Phát triển hạ tầng: 'Chìa khóa' để Tân Kỳ khai mở tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Tân Kỳ là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, khai khoáng, dịch vụ thương mại và du lịch... Chính vì vậy, địa phương đã và đang thu hút các dự án giao thông trọng điểm, tạo “chìa khóa” để tiếp tục khai mở tiềm năng đó.

Khởi sắc những dự án mới

Những ngày này, trong không khí vui tươi, phấn khởi, với những hoạt động thiết thực hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện, trên các công trình, dự án trọng điểm của huyện Tân Kỳ, không khí thi công cũng khẩn trương, sôi động.

Dự án Nâng cấp đường tỉnh 534D trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang khẩn trương thi công. Ảnh: Xuân Hoàng
Dự án Nâng cấp đường tỉnh 534D trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang khẩn trương thi công. Ảnh: Xuân Hoàng

Có mặt tại Dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường tỉnh 534D (tuyến đường nối từ ngã tư Tân An đi các xã vùng trong: Hương Sơn, Phú Sơn và Nghĩa Hành) cho thấy, nhà thầu huy động tối đa phương tiện, máy móc và nhân lực triển khai một cách khẩn trương nhất. Người dân các xã vùng trong này khấp khởi đón chờ một tuyến đường nhựa với những chiếc cầu vững chãi, mở ra cơ hội để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Viết Khang - một nông dân ở xã Hương Sơn phấn khởi bày tỏ: Từ bao đời nay, người dân chúng tôi đi trên con đường đất, vào mùa mưa lầy lội, nhiều đoạn bị ngập nước, cô lập nhiều ngày liền. Người dân đi lại khó khăn đã đành, nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp của bà con làm ra khó tiêu thụ, thậm chí hư hỏng. Do vậy, khi Nhà nước đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường này, người dân ai cũng phấn khởi, khao khát sớm hoàn thành để bà con đi lại thuận lợi, con em đến trường được an toàn, địa phương có điều kiện phát triển kinh tế.

Bê tông hóa đường thôn, xóm trên địa bàn huyện Tân Kỳ được triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay. Ảnh: Xuân Hoàng
Bê tông hóa đường thôn, xóm trên địa bàn huyện Tân Kỳ được triển khai sâu rộng từ nhiều năm nay. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo Ban Quản lý dự án huyện Tân Kỳ cho biết, với sự đồng thuận và tự nguyện hiến đất của người dân sinh sống hai bên tuyến đường nên công tác giải phóng mặt bằng được thuận lợi. Sau gần 4 tháng thi công, nhà thầu đã phóng tuyến được 9/18 km; cùng đó, nhiều cầu, cống trên tuyến cũng đang được xây dựng một cách khẩn trương nhất để hoàn thành trước mùa mưa. Dự án mở rộng, nâng cấp đường 534D được Nhà nước phê duyệt với tổng nguồn đầu tư hơn 148 tỷ đồng, triển khai trong 3 năm, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.

Người dân các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp cũng vừa đón nhận một con đường rộng mở từ Dự án Nâng cấp QL15B, sau bao năm chờ đợi. Ông Chu Văn Thuận - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Dũng chia sẻ niềm vui: Cuối năm 2022, QL15B đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng cho địa phương cán đích xây dựng nông thôn mới. Có đường mới rộng mở, nhựa hóa, cùng đó, cầu, cống được xây dựng kiên cố, người dân và con em đi lại an toàn hơn. Đây cũng là tuyến đường trọng điểm để địa phương khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế thuận lợi nhất.

Thu hút đầu tư, tạo việc làm cho lao động ngay tại địa phương đang được huyện Tân Kỳ quan tâm và thu hút được nhiều doanh nghiệp vào hoạt động. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hút đầu tư, tạo việc làm cho lao động ngay tại địa phương đang được huyện Tân Kỳ quan tâm và thu hút được nhiều doanh nghiệp vào hoạt động. Ảnh: Xuân Hoàng

Một tin vui đối với người dân huyện Tân Kỳ là Dự án Đường N5 nối dài từ xã Hòa Sơn (Đô Lương) kết nối với đường Hồ Chí Minh và xã Tân Long đã được Nhà nước đầu tư, hiện đang được các nhà thầu triển khai phóng tuyến.

