt là người ngoài xã khi đến gặt trên đồng đất Đức Sơn đều đăng ký tạm trú, ký cam kết gặt đúng giá niêm yết, chịu sự quản lý của công an xã về các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình gặt. Các tổ công tác gồm cán bộ nông nghiệp, hợp tác xã, công an cũng thường xuyên bám đồng để kiểm soát, quản lý, nắm bắt tình hình về hoạt động của các máy gặt, giúp người dân thuận tiện nhất trong thu hoạch lúa Xuân”.

Các địa phương đăng tải rộng rãi thông tin về tăng cường quản lý dịch vụ máy gặt. Ảnh chụp màn hình: Thanh Phúc

Các địa phương đăng tải rộng rãi thông tin về tăng cường quản lý dịch vụ máy gặt. Ảnh chụp màn hình: Thanh Phúc

Ở Nghi Lâm (Nghi Lộc), trước mùa gặt, căn cứ tình hình đăng ký của người dân về dịch vụ gặt máy với xóm, sau đó, xã thống kê, tổng hợp số lượng, hợp tác xã liên hệ, kết nối với các chủ máy gặt ở các địa phương gọi máy về đồng để thu hoạch lúa Xuân cho dân trên cơ sở giá cả đã được thoả thuận, thông qua sự thống nhất của dân từ trước.

Hiện, đang rộ mùa thu hoạch, lúa ở các địa phương đồng loạt chín, tiến độ thu hoạch gấp gáp nên ở nhiều nơi xảy ra tình trạng khan hiếm máy cục bộ. Điều đáng ghi nhận là năm nay, mặc dù tình trạng khan hiếm máy gặt có diễn ra ở một số địa phương nhưng tình trạng bảo kê, làm giá dịch vụ gặt máy đã được hạn chế nhiều.

Máy gặt làm đêm để kịp tiến độ thu hoạch vụ Xuân. Ảnh: Thanh Phúc

Máy gặt làm đêm để kịp tiến độ thu hoạch vụ Xuân. Ảnh: Thanh Phúc

Hầu hết các địa phương trước khi bước vào mùa gặt đều có văn bản, thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của xã, xóm về việc quản lý máy gặt. Theo đó, chính quyền phối hợp với công an xã yêu cầu các chủ máy gặt hoặc công dân trên địa bàn đưa máy gặt về địa bàn xã gặt lúa trực tiếp làm việc với UBND xã để đăng ký số lượng máy, cánh đồng gặt, niêm yết giá gặt, cam kết đảm bảo an ninh trật với Công an xã; Đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ trong mùa thu hoạch. Nếu làm hư hỏng đường sá, kênh, mương, cầu, cống… thì phải chịu trách nhiệm tu sửa.

Đồng thời làm việc với cấp ủy, Ban cán sự các xóm để làm hợp đồng cụ thể việc gặt lúa cho xóm, cho bà con nhân dân; Nghiêm cấm các hành vi bảo kê, nâng giá các dịch vụ gặt, đập lúa, cày bừa hoặc có hành vi gây rối mất an ninh trật tự trên địa bàn xã. Trường hợp nào cố tình vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định.

Người dân phấn khởi khi ruộng được thu hoạch nhanh gọn, kịp làm đất để gieo cấy hè thu. Ảnh: Thanh Phúc

Người dân phấn khởi khi ruộng được thu hoạch nhanh gọn, kịp làm đất để gieo cấy hè thu. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Ngô Quang Phấn, một người dẫn đồng ở Hưng Nguyên cho biết: “Mặc dù đã kết nối với các máy ở phía Bắc, huy động máy ở miền Nam về với số lượng cả chục máy song do người dân thu hoạch đồng loạt nên không đáp ứng đủ nhu cầu của dân. Nhưng, chúng tôi vẫn thực hiện đúng cam kết với các xã, đó là vùng nào chín trước gặt trước, hết ruộng mới chuyển đồng, không chọn ruộng, không trừ ruộng xấu, ruộng lầy”.

Cũng theo ông Phấn, với cách quản lý chặt chẽ, công khai của các địa phương nên các chủ máy gặt rất yên tâm; không còn lo chuyện tranh nhau địa bàn, mất an ninh trật tự đã từng xảy ra trước đây. Đặc biệt, với cách làm này, người dân rất đồng tình, phấn khởi.

Ông Lê Đình Quý, một hộ dân ở xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) cho biết: “Làm hơn một mẫu ruộng, nếu như các vụ trước, phải chạy đôn đáo, chực chờ máy gặt, có thửa lúa rũ ngoài đồng vẫn chưa có máy gặt thì năm nay, trong hai ngày, gia đình đã thu hoạch xong, tranh thủ trời nắng để phơi phóng”.

Tin mới