Nghệ An: Thực hiện 'bốn cùng', 'ba bám' với người dân vùng biên giới để phát triển kinh tế

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa thông qua Đề án Nâng cao hiệu quả giúp đỡ các hộ gia đình ở khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 468,281km đường biên giới đất liền và 82km bờ biển. Khu vực biên giới (KVBG) tỉnh Nghệ An có 61 xã (phường) thuộc 11 huyện (thị xã) là địa bàn có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại.

Những năm qua, Trung ương và tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án chăm lo đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN cho KVBG. Nhờ vậy, KT-XH ở KVBG ngày càng chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, QP-AN, trật tự, an toàn xã hội được củng cố và giữ vững.

Trong đó, lực lượng BĐBP đã thường xuyên tham mưu, phối hợp chặt chẽ, sâu sát với cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”; thực hiện tốt “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc), “ba bám” (bám nhân dân; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách), trực tiếp hướng dẫn cho đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo.

Bộ đội biên phòng Nghệ An tuần tra biên giới. Ảnh tư liệu của Thành Cường.
Bộ đội biên phòng Nghệ An tuần tra biên giới. Ảnh tư liệu của Thành Cường. 

Nhiều hoạt động giúp dân của các cấp, các ngành và lực lượng BĐBP tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, như: Giúp dân làm đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương thủy lợi; khai hoang, phục hóa mới diện tích phát triển nông, lâm, diêm, ngư nghiệp; tu sửa trường, lớp; xóa nhà tạm cho người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật; hỗ trợ gạo cứu đói cho các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn và thiếu ăn trong mùa giáp hạt; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nhân dân phát triển sản xuất; tư vấn cho nhân dân vay vốn trả lãi suất thấp để phát triển kinh tế hộ gia đình...

Ngoài ra, nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về biên giới, giúp đỡ người nghèo, nổi bật là các chương trình “Mái ấm biên cương”; “Áo ấm mùa đông”; “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”... đã góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ đồng bào các dân tộc ở KVBG xóa đói, giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Tuy nhiên, tình hình KT-XH ở KVBG, nhất là trên tuyến biên giới đất liền, vẫn chậm phát triển.

Trong những năm tới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là KVBG còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, thời gian tới, bạn Lào sẽ trao trả số lượng lớn công dân Nghệ An (chủ yếu là đồng bào Mông cư trú trái phép) trở về KVBG, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có các chủ trương, giải pháp giúp đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chấm dứt tình trạng di cư trái phép.

Trên biển, tình trạng xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền diễn biến khó lường.

Vì vậy, việc ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả giúp đỡ các hộ gia đình ở KVBG, góp phần phát triển KT-XH, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo” là rất cần thiết.

Mục tiêu của Đề án là: 100% hộ gia đình ở KVBG được tuyên truyền, phổ biến, nắm được các nội dung cơ bản của chính sách dân tộc, tôn giáo, xóa đói giảm nghèo; quyền và nghĩa vụ của công dân về nhân thân, về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo và phòng, chống tội phạm; hạn chế thấp nhất tình trạng di cư trái phép.

100% đồn Biên phòng có mô hình giúp dân phát triển kinh tế hộ gia đình phát huy hiệu quả tốt để nhân rộng trên địa bàn. Phấn đấu góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở KVBG của tỉnh mỗi năm trên 3%. Tăng cường quản lý, giáo dục, cảm hóa những người có mối quan hệ chính trị - xã hội phức tạp, người vi phạm pháp luật. Phấn đấu không có điểm nóng trong KVBG.

Đến cuối năm 2025, nhân dân KVBG có sự chuyển biến tích cực về nhận thức; được tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao mức sống.

Các giải pháp để thực hiện gồm:  Đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; Đẩy mạnh các hoạt động hướng về biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; Nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo. 

Trong đó, ngành chức năng sẽ phối hợp rà soát, lập danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo để vận động vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Doanh nghiệp ở Nghệ An đầu tư trồng gừng xuất khẩu ở Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú
Doanh nghiệp ở Nghệ An đầu tư trồng gừng xuất khẩu ở Kỳ Sơn. Ảnh: Lữ Phú

Xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học; đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi vào phát triển sản xuất và chăn nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết của từng địa bàn.

Vận động thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào KVBG, vừa khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và sức lao động, vừa góp phần giải quyết việc làm cho nhân dân.

Hỗ trợ giống, cây, con trực tiếp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế.

Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới quân, dân y gắn với chăm sóc sức khỏe, thực hiện vệ sinh phòng dịch, truyền thông dân số...

UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành và giao Sở Tài chính hàng năm phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án.

 Phối hợp với các ngành làm chủ các chương trình, dự án hướng dẫn các huyện (thị), xã (phường) và các hộ dân tham gia đề án quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành.

Tin mới