Những điều cần biết về dán thẻ thu phí không dừng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sau 2 ngày đầu triển khai thu phí giao thông đường bộ theo hình thức không dừng, một số bạn đọc đã gửi câu hỏi về Báo Nghệ An, băn khoăn về việc sau khi mua bán xe, việc chuyển đổi tài khoản thẻ thu phí không dừng sẽ thực hiện thế nào, có phức tạp và mất thời gian hay không? Trước đây đã dán thẻ nhưng không sử dụng, giờ quên mật khẩu tài khoản phải làm sao?...

Dán thẻ thu phí không dừng, chuyển tài khoản thế nào khi mua, bán xe?

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Trung - đại điện của VETC tại Nghệ An cho biết: Khi chuyển nhượng phương tiện, khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động cần biết để thực hiện một số việc tránh mất tiền trong tài khoản giao thông.

Người dân đi làm thẻ thu phí không dừng. Ảnh: Đình Tuyên
Người dân đi làm thẻ thu phí không dừng. Ảnh: Đình Tuyên

Đối với khách hàng bán xe cho người khác chỉ cần thực hiện việc khóa thẻ định danh để bảo toàn số dư trong tài khoản. Việc thực hiện khóa thẻ, khách hàng có thể tự thực hiện được qua ứng dụng thu phí tự động (ứng dụng thu phí tự động có chức năng cho phép khách hàng tự khóa thẻ các xe thuộc tài khoản giao thông của mình) hoặc gọi điện lên tổng đài gặp tư vấn viên yêu cầu hỗ trợ khóa thẻ lại. Sau khi mua xe mới, chỉ việc đưa xe đến các điểm dịch vụ thu phí tự động để dán thẻ và yêu cầu đưa xe mới vào tài khoản cũ đã có trên hệ thống.

Nhân viên tại các Trạm thu phí hướng dẫn người dân các bước để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Ảnh: Đình Tuyên
Nhân viên tại các Trạm thu phí hướng dẫn người dân các bước để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Ảnh: Đình Tuyên

Đối với khách hàng mua lại xe thấy có dán thẻ định danh, để sử dụng dịch vụ, có thể mang giấy tờ cá nhân, giấy tờ xe ra các trạm thu phí có dịch vụ thu phí tự động để làm thủ tục chuyển đổi thẻ của xe sang tài khoản giao thông của mình (nếu chưa có tài khoản giao thông thì mở mới tài khoản). Tránh tình trạng nạp tiền khi chưa chuyển đổi thì tiền sẽ vào tài khoản của chủ cũ. Sau đó chỉ cần nạp tiền vào tài khoản giao thông mới và đi vào làn thu phí tự động để sử dụng dịch vụ.

Quên mật khẩu tài khoản, phải làm sao?

Với những trường hợp trước đây đã dán thẻ thu phí tự động, nhưng không sử dụng, quên mật khẩu tài khoản thì chỉ cần gọi số tổng đài của dịch vụ thu phí tự động cung cấp thông tin để lấy lại mật khẩu.

Nhân viên dán thẻ hướng dẫn người dân lấy lại mật khẩu. Ảnh: Đình Tuyên
Nhân viên dán thẻ hướng dẫn người dân lấy lại mật khẩu. Ảnh: Đình Tuyên

Ngoài ra, một số vấn đề liên quan cũng được nhiều bạn đọc quan tâm như: Đến đâu để đăng ký dán thẻ thu phí, cần mang những gì…

Đăng ký dán thẻ ở đâu, đã dán thẻ miễn phí qua cầu Bến Thủy có phải dán thêm?

Hiện có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ: Công ty TNHH thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC. Thẻ định danh của cả 2 đơn vị đều có thể lưu thông qua các trạm thu phí tự động không dừng trên toàn quốc nên khách hàng có thể lựa chọn bất kỳ công ty nào để đăng ký dịch vụ.

Mỗi xe ôtô chỉ được dán 1 loại thẻ thu phí không dừng. Trường hợp chủ xe cố tình dán hai thẻ của hai nhà cung cấp dịch vụ thì sẽ xảy ra tình trạng lỗi khi di chuyển qua trạm. Bởi máy quét sẽ không thể nhận diện chính xác phương tiện và tài khoản.

Nhân viên tại Trạm thu phí Bến Thủy hướng dẫn người dân nộp tiền vào tài khoản giao thông. Ảnh: Đình Tuyên
Nhân viên tại Trạm thu phí Bến Thủy hướng dẫn người dân nộp tiền vào tài khoản giao thông. Ảnh: Đình Tuyên

Các chủ phương tiện có nhu cầu dán thẻ, với thẻ của VETC cung cấp, chủ xe có thể đến các trung tâm đăng kiểm, các trạm thu phí. Với thẻ của VDTC do Viettel cung cấp, chủ xe có thể đến các cửa hàng trong hệ thống Viettel Store.

Đối với các phương tiện đã dán thẻ và lưu thông miễm phí tự động qua Trạm thu phí Bến Thủy lâu nay (xe miễn giảm địa phương), người dân không cần dán thêm thẻ mà chỉ cần nộp tiền trực tiếp hoặc qua ngân hàng điện tử vào tài khoản giao thông là có thể lưu thông toàn quốc.

Thủ tục giấy tờ cần mang theo để làm thu phí tự động?

Về thủ tục giấy tờ cần mang theo, gồm: Chứng minh thư/Thẻ căn cước/Hộ chiếu (bản gốc hoặc bản sao có công chứng); Đăng ký xe (bản gốc hoặc bản sao có công chứng còn hiệu lực); Đăng kiểm xe (bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực). Giấy vay ngân hàng (nếu là xe trả góp cần có xác nhận từ phía ngân hàng).

Nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ dán thẻ cho xe. Ảnh: Đình Tuyên

Nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ dán thẻ cho xe. Ảnh: Đình Tuyên

Nếu là khách hàng doanh nghiệp cần có thêm Giấy phép đăng ký kinh doanh, Giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu có sẵn trên trang mạng/ ứng dụng hoặc biểu mẫu đăng ký tại các điểm dán thẻ; nếu là cơ quan Nhà nước cần có công văn đề nghị, quyết định thành lập. Và Chứng minh thư/Thẻ căn cước/Hộ chiếu của người đại diện hoặc người được ủy quyền (bản phô tô hoặc bản sao công chứng còn hiệu lực), Giấy ủy quyền (nếu không phải là người đại diện). Ngoài ra, các chủ phương tiện có thể thực hiện đăng ký dịch vụ dán thẻ thu phí tự động tại nhà.

Hiện, tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, làn thu phí hỗn hợp chỉ còn 1 làn, làn thu phí tự động được mở rộng thành 2 làn/chiều. Ảnh: Đình Tuyên
Hiện, tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, làn thu phí hỗn hợp chỉ còn 1 làn, làn thu phí tự động được mở rộng thành 2 làn/chiều. Ảnh: Đình Tuyên

Sau khi đơn vị cung cấp dịch vụ đã dán thẻ, để sử dụng, chủ xe cần tải ứng dụng về điện thoại thông minh. Tương tự như các ứng dụng khác, sau khi tải về sẽ được hướng dẫn cài đặt, sử dụng. Ứng dụng sẽ có các thông tin cơ bản như thông tin về xe, số tiền trong tài khoản, ngày giờ di chuyển qua từng trạm, mức phí của từng trạm và các thông tin có liên quan khác.

Tin mới