Phân luồng học sinh không chỉ đơn thuần là học nghề

(Baonghean) - Nghệ An được xem là một trong những tỉnh làm tốt công tác phân luồng ở bậc THCS. Tuy nhiên, xung quanh việc phân luồng còn nhiều vấn đề băn khoăn, cả về hình thức thực hiện và công tác “hậu” phân luồng.

Mặc cảm… phân luồng

Chủ trương phân luồng được Nghệ An triển khai đã khá lâu và được đẩy mạnh hơn từ năm 2015, sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020".

Tại thành phố Vinh, sau khi có kế hoạch của tỉnh, của thành phố, công tác phân luồng cũng đã được các trường triển khai khá quyết liệt. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các trường còn chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các tổ chức đoàn thể lồng ghép các buổi tư vấn hướng nghiệp phân luồng trong các giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp.

Bên cạnh đó, trong năm học, tổ chức họp phụ huynh với nội dung phân luồng để tư vấn, lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho con em theo năng lực của bản thân. Đặc biệt, để có kết quả hơn 200 học sinh lớp 9 phân luồng mỗi năm, một trong những căn cứ quan trọng đó là phân loại học sinh theo xếp loại học lực.

Giáo viên Trường Trung cấp nghề Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Vinh tư vấn về hướng nghiệp cho phụ huynh học sinh xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Ảnh: Mỹ Hà
Giáo viên Trường Trung cấp nghề Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Vinh tư vấn về hướng nghiệp cho phụ huynh học sinh xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Ảnh: Mỹ Hà

Lớp 9C, Trường THCS Hưng Lộc (TP. Vinh), năm học này có 4 học sinh thuộc diện phân luồng. Theo cô giáo Hồ Thị Ngọc Hà - Chủ nhiệm lớp, để phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh cần một quá trình lâu dài. Do đặc thù của học sinh thành phố, các em vẫn muốn học hết THPT, vì vậy, công tác phân luồng chủ yếu rơi vào học sinh có học lực yếu, bị hổng kiến thức căn bản, không thể phụ đạo được.

Là một trong những học sinh thuộc diện phân luồng, em Lê Duy Chiến khá ngại ngùng khi nói về điểm tổng kết của mình. Cậu học trò lớp 9 sau khi được định hướng cũng đã xác định học nghề nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa biết học nghề gì, học ở trường nào, bởi thực tế nhiều năm nay em vẫn đang được bố mẹ bao bọc. Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay căn cứ vào học lực, nhà trường dự kiến có 15 học sinh phân luồng. Những em này do học lực yếu nên không đủ điều kiện để thi tuyển sinh vào lớp 10.

Không chỉ riêng Trường THCS Hưng Lộc mà nhiều trường khác trên địa bàn thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An cũng thực hiện việc phân luồng căn cứ vào điểm số của học sinh. Điều này không sai nhưng lại tạo cho phụ huynh và học sinh những mặc cảm nhất định. Một phụ huynh có con đang học ở lớp 9C, Trường THCS Quang Trung (thành phố Vinh) tâm sự rằng: Lớp có đến 5 - 6 bạn thuộc diện phân luồng nên cuối cấp cả phụ huynh và học sinh đều buồn. Thậm chí khi bàn kế hoạch liên hoan, phụ huynh cũng không hào hứng bởi họ cho rằng con mình có được lên THPT đâu mà liên hoan, chia tay…

Ông Nguyễn Khắc An - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế Kỹ thuật Vinh cũng cho biết: “Mỗi năm thành phố Vinh có khoảng 120 học sinh thuộc diện phân luồng đăng ký vào học ở trường và hầu hết các em đều có kết quả học lực yếu hoặc trung bình. Việc phân luồng căn cứ vào kết quả học tập có thể sẽ mang lại hiệu quả về số lượng, nhưng chưa hẳn mang lại hiệu quả về chất lượng, thậm chí tạo cho các em sự mặc cảm, thiếu tự tin”. 

