Người dẫn lối ước mơ

1. Có một lần, tôi đi qua ngôi trường cũ. Nhà tôi ở không xa trường nhưng chưa bao giờ tôi rẽ vào đó, kể từ khi lớn lên, đi học xa rồi đi làm. Khi ấy, tiếng trống báo hết giờ đã vang lên. Các em học sinh ríu rít ùa ra từ lớp học. Chợt tôi sững người, trong bóng tối của một phòng học đã khép hết cửa sổ, thầy giáo cũ của tôi đang lúi húi soạn lại sách vở trên bàn. Tóc thầy đã bạc như lời bài hát “Bụi phấn” mà học trò nào cũng thuộc, đôi mắt thầy đã có thêm cặp kính trễ xuống...
Đã 15 năm trôi qua, phút nghẹn ngào ấy, tôi chợt nhận ra, thầy dường như vẫn đứng nguyên ở vị trí ngày xưa. Khi chúng  tôi, hết lớp này đến lớp khác, kịp lớn lên, kịp đi xa, kịp làm bao nhiêu việc trên đời, thì thầy giáo của tôi, đã vẫn lặng lẽ gấp lại trang sách cuối ngày với một niềm vui nhỏ bé, đã vẫn cần mẫn hàng đêm bên ô cửa sổ tróc lở với ngọn đèn sáng bên trang giáo án.
Vẫn bài học ấy, của bao năm. Vẫn tiếng trống ấy vang lên, chẳng bao giờ thay đổi. Vẫn một cung đường từ nhà tới trường và không gian lớp học phấn trắng, bảng đen với bao gương mặt học trò, đứa ngỗ nghịch, đứa chăm ngoan… Thầy và các thầy cô khác, chính là những người đã cho chúng tôi biết về đất nước rộng dài, biết về bao nhiêu mới mẻ ở chân trời phía xa kia, để chúng tôi háo hức ra đi. Tôi hiểu, vì sao, người ta lại ví người thầy với người chèo đò. Không chỉ giản đơn để nói về người chở con đò tri thức, cũng không chỉ để nói hình ảnh vượt sóng, vượt gió vất vả gian nan; sâu xa hơn thế, người chèo đò ấy khi đưa một chuyến khách sang sông, họ lại trở về bến cũ, với con đò, mái chèo cũ ấy. Họ chính là người ở lại, mãi mãi với bến sông của mình, mãi mãi giữ nguyên tay chèo mải miết khi tiếng gọi “ơi đò” vang lên.
2. Trong một chuyến đi công tác vùng xa, tôi gặp một lớp học chênh vênh nơi lưng núi. Cô giáo cắm bản còn trẻ lắm, ra trường là xung phong về với lũ trẻ nơi này. Trong góc phòng nhỏ, trên bức vách bằng liếp nứa của cô, có những bức ảnh diễn viên được cắt ra từ họa báo. Khách đến, cô mừng vui lắm. Lâu lắm rồi, không có người miền xuôi nào ghé qua. Chỉ có cô và lũ trẻ chân đất, đầu trần, thò lò mũi xanh, mong manh áo vá. Không biết tự khi nào, cô giáo đã kiếm được một bó hoa rừng, cắm vào chiếc cốc thủy tinh nhỏ trên bàn.
Trong ánh lửa bập bùng đêm đó, cô đã kể về cuộc sống thiếu vắng nơi đây, về nỗi nhớ quê, nhớ ánh điện vùng xuôi, về những đứa trẻ đã khiến cô không thể bỏ mà đi. Ngày hôm sau, chào cô trong nỗi bịn rịn, trên chặng đường về xuôi, tôi cứ hình dung những đêm cô giáo ngồi lặng với tuổi thanh xuân, giữa bức vách đầy họa báo để hình dung về một thế giới khác, những con người khác, cắn chặt tiếng nấc sợ hãi, cô đơn. Để sớm mai, niềm thương, tình yêu nghề thiết tha lại khiến cô quên đi tất cả những thứ riêng mình… Có phải không, cô chính là “cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng ví von?!
Học sinh Trường THCS Tam Quang 2 (Tương Dương) chúc mừng cô giáo ngày 20/11. Ảnh Hồ Phương.
Học sinh Trường THCS Tam Quang 2 (Tương Dương) chúc mừng cô giáo ngày 20/11. Ảnh Hồ Phương.
3. Một người bạn rất thành đạt của tôi kể, nhà bạn có tới mấy đời làm nghề giáo. Thời còn cắp sách đến trường, bạn tôi luôn thầm trách bố mẹ sao không làm nghề khác mà lại chọn nghề giáo để con cái phải thua thiệt đủ đường so với bạn bè. Nuôi thêm gà, thêm vịt, trồng thêm rau, cấy thêm lúa mà nhà bạn vẫn không tránh khỏi túng thiếu, vất vả. “Đến giờ khi đã qua nửa đời người, tôi càng thấm thía vì sao người ta gọi nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề. Nếu không có tấm gương hy sinh, không ngại khó, vượt khổ, không chấp nhận hoàn cảnh, thương yêu học sinh như con của bố mẹ mình; nếu không có tấm gương và sự dạy dỗ tận tình của các thầy, cô giáo những người còn có hoàn cảnh khó khăn hơn cả nhà mình thì có lẽ tôi đã không được như hôm nay”. Và bạn tôi đã khóc với tất cả niềm biết ơn, kính trọng, tự hào…
Thế đấy, những câu chuyện tôi và bạn gặp hàng ngày, những câu chuyện hôm qua, hôm nay và ngày sau nữa về những người thầy, mãi mãi vẫn sẽ là những câu chuyện cảm động, ấm áp nhất. Trong cuộc đời của chúng ta, luôn có những người thầy, những người chèo đò đã ở lại bến cũ sau khi chỉ cho chúng ta đi về phía con đường để thực hiện ước mơ!
Nghệ An cuối tuần

Tin mới