Người biến "đất khó" thành "đất giàu"

(Baonghean) - Vùng đồi rừng Vĩnh Kim vốn là “đất khó”, nhưng anh Nguyễn Quang Hợp ở xóm 11, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn đã quyết tâm “chinh phục” gây dựng thành công mô hình thâm canh chè công nghiệp, tạo sức lan tỏa trong bà con đồng bào dân tộc Thái ở đây.
Gia đình anh Nguyễn Quang Hợp - xóm 11, bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn thu hoạch chè công nghiệp.
Gia đình anh Nguyễn Quang Hợp (xóm 11, bản Vĩnh Kim) thu hoạch chè công nghiệp.
Các xóm 11, 12 vùng bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn nơi có tới 99% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, nay đường giao thông nông thôn đã bê tông hoá thoáng rộng chạy ra tận trung tâm xã. Ông Lương Văn Thái - Xóm trưởng xóm 11 vui vẻ: “Bây giờ bà con đã biết chú trọng đầu tư thâm canh cây trồng để phát triển kinh tế, không làm nương rẫy tự phát, săn bắn như trước nữa. Đặc biệt, mô hình trồng chè của anh Nguyễn Quang Hợp đã mở hướng cho bà con làm ăn thoát nghèo, cải thiện đời sống bền vững”.
Đồi chè công nghiệp gần 4 ha của anh Nguyễn Quang Hợp được cải tạo khá bằng phẳng, nên thuận lợi cho khâu đầu tư, chăm sóc và thu hái chè. Tuy nhiên, để có được những vườn chè ưng ý, cho thu nhập cao, từ đó mở rộng phát triển kinh tế gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hiện nay, anh Hợp và gia đình đã trải qua khó khăn chồng chất. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Đức Sơn, năm 1982, sau ngày xuất ngũ trở về quê, anh lập gia đình và chuyển đến sinh sống tại vùng Khe Trang - xóm 9, xã Hoa Sơn. Năm 1996, huyện Anh Sơn có chủ trương giao khoán đất rừng, gia đình anh quyết định nhận thầu 4 ha đất rừng vùng đồi Vĩnh Kim. Đất ấy vốn cheo leo, nghèo kiệt, hoang hoá, lại cách biệt với trung tâm xã. Sau khai hoang, anh trồng ngô, sắn, lạc, keo… nhưng không hiệu quả, chi phí thuê mướn nhân công lớn, nên sản xuất không bù đủ chi phí. Trăn trở nhiều, anh nhận ra cây chè công nghiệp là cây trồng phù hợp ở đây…
Hiểu rõ trồng chè công nhiệp là phải chú trọng đầu tư thâm canh và kiên trì bám trụ lao động, trên cơ sở quy hoạch mô hình trồng tập trung cây chè công nghiệp, anh Hợp quyết định chuyển cả gia đình từ vùng Khe Trang vào ở hẳn trong vùng đồi Vĩnh Kim; rồi thuê thêm lao động, phân công công việc cụ thể cho từng thành viên, bố trí nhân lực cận tiện trên đất để thuận lợi cho sản xuất. Anh Hợp đã đầu tư hàng trăm triệu đồng nâng cấp 100m đường giao thông cấp phối nối từ trung tâm đường chính của xóm vào vườn chè, mua máy hái đôi, máy phun thuốc sâu, máy xén… tạo quy trình bài bản trong chăm sóc và thu hoạch chè.
 Để thực hiện đầu tư chiều sâu cho đồi chè, anh Hợp chịu khó tham gia tập huấn quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ Hội Nông dân huyện về truyền đạt lại cho bà con địa phương làm để ứng dụng vào sản xuất. Mỗi năm, anh sản xuất 20 tấn phân bón hữu cơ vi sinh từ chế phẩm sinh học, nguyên liệu chính từ các bổi cây, đã làm lợi cho gia đình gần 20 triệu đồng/năm. Phân bón hữu cơ được anh chăm bón cho chè 2 đợt chính/năm vào độ tháng 6 dương lịch để tăng độ ẩm giúp vườn chè nảy đọt nhanh và đợt tháng 11, tháng 12 dương lịch. Bên cạnh đó, anh còn chú trọng lắp đặt hệ thống máy bơm lấy nước từ nguồn đập Khe Sừng (nguồn nước chính phục vụ cho nhu cầu dân sinh trong xóm) để tưới ẩm cho vườn chè 3 lần/tuần. Đặc biệt, công tác kiểm tra rầy, sâu, nấm bệnh trên cây chè để có biện pháp xử lý kịp thời luôn được anh coi trọng. Quá trình thu hái chè cũng được thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, không hái quá sâu, quá ngắn để chè đảm bảo đúng đều chu trình sinh trưởng và thu hái về sau.
Nhờ đó, đến nay vườn chè của anh Hợp phát triển tốt, 2/4 ha chè công nghiệp đang ở độ tuổi kinh doanh. Hiện anh bước vào đợt thu hoạch thứ 5 trong năm; năng suất chè năm sau luôn cao hơn năm trước 15-20%, bình quân đạt 20-22 tấn/ha, sản lượng chè thu hoạch đạt gần 55 tấn/năm, giá bán chè búp của anh cho Nhà máy Chè Anh Sơn là 4.000 đồng/kg, cao hơn bình quân giá chè ngoài thị trường (2,9 ngàn - 3,8 ngàn đồng/kg); sản phẩm chè của anh còn được các tư thương tranh mua tận vườn. Theo tính toán, sau khi trừ đi chi phí, anh lãi ròng 170 triệu đồng/năm. Chưa kể anh còn tận dụng đất để trồng 0,5 ha lạc, 8 sào lúa nước, 5 sào ngô, nuôi 300 con gà, vịt, ngan cho thu nhập thêm 15 - 20 triệu đồng/năm. Như vậy, từ phát triển mô hình trồng chè công nghiệp và các cây, con khác, anh Hợp đã thu lãi gần 200 triệu đồng/năm trên đồi rừng Vĩnh Kim.
Hai năm trở lại đây, anh Hợp đã chủ động xây dựng vườn ươm giống chè để cung ứng giống cho các hộ bà con trong các xóm, bản ở Hoa Sơn, bình quân anh ươm gần 2,6 - 3 vạn bầu giống/năm. Thời gian qua, nhiều hộ dân các xóm vùng bản Vĩnh Kim sau khi thu hoạch hết tràm, sắn đã chuyển diện tích sang trồng chè công nghiệp. Cả Vĩnh Kim hiện đã có 5 ha vườn ươm giống chè công nghiệp, phục vụ nhu cầu giống cho khoảng 15 ha trồng chè của các hộ theo phương thức trả chậm. Đáng mừng là nay vùng bản Vĩnh Kim đã có tới 10 mô hình trồng chè và chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm/mô hình. Bên cạnh đó, bà con còn học tập, ứng dụng phương pháp thâm canh đối với 20 ha mía, 20 ha lúa nước, trồng cây vụ đông, nhất là thâm canh 18 ha ngô vụ 3 trên đất lúa rất có hiệu quả. Từ đó, duy trì phát triển chăn nuôi ổn định. Và đây là một chỉ số vui của bản Vĩnh Kim: trong vòng 8 năm lại nay (2006 - 2014) tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 50% xuống còn 18%. Niềm vui ấy, có phần đóng góp của anh Nguyễn Quang Hợp. 
Lương Mai

Tin mới