Người đưa giống tiêu, cam vào đất Quế

(Baonghean) - Từ trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế trên quê hương, anh Hoàng Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong đã đầu tư trồng cam, tiêu theo quy mô trang trại. Đây là những giống cây lần đầu du nhập vào vùng đất Quế Phong.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng tiêu, cam của gia đình, anh Thông không giấu được niềm vui khi các giống cây này phát triển xanh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Bận rộn với công việc của một cán bộ nhà nước nhưng vốn yêu thích làm nông nghiệp nên ngay từ đầu năm 2014, anh lên ý tưởng trồng tiêu. Trước khi thực hiện, anh đã tìm đến nhiều địa phương trong nước nổi tiếng với nghề trồng tiêu như Quảng Bình, Quảng Trị để tìm hiểu về giá trị kinh tế, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, anh lại trực tiếp vào Quảng Trị mua giống về trồng 4.500 gốc tiêu trên diện tích 3 ha của trang trại gia đình vào tháng 6/2014. Cảm thấy mình chưa nắm chắc kỹ thuật, anh mời ông chủ của vườn tiêu mà anh mua giống về hướng dẫn kỹ thuật trong mấy tháng đầu với tiền lương 10 triệu đồng/tháng. 
Anh Hồ Trung Thông (bên phải) giới thiệu vườn tiêu của gia đình.
Anh Hồ Trung Thông (bên phải) giới thiệu vườn tiêu của gia đình.
Ban đầu, mọi việc không hề đơn giản. Bởi cây tiêu vốn thân leo nên đòi hỏi phải có cây thân gỗ trồng kèm để tiêu bám phát triển. Anh đã đầu tư tổng chi phí 800 triệu đồng để mua cây núc nác về trồng kèm nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 1/10. Tính ra, số tiền thất bát đến 500 triệu đồng. Không chịu thua cuộc, anh tìm hiểu và trồng thay thế các loại cây mớc, cây bông gòn. Bên cạnh đó, trên tổng diện tích trồng 3 ha tiêu thì chỉ có 2 ha đất đỏ pha cát giúp cây tiêu phát triển tốt; 1 ha đất đỏ còn lại không hợp thổ nhưỡng nên cây tiêu phát triển chậm. Trong quá trình suy nghĩ, tìm hiểu giống cây thay thế, anh được giới thiệu đến các mô hình trồng cam ở Quỳ Hợp để học tập kinh nghiệm. Sau khi tính toán, thấy giá trị kinh tế của cây cam cao, lại phù hợp đất đỏ nên anh quyết định chuyển toàn bộ 1 ha ta tiêu phát triển kém và mua thêm 4 ha đất nữa để trồng cam. 
Lần lượt 5 ha cam được hình thành trên những vùng đất xưa đã trồng các loại cây có giá trị kinh tế thấp. Anh Thông còn áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt để cung cấp nước tưới hiệu quả, tiết kiệm nhất cho cây trồng. Tuy nhiên, cũng giống như cây tiêu, câu chuyện trồng cam cũng trải qua nhiều khó khăn chẳng kém. Vẫn còn đó những kỷ niệm thức, ngủ cùng… cam. Mỗi lúc cây cam xuất hiện dấu hiệu bị bệnh, anh đều phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm thông tin, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để về chăm sóc vườn cam. Nghe anh kể về câu chuyện đưa giống tiêu, cam vào đất Quế với nhiều vất vả, thậm chí là cả thiệt hại lớn về kinh tế, tôi hỏi vì sao anh không chọn những giống cây khác đã được khẳng định ở địa phương như chanh leo để đầu tư mà lại chọn những giống cây này. Anh nói: “Căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, tôi nhận thấy cây tiêu, cây cam hoàn toàn phù hợp, thích nghi tốt; giá trị kinh tế cũng cao hơn cây quế, cây chanh leo. Cá nhân tôi rất muốn đưa các giống cây mới vào Quế Phong. Hành trình làm có thể vấp váp, thất bại nhưng đó là kinh nghiệm quý giá trong quá trình thực hiện. Khi tôi triển khai thành công sẽ cố gắng nhân rộng cho nhiều nông dân làm theo. Chắc chắn, chi phí đầu tư của họ sẽ giảm đi vì không phải vừa làm, vừa học như tôi”.
Nhìn những vườn tiêu, cam của gia đình anh Hoàng Trung Thông phát triển xanh tốt, chúng tôi cũng khấp khởi niềm vui cùng ông Phó Chủ tịch Thị trấn Kim Sơn mê làm nông nghiệp. Anh khẳng định: “Sang năm, vườn tiêu sẽ bắt đầu cho quả bói. Nếu tính giá tiêu trên thị trường như hiện nay chỉ sau 2 năm thu hoạch, gia đình sẽ thu hồi vốn đầu tư ban đầu”. Những mô hình cây trồng mới của anh Thông đang hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, nhưng trước mắt, trang trại của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập 100 ngàn đồng/ngày/người. Điều đáng trân trọng là các lao động đều thuộc hộ nghèo hoặc các đối tượng sau cai nghiện. Với quyết tâm, sự đầu tư bài bản, hy vọng mô hình trồng tiêu, cam của anh Thông sẽ thành công trên đất Quế.
Phương Anh

Tin mới