Nhiều giải pháp tăng cường phòng chống gian lận công nghệ cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Việc thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để lợi dụng thu, phát sóng và thực hiện gian lận thi cử là vấn đề đã được nói đến khá nhiều trong những năm qua.

Tuy vậy, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì nguy cơ mất an toàn của kỳ thi ngày càng gia tăng, với những thủ đoạn tinh vi, khó đoán.

“Chợ” thiết bị gian lận trên mạng

Một chiếc tai nghe mini siêu nhỏ với lời quảng cáo có nhiều “ưu điểm nổi bật từ ngoại hình cho đến tính năng của sản phẩm sẽ giúp người dùng dễ dàng ngụy trang giấu kín trong người mà không ai có thể phát hiện”.

Cũng theo lời giới thiệu này, sản phẩm chiếc tai nghe mini siêu nhỏ, có rất nhiều tính năng, đặc biệt có thể “nghe lén, nhắc bài đạt hiệu quả cao nhất”. Công nghệ mới này còn là một công cụ hỗ trợ đắc lực để hỗ trợ thi cử, nhắc bài, thi qua môn, thi nâng điểm hay để sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chỉ cần đánh cụm từ “tai nghe siêu nhỏ” đã có hàng nghìn kết quả được đưa ra trên mạng xã hội. Đây là một trong những thiết bị thường được các thí sinh sử dụng để có thể nghe lén các thông tin từ phía ngoài truyền vào. Công cụ này còn thường được tích hợp với những chiếc camera để có thể truyền phát thông tin ra ngoài một cách hoàn toàn tự động.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về việc đảm bảo an toàn ở các điểm thi..jpg
Kiểm tra việc đảm bảo an toàn tại các phòng lưu trữ đề thi. Ảnh: Mỹ Hà

Đi vào tìm hiểu kỹ các sản phẩm có thể thấy, thế giới tai nghe thu nhỏ và các vật dụng có thể thu, phát sóng hết sức đa dạng, với nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, các thiết bị tai nghe thường được quảng cáo với thiết kế nhỏ gọn, có những cái chỉ bằng hạt đậu hoặc hạt gạo và người dùng chỉ cần đút sâu vào trong tai là có thể nghe rõ ràng.

Trong khi đó, những chiếc camera siêu nhỏ lại được ngụy trang dưới nhiều hình thức như chiếc bút viết bình thường, chiếc máy tính casio mà thí sinh có thể đưa vào phòng thi. Tất cả các thiết bị này, đều được tích hợp camera ở đầu bút bi, bên cạnh khe máy… khiến người ngoài nếu nhìn bằng mắt thường khó có thể phát hiện hay phân biệt được đâu là bút bi bình thường, đâu là camera ngụy trang dạng bút.

Hoặc khi ngụy trang trong chiếc máy tính cầm tay, thí sinh không cần giấu kín trong người, bởi về cấu tạo thì vẫn giữ nguyên mọi chức năng của máy tính và vỏ máy không hề có một vết tích gì khác khiến các giám thị nghi ngờ.

Nhiều thiết bị thu phát sóng, gian lận thi cử được bày bán công khai trên mạng.jpeg
Nhiều thiết bị thu, phát sóng hiện đang được bán công khai trên mạng. Ảnh: Mỹ Hà

Những thiết bị thu, phát sóng hiện đang được bán công khai trên mạng xã hội. Thậm chí, một số nhà cung cấp còn làm các clip để người mua có thể dễ dàng sử dụng bộ thiết bị và có các hướng dẫn riêng để cất giấu khi vào những nơi bị nghiêm cấm sử dụng như phòng thi. Trên các clip, đều có số điện thoại để người mua có thể liên lạc, nhưng khi trực tiếp liên hệ các số điện thoại để trao đổi, người mua cần phải cung cấp đầy đủ tên tuổi, số điện thoại… mới có thể giao dịch. Việc mua bán chỉ diễn ra trên mạng, nhưng việc chuyển tiền lại được giao trực tiếp theo hình thức ship COD để tránh bị nghi ngờ hoặc bị phát hiện là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các giao dịch thường được trao đổi trực tiếp qua điện thoại mà không trao đổi qua tin nhắn như các sản phẩm bình thường.

Theo các quảng cáo, giá của các thiết bị này chỉ giao động từ 1 đến 2,5 triệu đồng. Thậm chí, một số chủ hàng còn sẵn sàng mua lại với mức giá 40% nếu sau khi người mua không còn sử dụng nữa.

Cảnh giác với thí sinh sử dụng công nghệ cao

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023, từ kỳ thi này, thí sinh không còn được mang “các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác” vào phòng thi như năm ngoái nhằm hạn chế gian lận trong thi cử.

Thực tế là vậy, nhưng việc thí sinh sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tại hội nghị về triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 mới đây, Trung tá Nguyễn Hữu Trung – Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an tỉnh Nghệ An cũng cho biết: “Việc sử dụng công nghệ để có hành vi gian lận trong thi cử ngày càng tinh vi và dễ dàng qua mắt các lực lượng thực thi pháp luật, cán bộ coi thi, nhất là ở các kỳ thi quốc gia”.

