Nông dân Nghệ An lo lắng khi giá phân bón rục rịch tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Từ giữa tháng 8 đến nay, giá phân bón rục rịch tăng trở lại sau các kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp. Việc giá phân bón tăng đúng vào thời điểm đang hoàn tất thu hoạch vụ lúa hè thu 2023, bắt tay vào sản xuất vụ Đông sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với nông dân.

bna_giá tăng.jpg
Giá phân bón tăng trở lại từ giữa tháng 7 đến nay. Theo đó, mức tăng dao động từ 300- 3.000 đồng/kg (tuỳ loại). Ảnh: Thanh Phúc

Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá urê trên thế giới liên tục tăng từ khoảng 24-50%, tương đương thời điểm đầu năm. Đặc biệt, từ đầu tháng 8, giá mặt hàng này tiếp tục tăng 18-48 USD/tấn so với cuối tháng trước. Trước tình hình giá urê thế giới "nhảy múa", các doanh nghiệp phân bón trong nước liên tục thông báo tăng giá bán.

Theo đó, Nhà máy Đạm Cà Mau thông báo tăng giá Urê xuất bán tại nhà máy lên mức 10.000 đồng/kg, ở Nghệ An lên 10.150 đồng/kg, mức tăng dao động từ 500-1.000 đồng/kg; giá urê Phú Mỹ tại Nghệ An là trên 10.000 đồng/kg.

Ghi nhận trên thị trường, hiện giá các loại phân bón như kali, NPK, DAP, SA... rục rịch tăng giá bán. Theo đó, giá NPK Phú Mỹ dao động từ 17.300-17.600 đồng/kg, giá NPK Việt Nhật 16.700-17.300 đồng/kg, tăng khoảng 2.500-3.500 đồng/kg so với tháng 6. Giá kali từ 14.400-15.900 đồng/kg, tăng khoảng 1.500-2.500 đồng so với tháng 6.

bna_phân bón kho.jpg
Các đại lý nhập về lượng hàng lớn để phục vụ người dân sản xuất vụ Đông và vụ chiêm Xuân. Ảnh: Thanh Phúc

Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến giá phân bón tăng là do “ăn theo” giá lúa. Mặt khác, do thị trường phân bón trên thế giới đều tăng giá nên giá phân bón trong nước cũng điều chỉnh tăng theo. Việc giá phân tăng đúng vào thời điểm nông dân đang tập trung thu hoạch vụ lúa hè thu 2023 nên chưa chịu tác động tức thì. Tuy nhiên, khi bắt tay vào sản xuất vụ Đông thì đây sẽ là gánh nặng không nhỏ đối với nông dân.

Vụ Đông năm nay, anh Nguyễn Quang Hà (xã Thanh Xuân, Thanh Chương) dự kiến sẽ xuống giống 4.600m2 bí xanh. Hiện, anh đã ươm giống, làm đất, lên luống để trồng bí. Sản xuất nhiều, chi phí đầu tư ban đầu khá cao do đó, khi nghe thông báo giá phân bón tăng khiến anh không khỏi lo lắng.

bna_bí xanh.jpg
Trồng bí vụ Đông sớm ở Thanh Xuân (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc

Anh Hà cho biết: “Để đầu tư cho 10 sào bí, sẽ tốn 150kg đạm urê, 300kg super lân và 130kg kaliclorua. Theo thông báo, đến nay, giá đạm, lân, kali đã tăng thêm từ 300-3.000 đồng so với đầu vụ hè thu. Với số lượng phân bón cần cho 10 sào bí thì chi phí tăng thêm sẽ là gần 2 triệu đồng”.

Sau khi thu hoạch xong vụ hè thu, gia đình chị Nguyễn Thị Chung (xã Thượng Tân Lộc, Nam Đàn) dự định sẽ xuống giống 4 sào ngô sinh khối để bán cho các trang trại làm thức ăn gia súc. Theo đó, mỗi sào cần đến 12kg lân tổng hợp, 20kg đạm và 10kg kali. Với mức điều chỉnh tăng giá bán như 2 đợt gần đây thì chị sẽ phải tốn thêm gần 500.000 đồng chi phí đầu vào cho cây ngô.

Chị Chung cho biết: “Nay, ra cửa hàng gần nhà hỏi mua lân đạm thì mới biết là đã tăng so với vụ hè thu. Giá phân bón tăng thì nông dân gặp bất lợi khi phải bỏ vốn đầu tư nhiều hơn, trong khi sản xuất vụ Đông phụ thuộc nhiều vào thời tiết”.

bna_ghép.jpg
Nhu cầu phân bón để sản xuất vụ Đông Xuân tăng cao. Ảnh: Thanh Phúc

Bước vào sản xuất vụ Đông, một mặt, vừa ứng phó với giá phân đạm tăng, mặt khác, người dân cũng đang dần hướng đến sản xuất hữu cơ nên rất nhiều địa phương đã định hướng người dân ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, làm phân bón vi sinh từ phân lợn, bò, phân trùn quế; làm đạm hữu cơ từ ủ cá tạp… Điển hình như các địa phương: Tân Kỳ, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương…

Ông Nguyễn Văn Trinh - Chủ tịch Hội Nông xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu) chia sẻ: “Vụ Đông là vụ sản xuất chính của các hộ dân trồng màu ở địa phương, nhất là các loại rau: cải, xà lách, cà chua, mồng tơi, su hào… Tuy nhiên, do làm đại trà nên giá rau vụ Đông thường rẻ, giá trị kinh tế không cao bằng các vụ khác. Do đó, giá phân bón tăng cao khiến người dân rất lo lắng. Để bước vào sản xuất vụ Đông năm nay, chúng tôi đã hướng dẫn người dân ủ phân vi sinh từ bèo tây; ủ đạm từ cá tạp và sử dụng phân chuồng để giảm lượng phân vô cơ, vừa tiết kiệm chi phí phân bón, vừa cung cấp cân đối dinh dưỡng cho cây và bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã liên kết với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho bà con nông dân với lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm bám ruộng sản xuất.

bna_phân chuồng.jpg
Hiện nay, nông dân cũng tăng cường sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng cân đối với lượng phân vô cơ. Ảnh: Thanh Phúc

Theo dự báo, khi vào cao điểm mùa vụ Đông, vụ chiêm Xuân tháng 9 và tháng 10 sẽ là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm, nhu cầu phân bón sẽ tăng cao. Do đó, giá phân bón sẽ có xu hướng tăng thêm. Song sẽ không có hiện tượng "sốt" giá như hai năm trước.

Tin mới