Nghệ An triển khai chiến dịch truyền thông dân số theo hướng mở rộng đối tượng, đa dạng loại hình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tháng 3 này, nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã bắt đầu khởi động chiến dịch truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số.

Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ

18 tuổi, Lương Thị Cheng (bản Na Nhu, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) đã là mẹ của một đứa con hơn 4 tháng tuổi. Nghỉ học và lấy chồng sớm, khi chưa đủ tuổi thành niên, Cheng cũng như nhiều phụ nữ trên địa bàn không có nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngay cả hiện tại, dù đã sinh con được 4 tháng nhưng Cheng không sử dụng biện pháp tránh thai và nguy cơ mang thai ngoài mong muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại điểm cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, người mẹ còn rất trẻ này tỏ ra bối rối khi đoàn công tác Cục Dân số - Bộ Y tế hỏi thăm một số vấn đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Với chị, đây dường như là điều hoàn toàn mới mẻ mà nếu không đến tham gia chương trình chị sẽ không biết, không hiểu và không có ý thức chăm sóc, bảo vệ.

bna_Người dân.jpg
Chiến dịch truyền thông về chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình nâng cao chất lượng dân số năm 2024 được triển khai đồng loạt tại 21 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Điểm cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình là một trong những nội dung nằm trong Chiến dịch truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức tại huyện Kỳ Sơn. Đến với chương trình này, hầu hết là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các chị được tư vấn, thăm khám, kiểm tra sức khỏe, phát thuốc miễn phí. Ngoài ra, các chị còn được trực tiếp nghe các bác sĩ, chuyên gia đến từ Cục Dân số, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tháo gỡ nhiều vướng mắc trong vấn đề sức khỏe sinh sản.

Anh Mùa Bá Lỳ - viên chức dân số xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Ở một địa bàn còn nhiều khó khăn như chúng tôi thì việc được ngành dân số quan tâm và đưa dịch vụ về đến xã thực sự rất thiết thực. Khi nghe đến chương trình này bà con rất vui và hưởng ứng tham gia, số lượng đông hơn dự kiến”.

Cùng với huyện Kỳ Sơn, Anh Sơn là một trong những địa phương sớm triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số. Nhờ đó, tính đến giữa tháng 3, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai chiến dịch tại 9/21 xã với sự tham gia của gần 3.000 phụ nữ. Trong đợt 1, chiến dịch tập trung vào các hoạt động như truyền thông tại cộng đồng về nâng cao chất lượng dân số; khám và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, cấp thuốc điều trị viêm nhiễm phụ khoa phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; giám sát hoạt động chiến dịch tại các xã triển khai...

Ông Hồ Sỹ Lực - Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn cho biết: “Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và toàn thể xã hội về chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.

bna_Điểm cung cấp.jpg
Lãnh đạo Cục Dân số và ngành Y tế Nghệ An tham quan điểm cung cấp dịch vụ tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Năm nay, việc triển khai chiến dịch được thực hiện sớm với nhiều hoạt động nhằm mục đích tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hiệu quả, an toàn và thuận lợi”.

Tạo đà để nâng cao chất lượng dân số

Hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác dân số và phát triển. Bởi lẽ, nếu làm tốt việc cung cấp dịch vụ sẽ giải quyết được các vấn đề cơ bản của công tác dân số, trong đó đáng chú ý là chủ động hơn về kế hoạch hóa gia đình, để thực hiện mô hình gia đình ít con; đồng thời góp phần nâng chất lượng dân số - yếu tố then chốt, là trọng tâm của công tác dân số hiện nay.

Chiến dịch truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đã trở thành hoạt động thường niên của ngành dân số tỉnh nhà trong nhiều năm qua và được xem là bước khởi động cho các hoạt động của ngành trong năm. Năm nay, chiến dịch càng có ý nghĩa khi được tổ chức tại huyện Kỳ Sơn - huyện xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An.

Tư vấn về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình cho người dân vùng cao huyện Kỳ Sơn.jpg
Trong chiến dịch sẽ triển khai nhiều hoạt động truyền thông tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con, tập trung giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài ý nghĩa về công tác truyền thông, tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con, tập trung giảm mức sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tình trạng mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng dân số và phát triển bền vững, việc triển khai chiến dịch với đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ phù hợp với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đông dân có mức sinh cao, vùng ven biển, khu công nghiệp… giúp người dân được tiếp cận với nhiều dịch vụ thiết thực.

Bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “So với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, công tác dân số của huyện nhà còn nhiều khó khăn, thử thách khi hiện nay tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao với 120 nam/100 nữ; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên có chiều hướng tăng trở lại với 28% năm 2023 (tăng 1,12% so với năm 2021); tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn.

Vì vậy, ngay sau lễ phát động chiến dịch, chúng tôi sẽ tiếp tục đôn đốc cấp ủy, chính quyền địa phương, ban, ngành đoàn thể các cấp ngày càng quan tâm hơn nữa đến công tác dân số, từ công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến đầu tư nguồn lực cho công tác dân số trên địa bàn toàn huyện. Bên cạnh đó, trên cơ sở kế hoạch chiến dịch năm 2024, huyện sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chiến dịch phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương nhằm đạt kết quả cao nhất.

Theo kế hoạch, chiến dịch năm nay được tổ chức tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh và được chia thành 2 đợt, kết thúc trước ngày 30/11/2024.

Chuẩn bị cho chiến dịch năm nay, bà Trần Thị Lương - Trưởng phòng Truyền thông dân số, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu cho biết: “Chúng tôi xác định chiến dịch dân số là một hoạt động quan trọng trong năm và sẽ được triển khai tại 37/37 xã, thị trong toàn huyện. Tuy nhiên, so với nhiều địa phương khác việc triển khai chiến dịch ở Diễn Châu sẽ có những đặc thù riêng bởi lẽ qua nhiều năm tổ chức người dân trong huyện đã xem việc thăm, khám, kiểm tra sức khỏe là việc thường niên, cần được chú trọng.

Vì thế, song song với việc triển khai ở các trạm y tế xã, chúng tôi chú trọng nhiều hơn đến công tác tuyên truyền, vận động, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, thực hiện các chính sách về dân số kế hoạch hóa gia đình”.

bna_.jpg
Người dân huyện Kỳ Sơn hào hứng hưởng ứng lễ phát động Chiến dịch truyền thông về dân số năm 2024. Ảnh: Mỹ Hà

Đánh giá về việc triển khai chiến dịch, ông Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định, trong những năm qua ngành dân số cùng các ban, ngành liên quan đã hoàn toàn chủ động triển khai toàn diện các nội dung theo định hướng dân số và phát triển, chú trọng nâng cao chất lượng dân số, triển khai hoạt động tầm soát các bệnh tật bẩm sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Công tác dân số đã quan tâm ứng phó những thách thức về cơ cấu dân số như mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số…

Từ những tiền đề này, để hoàn thành mục tiêu mà chiến dịch đã đề ra, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các địa phương cần tăng cường tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, đa dạng hóa các nội dung, hình thức phù hợp với các nhóm đối tượng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo tính lan tỏa sâu rộng, hiệu quả trong quần chúng nhân dân.

Trên cơ sở kế hoạch chiến dịch của tỉnh, các địa phương, đơn vị thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chiến dịch phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương và cần mở rộng đối tượng trong chiến dịch. Ngoài ra, cần phải quan tâm đi vào chiều sâu, chất lượng và tính hiệu quả thiết thực trong cung cấp dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho đối tượng tự nguyện chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tin mới