Cần có sự định hướng

Cũng theo ông Nguyễn Khắc An, việc phân luồng là chủ trương đúng, qua đó nhằm định hướng cho học sinh sớm có sự lựa chọn nghề nghiệp, tạo cho các em nhiều cơ hội để lập nghiệp thay vì đua nhau đăng ký vào các trường đại học như hiện nay. Tuy nhiên, do học nghề khác với học văn hóa nên để khuyến khích học nghề hiệu quả thì phải tạo cho các em niềm đam mê, yêu thích.

Từ thực tế này, để định hướng học sinh học nghề cần phải có một quá trình lâu dài, để các em thấy được đây là sự lựa chọn đúng đắn, thiết thực và hợp lý chứ không phải là sự “trừng phạt” vì học kém. Bên cạnh đó, phân luồng không chỉ được thực hiện trong một vài tháng cuối cấp mà cần cả một quá trình theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Qua những tư vấn, định hướng sẽ giúp học sinh tự chuyển đổi nhận thức để các em tự nguyện đăng ký phân luồng.

Giờ học Tin học của học sinh Trường THCS Đội Cung (Đô Lương). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học Tin học của học sinh Trường THCS Đội Cung (Đô Lương). Ảnh: Mỹ Hà

Cũng cần phải thấy rằng, phân luồng hiện nay không chỉ đơn thuần là học nghề mà các em vừa được học nghề, vừa được học văn hóa. Vì lẽ đó, nếu để các em đến với phân luồng bằng sự tự nguyện sẽ hiệu quả hơn. Hơn thế, các trường nghề cũng có cơ hội để tuyển sinh những học sinh có trình độ, có năng lực để việc học nghề đem lại hiệu quả, tránh tình trạng học sinh không học lên THPT nhiều nhưng số học sinh đăng ký vào học nghề còn quá thấp như hiện nay.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, mặc dù mỗi một năm toàn tỉnh có hơn 5.000 học sinh sau THCS không vào THPT, nhưng chỉ có khoảng 20% trong số này vào học tại các cơ sở GDTX, dạy nghề. Liên quan đến công tác phân luồng, ông Nguyễn Thanh Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Gần 2 năm trở lại đây, huyện đẩy mạnh công tác phân luồng nhằm mục đích hướng các em đi học nghề.

Dự kiến trong năm nay, cả cấp THCS và THPT, huyện có khoảng 1.100 học sinh thuộc diện phân luồng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đó là hướng các em học nghề sao cho hiệu quả. Muốn vậy, phải có sự phối hợp tích cực giữa gia đình - nhà trường và xã hội, để các em có tâm thế chọn trường, chọn nghề”.

Ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: “Nếu phân luồng học sinh nhưng chúng ta không định hướng được các em sẽ tiếp tục học gì, làm gì, nghĩa là chúng ta “có tội” với học sinh. Hiện tại, cơ hội học nghề cho học sinh rất nhiều với nhiều chính sách ưu tiên. Luật Giáo dục nghề nghiệp vừa có hiệu lực cũng có những đổi mới phù hợp với xu thế. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải phân luồng đúng đối tượng, đúng mục đích và làm tốt công tác hướng nghiệp, giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp trong tương lai theo đúng sở thích, đam mê và điều kiện thực tế của bản thân, xã hội”.

Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, tỷ lệ học sinh sau THCS vào học các trung tâm GDTX, trung cấp nghề là 25%, học nghề ngắn hạn là 5%, tỷ lệ học sinh sau THPT học nghề dài hạn là 46%, học nghề ngắn hạn 2% và XKLĐ 20%.

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ đổi mới thời gian đào tạo trung cấp đối với những người tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo đó, thời gian đào tạo trình độ trung cấp đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên chỉ còn từ 1 - 2 năm học tùy theo nghề đào tạo khi học theo niên chế (theo quy định hiện hành là từ 3 - 4 năm do phải học thêm văn hóa trung học phổ thông). Đối với người có bằng tốt nghiệp THCS, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao hơn thì phải tích lũy thêm nội dung văn hóa trung học phổ thông. Đây là nội dung mang tính tự chọn. Đối với thời gian học theo tích lũy mô-đun, tín chỉ là thời gian tích lũy đủ số lượng mô-đun, tín chỉ quy định cho từng chương trình đào tạo, không phụ thuộc vào số năm học. 

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới