Phấn đấu hoàn thành khu tái định cư vùng lũ quét Kỳ Sơn trước Tết Dương lịch 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trận lũ quét lịch sử vào tháng 10/2022 đã khiến hàng trăm hộ dân tại huyện Kỳ Sơn bị mất nhà cửa. Vừa qua, Nhà nước đã hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng khu tái định cư vùng lũ quét cho bà con, dự kiến đến ngày 31/12/2023 công trình được đưa vào sử dụng.

Người dân vùng lũ quét mong sớm đến nơi tái định cư

Trở lại vùng lũ quét bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn vẫn còn đó cảnh nhiều hộ dân đang sinh sống trong những túp lều dựng tạm bợ được làm bằng tre, mét che chắn bằng tôn và bạt.

Anh Lục Đình Hạnh ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ tâm sự: Trận lũ quét đã vùi lấp cả nhà, cả đất ở của gia đình, nên vợ chồng tôi và 2 con nhỏ phải đến nhà mẹ ruột để ở nhờ. Căn nhà của mẹ tôi cũng dựng tạm để ở, rất chật chội. Chúng tôi mong công trình tái định cư thi công xong để sớm đến dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống gia đình.

Ông Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hoà Sơn cho biết: Trong số những hộ dân bị mất nhà cửa do trận lũ ống, lũ quét tháng 10/2022, hiện nay còn trên 40 hộ dân vẫn phải sinh sống trong nhà tạm, hoặc ở nhờ nhà người thân trong điều kiện thiếu thốn đủ bề.

bna_van truong 12.JPG
Dấu tích trận lũ quét ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ vẫn còn đó. Ảnh: Văn Trường

Bà con vùng lũ quét hiện nay còn đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa như thiếu đất canh tác lúa và hoa màu. Trước đây, cả bản Hoà Sơn có trên 13,5 ha đất canh tác thì nay bị lũ quét vùi lấp mất gần 6 ha. Hệ thống đường nước sinh hoạt dài 1,5 km (nguồn nước lấy từ khe Huồi Giảng về bản Hoà Sơn) được Nhà nước hỗ trợ một phần để khắc phục, nhưng qua mùa mưa lũ vừa qua một số đoạn bị hư hỏng cần phải nâng cấp và di dời đến vị trí an toàn. Bản Hoà Sơn có khá nhiều lao động không dám đi làm ăn xa quê do điều kiện nhà cửa tạm bợ.

Ông Vi Văn Truyền – Trưởng bản Hoà Sơn cho biết: Khu tái định cư này trước mắt tạo điều kiện di dời cho 54 hộ dân, theo kế hoạch sau khi công trình chuẩn bị bàn giao mặt bằng thì UBND huyện, xã và Ban quản lý bản Hoà Sơn sẽ chọn các hộ khó khăn nhất để bố trí nhà (các hộ bị mất đất, mất nhà được ưu tiên di dời trước đến nơi tái định cư). Đến nơi ở mới người dân sẽ được an toàn trong mùa mưa lũ, yên tâm ổn định cuộc sống mới, tuy nhiên, bước đầu cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Như các hộ di dời sẽ phải bỏ ra số tiền khá lớn để an cư, trong khi hầu hết các hộ dân sau lũ quét đều rất khó khăn. Để chuẩn bị cho công tác dựng nhà mới, ai nấy cũng đều có kế hoạch để dành dụm.

bna_van truong 1.JPG
Gia đình anh Lục Đình Hạnh ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ bị lũ quét cuốn trôi mất nhà phải đến ở nhờ nhà mẹ ruột trong căn lều chật chội. Ảnh: Văn Trường

Phấn đấu hoàn thành trước Tết Dương lịch

Công trình “Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho người dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn” ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ được khởi công xây dựng từ ngày 15/11 do UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư. Công trình có quy mô 3,9 ha, cho 54 hộ tái định cư vùng lũ quét, mỗi lô đất có diện tích từ 210-230 m2. Có 3 tuyến đường giao thông nội bộ khu tái định cư. Tổng mức đầu tư dự án này là 31,5 tỷ đồng, trong đó nguồn dự phòng ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, ngân sách huyện Kỳ Sơn là 1,5 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này khu tái định cư đã hoàn thành trên 50% khối lượng công trình. Cụ thể, đã san nền đạt trên 80% khối lượng, đào vách núi làm tường chắn đạt trên 75% khối lượng. Các cấu kiện bê tông đúc sẵn để lắp ghép vào hệ thống mương thoát nước đã hoàn thành. Đơn vị thi công còn đang tập trung phát tuyến để mở đường giao thông…

bna_van truong mmmm.jpeg
Khẩn trương thi công hạ tầng khu tái định cư di dời khẩn cấp cho người dân thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Văn Trường

Sau khi thi công xong phần mặt bằng, khu tái định cư sẽ tiến hành xây dựng các hạng mục nước sạch sinh hoạt, còn phần điện sinh hoạt sẽ do Công ty Điện lực Nghệ An đầu tư kéo đường điện vào khu tái định cư.

Đại diện UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công huy động máy móc và nhân lực đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công 3 ca/ngày phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 31/12.

Tuy nhiên, khó khăn đặt ra hiện nay là còn 150 hộ dân được huyện lập quy hoạch di dời tại khu tái định cư số 1 bản Cầu Tám, xã Cà Tạ với diện tích 8,6 ha, hiện đã được bố trí nguồn vốn 65 tỷ đồng, gồm 35 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách tỉnh, 20 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Ban vận động Quỹ Vì người nghèo và cứu trợ tỉnh Nghệ An, 10 tỷ đồng do Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) hỗ trợ.

bna_van truong 22.jpeg
Công trình tái định cư này phấn đấu hoàn thành trước Tết Dương lịch. Ảnh: Văn Trường

Nhưng khu tái định cư này vẫn chưa thể triển khai xây dựng do vướng đất rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy. Hiện nay UBND huyện Kỳ Sơn đang phối hợp với các ngành liên quan hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đánh giá tác động môi trường, trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền để sớm đưa vào đầu tư, bố trí tái định cư cho bà con ổn định cuộc sống lâu dài.

Mới đây, ngày 10/11, Quốc hội đã cho phép bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để thực hiện Dự án kè sông Nậm Mộ tại thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho năm 2024, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Trước đó, ngày 2/11, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân 98,533 tỷ đồng kế hoạch vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 chưa giải ngân hết của Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) sang năm 2024.

Đây là dự án hết sức cần thiết và cấp bách để hạn chế hậu quả của thiên tai lũ lụt, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân.

Tin mới