Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ngày 25/10, sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%, một số ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất huy động mới. 

Cuộc đua tăng lãi suất

Nhiều ngân hàng đang âm thầm tăng lãi suất so với niêm yết với nhiều mức “lãi suất thương lượng”. Cách đây 1 tháng, mức lãi suất huy động 7,8%/năm, 8%/năm là hiếm hoi và chỉ áp dụng cho các món tiền gửi lớn thì nay áp dụng khá phổ biến, kể cả món gửi nhỏ.

Hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng lãi suất 8 - 8,5%/năm, như SCB, VietBank, HDBank, Bac A Bank... Riêng khối các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank tăng nhẹ.

Các ngân hàng, nhất là khối ngân hàng thương mại cổ phần đang trong cuộc đua tăng lãi suất, hút nguồn vốn. Ảnh: Thu Huyền

Các ngân hàng, nhất là khối ngân hàng thương mại cổ phần đang trong cuộc đua tăng lãi suất, hút nguồn vốn. Ảnh: Thu Huyền

Không chỉ tăng lãi suất huy động, cùng với cuộc đua huy động vốn, các ngân hàng đang chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn.

Tại HDBank chi nhánh Nghệ An, lãi suất đang tăng mạnh, không quy định số lượng tiền gửi bao nhiêu. Ngày 26/10, lãi suất 6 tháng ngân hàng này niêm yết 7,2%/năm; buổi sáng nhân viên ở đây cho biết, lãi suất cộng các chương trình là 8,8%/năm. Và trong buổi chiều thậm chí tăng lên trên 9%/năm (trong khi trước đó 1 ngày mới là 8,2%/năm); Trái phiếu khoảng 10-11%/năm.

Tại VietBank, với khoản tiền gửi 200 triệu đồng, lãi suất hiện là 8,6%/năm với kỳ hạn 12 tháng; 8,9%/năm kỳ hạn 15 tháng - cao hơn rất nhiều so với thời điểm vài tháng trước đó và liên tục có biến động tăng.

Mức lãi suất huy động trên 8,0%/năm đang phổ biến ở các ngân hàng. Ảnh: Thu Huyền

Mức lãi suất huy động trên 8,0%/năm đang phổ biến ở các ngân hàng. Ảnh: Thu Huyền

Chị Nguyễn Thị Thu Hương ở phường Hưng Phúc, thành phố Vinh cho biết, vừa rồi chị đi gửi tiết kiệm ở VietBank, dù lãi suất niêm yết đã cao so với cách đây 2 tuần nhưng khi thương lượng, nhân viên ngân hàng cũng linh động điều chỉnh tăng tiếp. 2 tuần trước tôi gửi 300 triệu đồng, lãi suất 8.0%/năm thời hạn 6 tháng là khá cao, thì nay tiếp tục tăng lên 8.3%/năm.

“Lãi suất tăng khiến người gửi tiền cũng chóng mặt. Tuần trước tôi được nhân viên của một vài ngân hàng cho biết tăng lãi suất huy động, tôi đang phân vân chưa biết chọn gửi ngân hàng nào thì đầu tuần này lại tiếp tục tăng. Chỉ trong vài ngày mà có ngân hàng đã tăng lãi suất huy động đến hai lần, thậm chí tăng theo buổi”- chị Hương chia sẻ.

Ông Trần Mạnh Hà – Giám đốc HDBank chi nhánh Nghệ An cho biết: Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động của chi nhánh tăng trưởng mạnh, tăng 1.000 tỷ đồng so với đầu năm; Tốc độ tăng trưởng huy động, tín dụng đều đạt trên 25%.

Xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn chưa ngừng lại, mức lãi trên 8%/năm xuất hiện ngày càng nhiều. Ông Hà cũng dự đoán, tới đây lãi suất huy động, cho vay sẽ tiếp tục biến động tăng, có thể "nóng" hơn vào cuối năm.

Lãi suất huy động biến động từng ngày cũng khiến người gửi tiền băn khoăn lựa chọn ngân hàng, thời điểm gửi. Ảnh: Thu Huyền

Lãi suất huy động biến động từng ngày cũng khiến người gửi tiền băn khoăn lựa chọn ngân hàng, thời điểm gửi. Ảnh: Thu Huyền

Nói về nguyên nhân lãi suất huy động tăng "nóng", một số ngân hàng cho biết, lý do là từ đầu năm đến nay, kinh tế phục hồi sau đại dịch, nhu cầu vốn tín dụng tăng trưởng mạnh, trong khi đó, huy động vốn tăng thấp. Ngoài ra, do lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3-3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát…

Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành tăng thêm 1%, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022. Và sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất huy động mới.

Đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng

Lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay lên mặt bằng mới. Ngay khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm, đa số các ngân hàng áp dụng lãi vay sẽ cao hơn lãi suất huy động 2,7 - 3%/năm với cùng kỳ hạn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động tăng đã kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân lên mức 13% và doanh nghiệp tầm 9%, đã tăng khoảng 2% so với đầu năm. Vì thế, việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát, tỷ giá và định hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới.

Mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng tiền gửi vào ngân hàng thời gian qua không nhiều. Ảnh minh hoạ: Thu Huyền
Mặc dù lãi suất huy động tăng nhưng tiền gửi vào ngân hàng thời gian qua không nhiều. Ảnh minh hoạ: Thu Huyền

Được biết, lãi suất huy động tăng nhưng tiền gửi vào ngân hàng thời gian qua không nhiều. Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, đến thời điểm 31/10/2022, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn ước đạt 190.659 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 15.193 tỷ đồng, bằng 8,65%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2021 (7,4%). Mức tăng nguồn vốn này là khá thấp so với tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Đến cuối tháng 10/2022, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 267.372 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 24.758 tỷ đồng, bằng 10,2%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2021 (3,6%). Tổng dư nợ ước đạt 257.054 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 28.222 tỷ đồng, bằng 12,33%, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2021 (5,2%). Trong đó, dư nợ trung, dài hạn (không tính Ngân hàng Phát triển) chiếm 42% tổng dư nợ.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục tổ chức các giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Nghệ An; tiếp tục triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cho vay các dự án lớn của tỉnh; hỗ trợ thu hồi nợ về cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP...

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An cũng chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi trên địa bàn, đặc biệt là đối với việc cho vay Chương trình ưu đãi bằng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tin mới