Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Kỳ Sơn khắc phục các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông

(Baonghean.vn) - Sau khi kiểm tra thực tế tại huyện Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chỉ đạo địa phương huy động phương tiện, nhân lực khắc phục những điểm sạt lở, ách tắc đường giao thông để người dân đi lại.

Clip: Xuân Hoàng

Trong ngày 30/9, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế tại những điểm sạt lở trên địa bàn huyện Kỳ Sơn sau trận mưa lũ vừa qua. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn kiểm tra tại điểm sạt lở núi ở bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn kiểm tra tại điểm sạt lở núi ở bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu. Ảnh: Xuân Hoàng

Trên tuyến đường từ xã Chiêu Lưu đi xã Bảo Thắng, đoạn qua bản Xiêng Thù do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua, đã xảy ra sạt lở núi, hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày nay.

Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã chỉ đạo chính quyền địa phương sau khi hết mưa, huy động phương tiện, nhân lực xử lý san gạt đất đá, sớm thông đường để người dân đi lại.

bna_de 4.jpg
Hàng nghìn mét khối đất đá sạt lở gây ách tắc trên tuyến đường từ xã Chiêu Lưu đi xã Bảo Thắng. Ảnh: Xuân Hoàng

Đoàn cũng đến bản Xốp Thập của xã Hữu Lập, là nơi nước suối chảy mạnh gây sạt lở tuyến đường huyết mạch từ xã Hữu Lập vào xã Bảo Nam. Lãnh đạo tỉnh đề nghị chính quyền địa phương có giải pháp chống sạt lở đường tại khu vực này.

bna_de 2.jpg
Đoàn kiểm tra tại đoạn đường từ xã Hữu Lập đi xã Bảo Nam bị nước suối gây sạt lở mặt đường. Ảnh: Xuân Hoàng
bna_de 1.jpg
Đoàn kiểm tra tình hình tại bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ, nơi năm trước xảy ra trận lũ ống, lũ quét lịch sử, vào những ngày mưa lớn này, nước suối Huồi Giảng chảy mạnh, đe doạ đến tài sản, nhà cửa của người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi thời tiết, vận động người dân đến nơi ở an toàn khi có mưa lớn, nhằm tránh những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

bna_de 5.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra lưu lượng điều tiết nước tại Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ. Ảnh: Xuân Hoàng

Đoàn cũng đến Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ (Tương Dương) nắm bắt tình hình điều tiết nước của nhà máy. Theo báo cáo của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, thời điểm này Nhà máy đang điều tiết mực nước trong lòng hồ, với lưu lượng xả 800m3/s.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề nghị Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ thực hiện nghiêm việc điều tiết nước, nhằm đảm bảo an toàn cho nhà máy và vùng hạ lưu.

bna_xa.jpg
Thời điểm này, Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ điều tiết nước với lưu lượng xả 800m3/s. Ảnh: Xuân Hoàng

Báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn cho thấy, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện xảy ra 13 điểm sạt lở trên các tuyến đường chính; 47 nhà dân bị ảnh hưởng; 32 hộ phải sơ tán; 7 nhà dân phải di dời khẩn cấp.

2 bản Xốp Thập và bản Na của xã Hữu Lập có 145 hộ bị chia cắt do nước khe, suối dâng cao chảy xiết gây ngập tràn Xốp Thập và tràn khe Chà Lắn. Cầu tràn Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm bị ngập làm chia cắt bản Đỉnh Sơn 2 với 86 hộ. Tại xã Chiêu Lưu, nước khe Thù dâng cao ngập tất cả các cầu tràn gây chia cắt 5 bản (Xiêng Thù, Lưu Hòa, La Ngan, Tạt Thoong, Lưu Thắng) với 696 hộ.../.

Tin mới