Đặc biệt, trong năm 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương thực hiện Dự án cầu Rỏi 2 bắc qua sông Con về phía Bắc, tránh ùn tắc giao thông đoạn qua Nhà máy May Minh Anh và giảm lưu lượng phương tiện qua thị trấn, góp phần phát triển vùng Tây Bắc huyện.

Như vậy, trong tương lai gần, huyện Tân Kỳ có thêm những công trình giao thông trọng điểm, không những làm đẹp quê hương, mà còn góp phần quan trọng để địa phương đẩy nhanh phát triển kinh tế.

Chợ Tân Kỳ góp phần làm đẹp cho thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng
Chợ Tân Kỳ góp phần làm đẹp cho thị trấn Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngoài các dự án giao thông quan trọng, huyện Tân Kỳ còn được Nhà nước đầu tư Dự án Đường điện 110KV có tổng mức đầu tư trên 181 tỷ đồng, hiện dự án đã cơ bản hoàn thành. Sau khi đưa vào vận hành đường điện 110 KV này, sẽ nâng cao chất lượng điện lưới Quốc gia cho khách hàng trên địa bàn huyện và tạo điều kiện thuận lợi để huyện thu hút đầu tư.

Thúc đẩy nông, lâm nghiệp phát triển

Mạng lưới giao thông được nâng cấp, kết nối là điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy lĩnh vực nông, lâm nghiệp của địa phương phát triển bền vững.

Là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, nên huyện Tân Kỳ xác định các mũi nhọn kinh tế nông nghiệp, ngoài duy trì trên 3.500 ha mía, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy; duy trì 29.000 ha rừng trồng, thì huyện Tân Kỳ còn chú trọng triển khai các mô hình cây trồng mới hiệu quả: ngô ngọt, khoai tây… đặc biệt là mở rộng diện tích trồng chuối vàng Nam Mỹ.

Mô hình trồng chuối vàng Nam Mỹ trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ được triển khai thực hiện từ năm 2020. Ảnh: Xuân Hoàng
Mô hình trồng chuối vàng Nam Mỹ trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ được triển khai thực hiện từ năm 2020. Ảnh: Xuân Hoàng

Từ chỗ mô hình trồng chuối vàng Nam Mỹ hơn 20 ha trồng trên đất Đồng Văn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Tân Kỳ đã có chủ trương nhân rộng mô hình trồng chuối vàng Nam Mỹ ra nhiều địa bàn.

Sau 12 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Tân Kỳ hiện đã có 17/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Trên địa bàn cũng đã có 20 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt “3 sao” OCOP cấp tỉnh.

Ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho rằng: Tân Kỳ là địa phương được biết đến với vùng đất nơi hội tụ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch tâm linh, sinh thái…

Tân Kỳ có gần 30.000 ha đất trồng rừng sản xuất, trên 4.500 ha quy hoạch trồng mía nguyên liệu, hàng nghìn ha đất trồng cây ăn quả, cây cao su... Khoáng sản có đá trắng, đá vôi, đất sét làm gạch, ngói..., mỏ cát, sỏi phục vụ ngành xây dựng; lĩnh vực du lịch được biết đến với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề dệt thổ cẩm. Song, để khai thác tiềm năng đó, đòi hỏi cần có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi.

Huyện Tân Kỳ tự hào với 20 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh. Ảnh tư liệu
Huyện Tân Kỳ tự hào với 20 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh. Ảnh tư liệu

"Việc Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở mới các tuyến đường trọng điểm là điều kiện rất thuận lợi cho huyện Tân Kỳ khai thác tiềm năng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đặc biệt, khi Dự án cầu Rỏi 2 được triển khai, hoàn thành, sẽ tạo điều kiện cho 53.000 dân của 8 xã phía Tây: Tân Long, Nghĩa Thái, Tân Phú, Nghĩa Hoàn, Giai Xuân, Tân Hợp... đi lại thuận lợi hơn; tạo điều kiện để phát triển khu công nghiệp quy mô 600 ha tại xã Tân Phú, cũng như giảm áp lực cho các phương tiện tham gia giao thông vào vùng nội thị thị trấn. Đây là điều mong ước bấy lâu nay của huyện Tân Kỳ." - ông Phan Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.

Với tiềm năng dồi dào, cùng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong toàn huyện, tin rằng, trong chặng đường tiếp theo, huyện Tân Kỳ sẽ bứt phá, vươn lên phát triển bền vững…

Tin mới