Phát triển thị trấn, thị tứ và tiềm năng thương mại dịch vụ

(Baonghean) - Việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị (thị trấn, thị tứ) trên địa bàn tỉnh ta tạo động lực cho phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn. Tuy nhiên thời gian qua, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực này.

Từ năm 2013, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu đã chính thức công bố quy hoạch đô thị, tuy nhiên đến thời điểm này chỉ mới xong “hạng mục” cắm mốc. Bà Trần Thị Minh bán hàng tại chợ Ngò (xã Sơn Hải) cho hay: Chúng tôi rất phấn khởi khi được công bố quy hoạch đô thị, nhưng hơn 1 năm qua cũng chưa có gì thay đổi, những tuyến đường giao thông chật hẹp, khu vực chợ xuống cấp... Theo quyết định phê duyệt quy hoạch đô thị xây dựng đô thị Sơn Hải của UBND tỉnh Nghệ An số 493/QĐ.UBND -XD, chủ đầu tư đồ án quy hoạch đô thị do UBND huyện Quỳnh Lưu, Viện Quy hoạch Kiến trúc Xây dựng Nghệ An là đơn vị tư vấn. Đặc biệt, theo qui hoạch của Chính phủ, sẽ xây dựng tuyến quốc lộ ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) qua xã Sơn Hải đến Thị xã Cửa Lò; xã được qui hoạch với chức năng là đơn vị hành chính, kinh tế, văn hóa - giáo dục, thương mại dịch vụ... tương đương với đô thị loại V, thời hạn nghiên cứu quy hoạch từ năm 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải chia sẻ: Công bố quy hoạch Thị trấn Sơn Hải, phấn đấu đến năm 2020 đạt tiêu chí đô thị loại V. Thực tế Sơn Hải là địa phương có đủ điều kiện để phát triển thành trung tâm kinh tế vùng biển với nhiều thuận lợi như có trục giao thông 48B đi qua địa bàn, các dịch vụ phát triển phục vụ cho nghề biển khá mạnh như vật tư, xăng dầu, đá lạnh. Thu hút được các dịch khác như phòng khám đa khoa, các chi nhánh ngân hàng...Tuy nhiên để phát triển đô thị theo lộ trình còn rất nhiều khó khăn, như hệ thống trục giao thông trung tâm đô thị rộng trên 30m. Trong khi đó hệ thống giao thông của Sơn Hải trục đường chính mới chỉ rộng 5 - 6m, chưa kể một số tuyến đường làng rộng từ 2 - 3m, nhà cửa dân cư mọc dày đặc. Khu trung tâm hành chính, trung tâm thương mại theo qui hoạch được bố trí tại ngã 3 nút giao thông giữa quốc lộ và trục đường quy hoạch đông tây tất cả đều phải giải phóng mặt bằng, nếu không có sự quan tâm kịp thời của các cấp ngành sẽ khó lòng thành hiện thực. 
Trung tâm thương mại tại Thị tứ xã Bảo Thành (Yên Thành).
Trung tâm thương mại tại Thị tứ xã Bảo Thành (Yên Thành).
Tại huyện Yên Thành, đô thị Vân Tụ đã được công bố quy hoạch từ năm 2007, tuy nhiên đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”. Được biết quy hoạch đô thị Vân Tụ được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 3282/QĐ.UB-CN ngày 23/8/2007. Theo quy hoạch tổng diện tích đất gồm 281 ha được “cắt” từ địa giới hành chính xã Công Thành 182,62 ha, Khánh Thành 100,9 ha và Liên Thành 7,42 ha. Về dân số có 601 hộ, dân số 3.075 nhân khẩu. Việc thành lập đô thị Vân Tụ nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại ở phía Nam huyện Yên Thành. Điều kiện thành lập đô thị khá thuận lợi nằm trên trục đường QL 7A và giao nhau với Tỉnh lộ 538. Nơi đây được dự kiến hình thành khu đô thị bao gồm khu dịch vụ thương mại, khu công nghiệp tập trung, khu hành chính, khu vui chơi giải trí...
Chúng tôi tìm về xã Công Thành nơi được quy hoạch diện tích đô thị nhiều nhất. Doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm kinh doanh xe máy cho biết: “Công bố quy hoạch đô thị đã 8 năm, thời gian chờ đợi được công nhận đô thị quá lâu cũng làm ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh, chúng tôi muốn đầu tư, mở mang thêm các đại lý nhưng do qui hoạch “treo”... nên chưa dám đầu tư”. Quan sát tại các trục đường xã Công Thành, Liên Thành thấy hầu hết các đại lý bán buôn còn lụp xụp, tạm bợ, nguyên nhân là do bà con đang chờ được công nhận đô thị mới dám đầu tư. Trong khi đang chờ được công nhận đô thị Vân Tụ thì tại xã Liên Thành hàng loạt hộ dân đã cơi nới lấn chiếm làm nhà ra cả dòng sông Vũ Giang. 
