Nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ ở cấp huyện được nhân rộng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Theo báo cáo, đến nay, toàn tỉnh đã có 19/27 mô hình được triển khai, đạt 66,7% kế hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình đã triển khai được đầu tư hỗ trợ đều phát huy hiệu quả về mặt kinh tế và mặt khoa học khá rõ.

bna_các đại biểu dự giao ban.jpg
Các đại biểu tham dự giao ban. Ảnh: T.P

Ngày 15/9, tại thị xã Cửa Lò, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị giao ban hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố năm 2023. Dự hội nghị có đại diện Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam, các viện nghiên cứu và các nhà khoa học; một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Sở KH&CN và đại diện UBND các huyện, thành, thị, các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến tháng 7 năm 2023, các huyện đã tổ chức được 16 cuộc họp Hội đồng khoa học công nghệ, hội thảo khoa học cấp huyện. Chất lượng hội thảo khoa học; tư vấn của Hội đồng khoa học công nghệ huyện có những chuyển biến rõ nét, nội dung thiết thực, sát với tình hình thực tế của từng địa phương, kịp thời tham mưu cho UBND huyện ban hành những chủ trương nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tôn vinh các nhà khoa học.

bna_giám đốc sở phát biểu.jpg
Đồng chí Nguyễn Quý Linh - Giám đốc Sở KH&CN đánh giá cao hoạt động KHCN tại các địa phương cấp huyện trong năm 2023. Ảnh: T.P

Hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được các huyện được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đáng chú ý, trong năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt để các huyện xây dựng 27 mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ với ngân sách khoa học hỗ từ 60 đến 130 triệu đồng/ mô hình. Đến nay, đã có 19/27 mô hình được triển khai đạt 66,7% kế hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình đã triển khai được đầu tư hỗ trợ đều phát huy hiệu quả cả mặt kinh tế và mặt khoa học khá rõ.

Điển hình như: Mô hình sản xuất giống lươn tại huyện Đô Lương; Xây dựng mô hình liên kết trồng và chiết xuất tinh dầu từ cây sả hoa hồng và cây húng quế tại huyện Quỳ Hợp; Mô hình thử nghiệm nhân giống và nuôi thương phẩm con dúi bản địa trên địa bàn huyện Tương Dương; Mô hình trồng cây cà gai leo trên địa bàn thị xã Thái Hoà; Mô hình áp dụng một số biện pháp kỹ thuật trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại cây cam thời kỳ kinh doanh tại các huyện Tân Kỳ và Yên Thành; Mô hình nhân giống mía cấp 3 (giống LK9211) phục vụ cung cấp giống trên địa bàn huyện Anh Sơn.

Nhiều mô hình bước đầu thử nghiệm với quy mô nhỏ các đối tượng sản xuất mới (chủ yếu cây, con bản địa) đã được các huyện, thành, thị triển khai tốt, đem lại hiệu quả cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị.

bna_tham quan các gian hàng.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP có sự tác động của ngành KHCN. Ảnh: T.P

Bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ, các huyện, thành, thị đã xây dựng được trên 143 mô hình, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau.

Thông qua các hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện, đến nay trong tổng số 402 sản phẩm OCOP của toàn tỉnh có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương có sự tác động, hỗ trợ của ngành khoa học công nghệ; Nguồn gen nhiều loại cây trồng, vật nuôi quý hiếm đã được bảo tồn, khai thác và phát triển; Nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, có sức cạnh tranh trên thị trường.

bna_Vùng trồng NL.jpg
Mô hình cà gai leo ở xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hoà. Ảnh: T.P

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện vẫn bộc lộ một số hạn chế như: Các hoạt động còn triển khai chậm so với kế hoạch đã được ký kết; Vẫn còn ít đề án, dự án tạo ra sản phẩm hàng hóa, sau khi kết thúc (hết nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước) thì ít được duy trì và nhân rộng; Các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn huyện còn phân tán, không theo chuỗi sản phẩm nên chưa tạo ra được những đột phá mang tính quyết định...

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp và những chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ tại địa phương mình. Chẳng hạn như vấn đề về chuyển đổi số ở Nam Đàn; Giải pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Kỳ Sơn; Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong phát triển các cây, con, sản phẩm đặc thù trở thành sản phẩm hàng hóa trên địa bàn bàn huyện Quế Phong.

Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm trên địa bàn huyện Thanh Chương; Công tác thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hoá và an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Vinh; công tác huy động các nguồn lực hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn huyện Đô Lương…

bna_tương.JPG
Nhiều đặc sản địa phương nhờ tác động của KHCN đã trở thành sản phẩm hàng hoá có giá trị. Ảnh: T.P

Hội nghị cũng tập trung thảo luận, bàn bạc, đưa ra các định hướng hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn thời gian tới. Theo đó, tập trung cao độ để triển khai Nghị quyết 39, trong đó có nội dung xây dựng Nghệ An thành trung tâm khoa học công nghệ vùng với hướng Trung tâm ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Xây dựng Nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Bàn các giải pháp nâng cao chất lượng tư vấn hội đồng KHCN cấp huyện; bàn các cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình khác nhau trên địa bàn hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở tham mưu công tác quản lý khoa học công nghệ trên địa bàn…

Tin mới