Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hoạt động khoáng sản tại các huyện Yên Thành và Nghi Lộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Sáng 14/7, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn các huyện Yên Thành và Nghi Lộc.

Tại huyện Yên Thành, đoàn đã đi kiểm tra khu vực lèn Voi, nơi giáp ranh giữa các xã Nam Thành và Trung Thành. Tại khu vực này, hiện đã có 4 mỏ đá được cấp phép khai thác. Ngoài ra, đoàn còn đi kiểm tra một số mỏ đất đắp trên địa bàn xã Đồng Thành.

Theo báo cáo của UBND huyện Yên Thành, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện này không nhiều về chủng loại cũng như trữ lượng. Hiện tại, toàn huyện đã có 15 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản. Ngoài ra, từ năm 2021 - 2022 UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp cho 7 điểm mỏ. Tuy nhiên, do các đơn vị đang thực hiện các thủ tục thăm dò khoáng sản, giải phóng mặt bằng và chuyển mục đích đất trồng rừng nên chưa đưa vào khai thác được.

BNA_Đoàn kiểm tra một mỏ đá trên địa bàn huyện Yên Thành. Ảnh Tiến Đông.jpg
Đoàn kiểm tra một mỏ đá trên địa bàn huyện Yên Thành. Ảnh: Tiến Đông

Thời gian qua, mặc dù UBND huyện Yên Thành và các cơ quan, ban, ngành đã có nhiều sự chỉ đạo quyết liệt, trên địa bàn vẫn xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Cụ thể, trong năm 2022, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện 50 trường hợp vi phạm về khai thác khoáng sản đất san lấp trái quy định, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 41 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền 378 triệu đồng.

Trong 6 tháng năm 2023, trên địa bàn huyện Yên Thành cũng đã xảy ra 23 trường hợp vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản trái phép, các cơ quan chức năng cũng đã xử phạt hơn 400 triệu đồng.

BNA_Bất cập.jpg
Một số mỏ đá dù đã được cấp phép khai thác từ lâu nhưng lại chưa được cho thuê đất tại khu vực bãi thải, bãi chế biến nên doanh nghiệp đang phải "lách luật" bằng cách thuê lại đất lâm nghiệp của người dân. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, tại một số mỏ đá, việc khai thác còn chưa đúng theo hồ sơ thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt và có nguy cơ ảnh hưởng mất an toàn giữa các khu vực mỏ đá liền kề như tại khu vực mỏ đá Lèn Cò (Đồng Thành); mỏ đá Lèn Voi (giáp ranh giữa Trung Thành, Nam Thành)...

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã được cấp giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản từ lâu và đã xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, nhưng chưa thực hiện thủ tục thuê đất theo quy định đối với khu vực chế biến khoáng sản, bãi thải.

BNA_Đoàn kiểm tra một số mỏ đất san lập tại xã Nghi Hưng (Nghi Lộc). Ảnh Tiến Đông.jpg
Đoàn công tác kiểm tra một số mỏ đất san lấp tại huyện Nghi Lộc. Ảnh Tiến Đông

Cùng ngày, đoàn công tác cũng đã tiến hành kiểm tra một số mỏ đất san lấp trên địa bàn xã Nghi Hưng (Nghi Lộc), đã được cấp phép khai thác phục vụ cho việc thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, cũng như san lấp mặt bằng cho Dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An.

Tại huyện Nghi Lộc, hiện nay đã có 18 đơn vị được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác, tận thu khoáng sản đá xây dựng và đất san lấp. Về cơ bản, vị trí các mỏ được cấp phép chủ yếu nằm xa khu dân cư. Trong khi đó, thời gian cấp phép cho hoạt động khai thác, tận thu khoáng sản thường dài (từ 10 năm đến 20 năm), mốc ranh giới của phạm vi mỏ được giao có khi bị mất, nên gây khó khăn trong việc giám sát và xử lý kịp thời đối với các đơn vị khai thác vượt ranh giới mốc giới. Một số đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tiến hành khai thác chưa đúng hồ sơ thiết kế, một số dự án khai thác tận thu khoáng sản trong quá trình kiểm tra không có hồ sơ về phương án khai thác, vì vậy, việc kiểm tra để xử lý vi phạm gặp khó khăn.

BNA_Một số mỏ đất phục vụ cho việc san lấp mặt bằng đường Cao tốc Bắc Nam. Ảnh Tiến Đông .jpg
Ở huyện Nghi Lộc, một số mỏ đất phục vụ cho việc san lấp mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đã đem lại hiệu quả rất lớn. Ảnh Tiến Đông

Chưa kể, trong quá trình khai thác, vận chuyển thường xuyên gây ô nhiễm môi trường về bụi, rơi vãi đất, đá ra môi trường, làm đường hỏng nhiều nên gây bức xúc cho người dân.

Sau khi kiểm tra thực địa tại các địa điểm khai thác khoáng sản ở các huyện Yên Thành và Nghi Lộc, đoàn công tác ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương và các chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Trong đó, các huyện đều mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo đôn đốc, xử lý đối với các doanh nghiệp đã được phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất san lấp, nhưng chưa thực hiện việc hoàn thiện hồ sơ giao đất, thuê đất để tiến hành khai thác, ảnh hưởng đến việc cung cấp đất san lấp. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép khai thác mỏ sớm hoàn thiện hồ sơ thuê đất (cả phần diện tích phục vụ khai thác mỏ và các công trình phụ trợ...), và hoàn thành các thủ tục để đi vào khai thác một cách có hiệu quả.

Các huyện cũng mong muốn UBND tỉnh sớm ban hành cơ chế phân bổ nguồn ngân sách phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản cho các địa phương nơi có mỏ hoạt động trực tiếp. Điều đó sẽ góp phần thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Tin mới