Nhân rộng mô hình 'Nhà tôi có bình chữa cháy'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, Công văn của UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC, Công an Nghệ An đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”...

Chủ động về phương tiện, lực lượng tại chỗ

Phường Hồng Sơn, TP Vinh có trên 2.000 hộ dân; hoạt động buôn bán trên địa bàn khá sầm uất, nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao nếu người dân lơ là mất cảnh giác. Trung tá Nguyễn Văn Trọng - Trưởng Công an phường cho biết: Ngoài 32 tổ liên gia, 25 điểm chữa cháy công cộng, phường tiếp tục triển khai mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Thời điểm này đã có 60% hộ gia đình trên địa bàn tự trang bị mỗi nhà 1 bình chữa cháy; trong đó 50 hộ khó khăn được Công an, Hội Phụ nữ phường mua tặng bình chữa cháy. Chính nhờ có sự chủ động về phương tiện, lực lượng tại chỗ mà trong thời gian qua những đám cháy nhỏ đều được các tổ liên gia, hộ gia đình xử lý kịp thời.

Là người tự giác mua bình chữa cháy, chị Nguyễn Thị Hiên, một hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em chia sẻ: Qua tập huấn về kỹ năng PCCC, tôi nhận ra khi xảy ra cháy nổ, tự xử lý trước là giải pháp tối ưu nhất. Ngoài tự trang bị bình chữa cháy, tôi còn mua mặt nạ chống độc cho các thành viên trong gia đình.

bna_Người dân tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc) thực hành sử dụng bình chữa cháy. ảnh pv.jpg
Người dân tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc) thực hành sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: CSCC

Tại Tổ liên gia số 3, xóm 6, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, vào ngày 25/8 vừa qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với Công an huyện Nghi Lộc tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH và tặng bình chữa cháy cho 50 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn. Sau khi tham gia, với những kiến thức bổ ích được lực lượng Công an PCCC trang bị, ngay hôm sau, anh Nguyễn Văn Nam, trú tại xóm 6 đã đi mua cho gia đình 1 bình chữa cháy. Theo anh Nam, tự mua bình chữa cháy có thể chủ động dập tắt đám cháy nhỏ, tránh lây lan làm nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của gia đình, hàng xóm…

Theo Đại úy Hoàng Văn Phùng - Trưởng Công an xã Nghi Trung: Hiểu rõ tầm quan trọng của việc trang bị bình chữa cháy, rất nhiều hộ dân đến công an xã nhờ tư vấn để mua. Đến thời điểm này, theo thống kê trên địa bàn đã có gần 800 hộ gia đình tự trang bị mỗi nhà 1 bình chữa cháy.

bna_Trưởng Công an huyện Nghi Lộc trao tặng bình chữa cháy cho các hộ gia đình trên địa bàn xã Nghi Trung. ảnh pv.jpg
Trưởng Công an huyện Nghi Lộc trao tặng bình chữa cháy cho các hộ gia đình trên địa bàn xã Nghi Trung. Ảnh: CSCC

Cũng tại địa bàn huyện Nghi Lộc, vào đầu tháng 8, mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” đã được triển khai tại xã Nghi Văn. Theo Đại úy Nguyễn Quang Liêng - Trưởng Công an xã Nghi Văn, thời điểm mới triển khai chỉ có trên 20 gia đình làm kinh doanh có bình chữa cháy, đến nay trên địa bàn xã đã có trên 500 hộ tự trang bị bình chữa cháy. Đáng nói, từ kiến thức cơ bản về công tác PCCC và thực hành các kỹ năng chữa cháy khi xảy ra sự cố cháy, nổ; cách sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ… một số hộ đã kịp thời xử lý những đám cháy nhỏ từ bình gas, rơm,…

Theo ông Đoàn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Nghi Văn: Xác định việc xây dựng mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023, chính quyền địa phương xã đã chủ động phối hợp với các lực lượng có liên quan thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân. Mục tiêu phấn đấu đến trước ngày 30/9/2023 có 50% hộ tự trang bị bình chữa cháy và đến ngày 31/12/2023 có 100% hộ gia đình tự trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy.

Gắn tiêu chí xét chọn Gia đình văn hóa

Thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” đã được triển khai tại các địa phương như TP. Vinh, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, TX. Hoàng Mai, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Thanh Chương, Nam Đàn, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, TX. Cửa Lò…

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh): Thông qua mô hình nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn trong việc chấp hành quy định của Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; tuyên truyền, vận động nhân dân tự trang bị phương tiện, thiết bị PCCC tại gia đình, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng ngừa, làm giảm thiểu các sự cố cháy, nổ xảy ra. Điều đáng nói, từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng chức năng thì nay người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người.

Cũng nhờ đó, trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, số vụ cháy giảm 23 vụ so với cùng kỳ (18,8%), giảm 3 người chết, thiệt hại về tài sản giảm 1,2 tỷ đồng; đặc biệt Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức rà soát, xây dựng, nhân rộng 944 Tổ liên gia an toàn PCCC và 2.058 điểm chữa cháy công cộng, vận động 151.954 hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa cháy, nổ theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy vẫn còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh; cụ thể đến nay mới chỉ đạt 18% trên tổng số 830.363 hộ toàn tỉnh. Về lý do, ngoài việc các địa phương triển khai còn chậm, chưa thực sự quyết liệt, còn bởi việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động PCCC tại khu dân cư còn chưa thuyết phục, chưa làm cho người dân nắm và hiểu rõ kiến thức về PCCC&CNCH…

Về kế hoạch triển khai trong thời gian tiếp theo, Đại tá Nguyễn Ngọc Thanh cho hay: Trên cơ sở thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Gần đây nhất là Công văn số 6368/UBND-NC của UBND tỉnh ngày 2/8 về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và trước đó là Văn bản chỉ đạo số 2502/CAT-PC07 của Công an tỉnh ngày 31/7. Trên cơ sở tích cực tuyên truyền, triển khai, nhân rộng các mô hình PCCC như: “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” (nhất là các địa phương tập trung đông dân cư, nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).

bna_Đội CC&CNCH số 6, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH tỉnh hướng dẫn người dân tại khối 5, thị trấn Con Cuông sử dụng bình chữa cháy. ảnh pv.jpg
Đội CC&CNCH số 6, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH tỉnh hướng dẫn người dân tại khối 5, thị trấn Con Cuông sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: CSCC

Đối với mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”, trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 6368, sẽ phấn đấu đến 30/9/2023, 100% hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang trong hệ thống cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh có bình chữa cháy. Ngoài ra, chủ động huy động nguồn lực, xã hội hóa việc trang bị bình chữa cháy và phối hợp với các địa phương tổ chức cấp phát đến các hộ gia đình còn khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn (trước mắt triển khai thực hiện đối với địa bàn thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, huyện Đô Lương...), góp phần thúc đẩy phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” và nâng cao hiệu quả công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”.

UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thành, thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong công tác PCCC&CNCH tại địa bàn theo phân công, phân cấp; gắn chặt trách nhiệm của các đơn vị, địa phương liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm thực hiện có chất lượng, đúng tiến độ. Trong đó, chỉ đạo UBND cấp xã đưa nội dung hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” vào tiêu chí xét chọn Gia đình văn hoá năm 2023 tại khu dân cư để tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình. Căn cứ điều kiện thực tế để có cơ chế phân bổ, bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa trên địa bàn để thực hiện phong trào như “cấp phát bình chữa cháy cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn”…

Tin mới