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Công thương huyện Yên Thành cho biết thêm: Việc xây dựng đô thị Vân Tụ nếu triển khai nhanh sẽ thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển.Tuy nhiên đang vướng mắc. Hiện chưa được UBND tỉnh phê duyệt khu công nghiệp Công Thành A, B, chưa kể là khu vực dự kiến thành lập thị trấn cơ sở hạ tầng còn yếu, hệ thống giao thông manh mún, xuống cấp, chưa có hệ thống cấp thoát nước.
Trong khi một số đô thị đã quy hoạch nhưng do vướng mắc chưa phát huy được hiệu quả thì có một số “thị tứ” lại phát triển khá tốt. Điển hình như “thị tứ” xã Bảo Thành, Yên Thành là một trong 11 thị tứ được UBND huyện phê duyệt từ năm 2008 phát triển hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Thành cho biết thêm: Theo quy hoạch, Thị tứ Bảo Thành rộng gần 100 ha, chủ yếu quy hoạch dọc theo các tuyến QL 7A, Tỉnh lộ 533 giao nhau. Mặc dù chưa có nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng nhưng xã đã thu hút được một số doanh nghiệp về đầu tư, như trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh vàng bạc, 3 cây xăng dầu, 6 đại lý buôn bán xe máy, toàn xã hiện có trên 420 hộ kinh doanh buôn bán, chiếm 33% thu nhập của toàn xã. Cùng đó, Thị tứ xã Hợp Thành (Yên Thành) được quy hoạch từ năm 2008 trên trục đường tỉnh lộ 538 và giao nhau với trục đường 533 dịch vụ thương mại phát triển khá mạnh. Xã đã thu hút được doanh nghiệp xây dựng Trung tâm thương mại chợ Hôm trị giá gần 20 tỷ đồng (tòa nhà 4 tầng) bao tầng 1 chia lô cho các hộ kinh doanh buôn bán, tầng 2 siêu thị, bám trục đường 538 xã phát triển các dịch vụ vận tải, xăng dầu. 
Trung tâm thương mại tại Thị tứ xã Bảo Thành (Yên Thành).
Trung tâm thương mại tại Thị tứ xã Bảo Thành (Yên Thành).
Ông Hoàng Sĩ Kiện, Trưởng phòng Quản lý kiến trúc quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị (Sở Xây dựng) cho biết: Đến thời điểm này toàn tỉnh đã và đang tiến hành quy hoạch 38 thị trấn (cả huyện lỵ và khu vực), trong đó thị trấn có 20 đô thị mới và hiện đã lập được 13 điểm quy hoạch, có 2 thị trấn đang lập đồ án, có 7 điểm đang triển khai quy hoạch, có 3 điểm thuộc phạm vi của TP. Vinh và Khu kinh tế Đông Nam nên không tổ chức lập quy hoạch. Khó khăn đặt ra hiện nay là thiếu nguồn vốn phân bổ để lập quy hoạch, nguồn vốn này một số huyện đang phải bỏ ra. Đặc biệt là các địa phương sau khi đã được công bố quy hoạch nhưng vốn cho kết cấu hạ tầng còn thiếu nên vẫn còn “dậm chân tại chỗ”. Một số vùng công bố quy hoạch đô thị đang vướng giải phóng mặt bằng (do chưa chuyển đổi được mục đích sử dụng đất). Do chưa có hạ tầng nên chưa thể thu hút được doanh nghiệp tham gia. 
Đẩy mạnh đô thị hóa, góp phần tạo động lực cho kinh tế xã hội phát triển. Tuy nhiên các đô thị đã được công bố quy hoạch trên địa bàn tỉnh đều đang phải đối mặt với những khó khăn như đất đai hạn chế, phân bố đô thị không đồng đều... Quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ như: Cốt san nền, đường giao thông, thoát nước còn cục bộ theo từng đồ án của từng dự án. Một số điểm quy hoạch được công bố nhưng chưa được cắm mốc lộ dưới, chỉ giới xây dựng. Song việc nâng cấp đô thị không phải là một cuộc đua, rất cần có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy hoạch, kế hoạch cụ thể để phát triển hợp lý, bền vững góp phần hữu hiệu trong việc phát triển KT-XH của các địa phương. 
Văn Trường

Tin mới