Nhận diện thách thức, thay đổi nhận thức!

(Baonghean) - Venezuela nằm ở Nam Mỹ, tiếp giáp với biển Caribe 2.800 km về phía Bắc nên còn được gọi là quốc gia thuộc vùng Caribe. Trong số 28 triệu dân thì có đến 30% dân số sống ở khu vực ven biển. Sự đa dạng về địa hình và khí hậu nên có nhiều hệ sinh thái với các loài động thực vật vô cùng đa dạng, có nhiều loài động, thực vật đặc hữu riêng trong các khu bảo tồn thiên nhiên, có cảnh quan phong phú, vì thế Venezuela thu hút lượng khách du lịch hàng năm khá đông. Kéo theo đó, các nhà máy, cơ sở công nghiệp... mọc lên ở vùng ven biển ngày càng nhiều. Trong điều kiện thiếu các chương trình quản lý ven biển phù hợp nên Venezuela đứng trước nguy cơ môi trường tự nhiên bị tác động mạnh mẽ.
Đại sứ Venezuala, ông Jorge Rondon tại phiên thảo luận “Khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu: Thách thức và cơ hội phát triển” (TP. Vinh 29/5/ 2015).
Đại sứ Venezuala, ông Jorge Rondon tại phiên thảo luận “Khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu: Thách thức và cơ hội phát triển” (TP. Vinh 29/5/2015).
Khu vực ven biển đứng trước những thách thức lớn như: Rác thải sinh hoạt và công nghiệp tấn công các khu dân cư, khu công nghiệp và khu du lịch, tình trạng ô nhiễm và suy giảm nguồn nước xảy ra nghiêm trọng, một số nguồn gen bị tuyệt chủng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng, một số khung cảnh thiên nhiên thơ mộng bị phá vỡ…
Đứng trước tình trạng đó, Venezuela đã có những giải pháp nghiêm túc về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái. Đó là việc nhanh chóng thực hiện các chương trình nghiên cứu và nhận dạng đặc điểm tương đồng và khác biệt của các vùng, trên cơ sở đó phân loại các vùng riêng biệt để đưa ra những cơ chế quản lý, những chế tài riêng để vừa tiếp tục khai thác có hiệu quả, vừa đi liền với việc khắc phục những vấn nạn về môi trường.
Để khắc phục tình trạng thiếu cơ chế và biện pháp quản lý về môi trường, Venezuela đã ban hành bộ luật quản lý vùng ven biển. Đó là cơ sở pháp lý để Venezuela tiến hành thực hiện các chương trình bảo vệ cửa biển, cửa sông, các khu vực sông suối, các khu sinh thái, khu bảo tồn… 
Việc “luật hóa” các yêu cầu bảo vệ môi trường vùng ven biển là cần thiết, cùng với đó là các chương trình quản lý, các chế tài quản lý. Nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề khác, hãy coi đây là sự chia sẻ đầy thiện chí của chúng tôi, đó là việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Môi trường sống ảnh hưởng đến từng người dân, và mỗi người dân có thể tác động trực tiếp đến môi trường chung.
Do đó, việc thay đổi nhận thức đối với người dân địa phương khu vực ven biển là điều cần thiết vô cùng. “Luật hóa” việc bảo vệ môi trường và các cơ chế, biện pháp quản lý là biện pháp “cưỡng bức”, điều đó là hợp lý vì cần phải được quản lý môi trường bằng pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự nhận thức ra họ cần phải bảo vệ môi trường cho chính họ, cho chính cộng đồng của mình, cho “ngôi nhà” của mình, làm cho việc bảo vệ môi trường thành một nhu cầu tự thân, được thực hiện một cách tự giác, điều đó có ý nghĩa lâu dài.
Để có nhận thức đúng đắn về bảo vệ môi trường, cần tạo lập những mối quan hệ xuyên suốt. Chúng ta không nên chỉ đơn thuần coi việc tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường là của riêng một ngành chức năng chuyên biệt nào đó, mà cần được nâng lên thành văn hóa ứng xử với môi trường. Văn hóa ứng xử với môi trường cần được cụ thể hóa và xuyên suốt trong các mối quan hệ đối với chính trị, văn hóa, pháp luật, kinh tế... Tất thảy đều cần phải chú trọng đến việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với thiên nhiên, giữa môi trường xã hội với môi trường tự nhiên, có như thế mới tạo ra sự thay đổi giá trị và tạo ra những hành động tích cực.
Yêu cầu phát triển kinh tế luôn đặt ra những thách thức lớn đối với việc bảo vệ môi trường cho các nhà quản lý ở các địa phương ven biển. Khi người dân địa phương đã thay đổi về nhận thức đối với môi trường, các nhà quản lý địa phương cũng phải có những cơ chế, biện pháp quản lý về môi trường phù hợp. Bởi không chỉ ở các nước đang phát triển mà ở đâu cũng vậy, kết quả của việc khai thác kinh tế thường không đi liền với những dấu hiệu tốt đẹp về môi trường. Chẳng hạn như nhu cầu phát triển công nghiệp, nhà máy, công xưởng, khai thác hầm mỏ, lại thường không đi liền với yêu cầu bảo đảm môi trường không khí và nguồn nước trong lành. Do đó, tất cả các giải pháp để bảo vệ môi trường sống của chúng ta đều phải tính đến và đều phải được khởi động sớm.
Ngày nay Venezuela trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều khu nghỉ dưỡng, nhiều danh lam, thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, khu du lịch ven biển... nhưng không có nghĩa là các vấn đề về môi trường cơ bản đã được giải quyết. Nhưng có thể khẳng định với những nỗ lực mạnh mẽ của toàn hệ thống, chúng tôi đã từng bước kiểm soát được tình hình. 
Ngô Kiên
(Lược ghi)

Tin mới