Những ám ảnh mới về các loại bom

(Baonghean) - Những tháng đầu tiên của năm 2016, thế giới liên tiếp rúng động trước sức công phá dữ dội (hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) của những quả bom, tạo ra những ám ảnh hãi hùng vào chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bom H - Mối lo mang tên Triều Tiên

Tin về vụ thử bom H của Triều Tiên tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng của Hàn Quốc hôm 6-1. Ảnh Reuters.
Tin về vụ thử bom H của Triều Tiên tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng của Hàn Quốc hôm 6-1. Ảnh Reuters.

Bom nhiệt hạch (bom H) với sức công phá mạnh gấp nhiều lần bom nguyên tử là “món quà” năm mới đầy bất ngờ và sửng sốt mà đất nước Triều Tiên muốn gửi đến cho cả thế giới hôm 6/1. Mượn cớ “tự vệ trước Mỹ”, bất chấp Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Bình Nhưỡng tiếp tục tự xem đây là quyền hợp pháp của mình, là bước đệm không thể thiếu trên chặng đường tới đích đến là cường quốc hạt nhân mà Triều Tiên đã đặt ra.

Thực hư về sự tồn tại của quả bom nói trên đến nay vẫn chưa được kiểm chứng, thậm chí nhiều người nghi ngờ đây chỉ là đòn “dọa dẫm” của Triều Tiên đưa ra cho các nước, nhằm gia tăng vị thế của họ trên các bàn đàm phán, gây sức ép lên các tổ chức, định chế nước ngoài. Song dù thực sự hiện diện hay chỉ đơn thuần là quả bom vô hình, thì bằng động thái vừa qua Triều Tiên đã thành công soán ngôi đầu trong danh sách mối lo ngại lớn nhất của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, thông tin về khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm các vũ khí khác những ngày qua lại tràn ngập các trang báo, hun nóng bối cảnh chính trị - an ninh Đông Bắc Á nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Trước một thực thể “khó dự báo” như Bình Nhưỡng, cộng đồng quốc tế luôn đề cao cảnh giác, đồng thời liên tiếp lên tiếng phản đối các động thái của Triều Tiên tiếp tục gia tăng căng thẳng trong khu vực, đe dọa đến bầu không khí ổn định, hòa bình mà nhân loại luôn mong muốn hướng đến trên tiến trình phát triển.

Người dân tập trung tưởng niệm nạn nhân các vụ đánh bom tại Brussels. Ảnh Businessinsider.
Người dân tập trung tưởng niệm nạn nhân các vụ đánh bom tại Brussels. Ảnh Businessinsider.

Bom khủng bố - Thảm kịch Brussels

22/3 có lẽ là ngày đen tối nhất trong ký ức của nhiều người dân Brussels. Chỉ sau 4 ngày Salah Abdeslam - một trong những mắt xích quan trọng trong loạt tấn công khủng bố Paris hồi cuối năm ngoái sa lưới, những tưởng tình hình an ninh sẽ diễn biến theo hướng tích cực hơn thì trái tim châu Âu liên tiếp bị rung chuyển bởi các vụ đánh bom liều chết tại sân bay quốc tế Zaventem và các ga tàu điện ngầm. Hơn 30 người thiệt mạng, hơn 270 người khác bị thương, mức báo động được đẩy lên cao nhất - lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 nước Bỉ mới rơi vào tình cảnh tang thương và bị động đến vậy. Vốn dĩ sau loạt khủng bố liên hoàn tại Pháp, không riêng gì Bỉ mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều cảnh giác cao độ trước khả năng để lọt các kịch bản đánh bom, xả súng đẫm máu của những phần tử cực đoan, song quy mô và tổn thất của vụ việc quả thực có phần nằm ngoài tầm tiên liệu của chính quyền và lực lượng cảnh sát Bỉ.

Đến nay, những kẻ thủ ác đã dần lộ diện nhờ sự cung cấp thông tin và hỗ trợ của dân chúng, sân bay, nhà ga dần mở cửa đón khách trở lại, cuộc sống hối hả tại nơi đặt trụ sở nhiều cơ quan đầu não của Liên minh châu Âu dần quay về guồng quay trước đó. Thế nhưng, khi các tổ chức khủng bố khét tiếng đang ngày một co cụm, bị tấn công dồn dập ở khắp các sào huyệt, không một ai có thể lường hết những “ngón đòn” thâm độc của những kẻ tới bước đường cùng. Vết sẹo khủng bố Brussels còn nhức nhối, là sự nhắc nhở đối với các quốc gia cần chuẩn bị những gì, ứng phó ra sao trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố gieo rắc nỗi sợ hãi nơi nơi.

Hồ sơ Panama được ví như quả bom thông tin lớn nhất trong nhiều năm qua. Ảnh Newyorker.
Hồ sơ Panama được ví như quả bom thông tin lớn nhất trong nhiều năm qua. Ảnh Newyorker.

Bom thông tin - Hồ sơ Panama

11,5 triệu tài liệu, tương đương với 2,6 terabyte dữ liệu lưu trữ trên máy tính do một nguồn giấu tên cung cấp cho tờ Süddeutsche Zeitung của Đức hôm 3/4 đích thực là quả bom thông tin “khủng” nhất trong lịch sử, khi phanh phui hàng loạt tên tuổi lớn bao gồm các chính khách và người nổi tiếng dính líu vào nghi án trốn thuế và rửa tiền trong suốt 40 năm qua. Hãng luật Mossack Fonseca là cái tên hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhất những ngày qua và đang bị chính quyền nhiều quốc gia vào cuộc điều ra sau vụ tiết lộ hồ sơ mật chấn động trên.

Tuy bị xem là cú sốc lớn đối với hàng loạt quốc gia, song xét công bằng, vụ rò rỉ tài liệu với lượng thông tin gấp 1.000 lần vụ WikiLeaks vào năm 2010 từng khuấy đảo giới truyền thông thế giới cũng mang lại không ít hiệu ứng tích cực. Trong số đó, phải kể đến sự vào cuộc nghiêm túc, quyết tâm của gần 400 phóng viên đến từ hơn 100 tờ báo trên toàn cầu, vén một trong những bức màn bí ẩn lớn nhất thời đại về cái mà người ta vẫn thường gọi là “thiên đường thuế”. Và như vậy, sẽ không khoa trương khi nói rằng sự kiện này đã đem lại hơi thở mới, là cuộc “cách mạng” vô tiền khoáng hậu đối với hoạt động báo chí toàn cầu, thể hiện xu thế hợp tác của truyền thông hiện đại.

Hậu Hồ sơ Panama, để duy trì hình ảnh của mình, nhiều cái tên danh giá và quyền lực đã lần lượt tuyên bố sẽ công khai tài sản cá nhân, minh bạch hóa những khoản thu chi trước công chúng. Động thái nói trên được đánh giá là “muộn còn hơn không”, và suy cho cùng, nếu các đường dây trốn thuế, rửa tiền chưa bị bóc trần - điều mà Hồ sơ Panama đang nỗ lực hướng đến, thì không thể lường hết hệ lụy trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, thể thao, giải trí,…

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Tin mới