Hệ thống camera được lắp đặt tại các điểm thi sẽ góp phần hạn chế việc gian lận trong thi cử.jpeg
Hệ thống camera được lắp đặt tại các điểm thi sẽ góp phần hạn chế việc gian lận trong thi cử. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, qua thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo có 50 thí sinh vi phạm quy chế, trong đó, phần lớn thí sinh đều mắc lỗi đem điện thoại vào phòng thi và không loại trừ có những trường hợp thí sinh đưa điện thoại vào để sử dụng hành vi gian lận.

Tại Nghệ An, theo đại diện của Công an tỉnh, trong một kỳ thi tiếng Hàn mới được tổ chức gần đây, qua kiểm tra, lực lượng công an cũng đã phát hiện không ít học viên đem các vật thu, phát sóng vào phòng thi, thậm chí giấu vào chỗ kín. Sau đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ riêng, các hành vi này đều bị phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

Để hạn chế tình trạng trên, thời gian qua, ngành Công an cũng đã ngăn chặn nhiều vụ buôn bán các thiết bị gian lận không rõ nguồn gốc. Tuy vậy, điều đáng lo ngại là các thiết bị này hiện nay rất dễ mua, dễ sử dụng.

Trung tá Nguyễn Hữu Trung cũng đưa ra lời cảnh báo bởi “việc gian lận thi cử bằng cách sử dụng thiết bị kỹ thuật công nghệ thông tin không chỉ diễn ra ở thí sinh mà còn ở giáo viên, phụ huynh và những người tham gia các khâu quan trọng của kỳ thi. Trong khi thí sinh cố ý mang những thiết bị cấm vào phòng thi nhằm thực hiện hành vi truyền, phát thông tin đề thi ra ngoài, nhận đáp án bài thi thì giáo viên tham gia tổ chức thi cố tình thực hiện hành vi tiêu cực như chỉnh sửa điểm nhằm thu lợi bất chính. Với phụ huynh, hành vi sử dụng thiết bị công nghệ để cố tình can thiệp bất hợp pháp vào máy tính nhằm thu thập thông tin về đề thi, khâu làm đề, vận chuyển, đánh tráo bài. Để giúp các giám thị, cán bộ coi thi có thể phát hiện các hành vi gian lận, hiện Nghệ An cũng đã tập huấn và chỉ ra một số biện pháp. Theo đó, có thể quan sát quan sát, kiểm tra đặc điểm vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, quan sát biểu hiện tâm lý của thí sinh như “có dấu hiệu không bình thường như lo lắng, hồi hộp, mất tự nhiên, lẩm nhẩm đọc đề khi làm bài…”.

Về vấn đề đảm bảo an toàn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và phòng, chống gian lận trong thi cử, tại các cuộc làm việc mới đây với các nhà trường, nhiều lãnh đạo nhà trường cũng đã bày tỏ sự lo lắng và đề nghị lực lượng công an cùng phối hợp để tăng cường công tác chỉ đạo.

Như tại Trường THPT Nghi Lộc 4, thầy giáo Lê Trung Thắng – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường có một dãy hàng rào khá sát với khu dân cư và chưa đảm bảo tối thiểu cách biệt 25 mét so với quy định. Điều này rất thuận lợi cho thí sinh nếu có sử dụng các thiết bị thu phát sóng không dây. Do đó, chúng tôi mong muốn lực lượng công an sẽ hỗ trợ nhà trường rà soát các thiết bị công nghệ cao và cùng phối hợp để đảm bảo an ninh, trật tự”.

bna_Ảnh - Mỹ Hà (5).JPG
Tiết ôn tập của học sinh Trường PT DTNT THPT số 2. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Tại Trường PTDTNT THPT số 2, thầy giáo Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Để hạn chế việc sử dụng công nghệ cao, chúng tôi đã lắp camera ở khu vực trọng yếu, quán triệt học sinh tuyệt đối không sử dụng các thiết bị để gian lận trong thi cử và quán triệt giáo viên phải tuân thủ các quy định về kỳ thi và tăng cường giám sát thí sinh trước khi vào phòng thi.

Liên quan đến nội dung này, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, qua các buổi kiểm tra của Sở Giáo dục và Đào tạo, sở cũng đã yêu cầu các nhà trường cần lưu ý tới những trang thiết bị, vật dụng có thể thu, phát sóng, tuyệt đối không được để những thiết bị dễ phát sóng như máy tính, điện thoại vào các phòng lưu trữ đề. Bên cạnh đó, yêu cầu các cán bộ làm công tác tổ chức thi không được chủ quan, lơ là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm. Trước, trong kỳ thi, ngành Giáo dục và ngành Công an cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền cảnh báo về tính chất vi phạm và hậu quả của hành vi mua bán, sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận trong thi cử.

Tin mới