Nông dân Nghĩa Đàn 'ăn, ngủ' cùng dưa lê, dưa hấu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Với hơn 40 ha dưa lê, dưa hấu được trồng các trà khác nhau, những ngày này về với xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn), bà con nông dân nơi đây đang cần mẫn chăm sóc dưa hy vọng một mùa bội thu. 

Tận dụng các diện tích cây dài ngày những năm đầu như cao su, na, ổi và các diện tích đất cam hết chu kỳ, kém hiệu quả, nông dân xã Nghĩa Hiếu đã trồng các loại dưa cho hiệu quả kinh tế. Toàn xã có khoảng 50 ha dưa, bầu bí thì riêng xóm Sơn Mộng có hơn 40 ha, trong đó chủ yếu là dưa lê.

Anh Cao Thành Vinh ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu trồng xen dưa lê trong 8 sào na. Ảnh: Đinh Thuỳ
Anh Cao Thành Vinh ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu trồng xen dưa lê trong 8 sào na. Ảnh: Đinh Thuỳ

Trên ruộng dưa 8 sào xen dưới vườn na của gia đình, anh Cao Thành Vinh ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu cho biết, cây dưa lê đã xuống giống được 1 tháng, thời gian này đang tập trung tỉa nhánh để cho dưa ra hoa.

Mặc dù trồng xen nhưng gia đình vẫn đầu tư máy móc, hệ thống tưới nhỏ giọt, đồng thời phủ ni lông nên công làm cỏ, tưới nước đỡ vất vả hơn. Anh Vinh cho biết: Trồng dưa hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác như ngô, đậu nhưng phải “ăn, ngủ cùng dưa”, theo dõi thời tiết từng ngày để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho dưa.

Còn gia đình anh Phan Văn Hiển ở xóm Sơn Mộng năm nay trồng 9 sào dưa, hiện dưa đang thời kỳ để quả. Anh Hiển cho biết, năm nay thời tiết thất thường nên dưa khó làm hơn các năm trước, một số cây bị xoăn lá, xoăn ngọn chưa có thuốc đặc trị nên phải nhổ. Với 9 sào dưa, ngày nào anh Hiển cũng có mặt trên ruộng để tưới nước, ghim dây, bấm ngọn.

Chỉ tay về phía ruộng dưa xanh ngát anh Hiển chia sẻ: Các giống dưa thường hay mắc một số bệnh như vàng lá, bọ trắng. Vì vậy, cần liên tục kiểm tra để có hướng xử lý bệnh kịp thời. Ngoài ra, thời kỳ đầu vụ, việc điều tiết nước phù hợp rất quan trọng cho cây phát triển. Mặc dù vất vả nhưng hy vọng dưa năm nay được mùa, được giá như năm trước để bù lại những vất vả của nông dân trồng dưa.

Chị Lê Thị Loan ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu cho biết, thời điểm này chị dành phần lớn thời gian tỉa ngọn, tưới nước chăm sóc dưa. Ảnh: Đinh Thuỳ
Chị Lê Thị Loan ở xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu cho biết, thời điểm này chị dành phần lớn thời gian tỉa ngọn, tưới nước chăm sóc dưa. Ảnh: Đinh Thuỳ

Ông Phan Trung Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiếu cho biết: Phần lớn diện tích trồng dưa của xã Nghĩa Hiếu tập trung ở xóm Sơn Mộng. Đây là xóm có truyền thống sản xuất nông nghiệp của xã Nghĩa Hiếu, những năm qua, nông dân trong xóm chủ yếu trồng từ 10-12 ha dưa, nhưng năm nay diện tích dưa lê được bà con trồng nhiều hơn. Thời điểm này cây dưa đang phát triển tốt, bà con tập trung chăm sóc, bón phân cho cây dưa.

Mặc dù thời tiết thất thường nhưng người dân trồng dưa ở xã Nghĩa Hiếu đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, dùng màn phủ nông nghiệp để hạn chế bốc hơi nước, khống chế được cỏ dại, sâu, rầy gây hại cho dưa.

Ông Ngô Sỹ Bình - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiếu cho biết thêm: Trong quá trình trồng mới cây cao su, na, cam… hoặc các diện tích đất cần có thời gian cải tạo thì nông dân xã Nghĩa Hiếu trồng xen các loại dưa, bầu bí để tận dụng đất. Những năm gần đây, các loại cây trồng này đã cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Nghĩa Hiếu.

Đối với cây dưa sâu bệnh rất cao, vì vậy, để làm dưa có hiệu quả đòi hỏi người nông dân phải hiểu biết, có kỹ thuật. UBND xã cũng phối hợp tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh cho cây dưa. Đồng thời, tuyên truyền cho nông dân không trồng ồ ạt một loại dưa, nên trồng rải vụ để đầu ra thuận tiện hơn.

Các diện tích dưa sớm thì khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, bên cạnh đó, còn có các diện tích dưa bắt đầu xuống giống. Với cách trồng rải`vụ như thế này sẽ giúp người trồng dưa xã Nghĩa Hiếu không thu hoạch ồ ạt cùng thời điểm, tránh bị ép giá. Nông dân ở đây cũng chủ yếu bón phân hữu cơ, sinh học để nâng cao chất lượng, hy vọng một vụ dưa bội quả.

Tin mới