Phụ nữ liên kết trồng nấm có thu nhập 5 triệu đồng/tháng

(Baonghean.vn) - Tân Kỳ đang khuyến khích các địa phương xây dựng mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng nấm đang được xem là nghề triển vọng, vừa khai thác tốt tiềm năng lợi thế vừa tạo việc làm và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.

Cơ sở sản xuất nấm tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ là mô hình trồng nấm đầu tiên trên địa bàn huyện. Với diện tích nhà xưởng 15.000 m2, cơ sở này đầu tư dây chuyền máy móc trong các công đoạn của chuỗi sản xuất như xây phòng lạnh bảo quản giống và nấm; đầu tư lắp đặt lò hơi để sấy nấm mộc nhĩ, linh chi; xây dựng hệ thống buồng lò hấp bịch nấm, hệ thống phòng cấy giống có đèn UV đạt tiêu chuẩn vô trùng để nấm phát triển một cách tốt nhất.

Bịch nấm treo lên dàn sau 15 ngày cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng. Ảnh: Như Lành
Bịch nấm treo lên dàn sau 15 ngày cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng. Ảnh: Như Lành
Mỗi công đoạn sản xuất nấm cũng được chia thành từng khu riêng, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật; gồm khu sản xuất giống, đóng bịch, trồng và bảo quản sản phẩm. Hàng năm, cơ sở sản xuất này đã tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm 1 Tân Sơn, xã Kỳ Tân (Tân Kỳ), người làm việc nhiều năm tại đơn vị này cho hay, nghề nấm không vất vả lắm, lương mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng nên đủ trang trải cho bản thân và gia đình.

Trong thời gian thu hái, mỗi bịch nấm cho tổng sản lượng khoảng 3 kg. Ảnh: Cẩm Tú
Trong thời gian thu hái, mỗi bịch nấm cho tổng sản lượng khoảng 3 kg. Ảnh: Cẩm Tú
Hiện nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 5.000 - 8.000 bịch nấm, có sản phẩm nấm tươi xuất bán ra thị trường từ 2 - 3 tạ, chủ yếu là nấm sò.

Từ hiệu quả cơ sở trồng nấm ở xã Kỳ Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xuất hiện thêm 2 cơ sở sản xuất nấm với quy mô khá lớn tại xã Nghĩa Đồng và thị trấn, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Một số hộ gia đình ở các địa phương trong huyện cũng đầu tư làm nghề trồng nấm với quy mô lớn.

Riêng tại xã vùng cao Giai Xuân, sau khi tham gia lớp tập huấn trồng nấm, các chị em phụ nữ đã hình thành tổ hợp tác trồng nấm, bước đầu phát huy hiệu quả. Chị em liên kết cùng góp vốn để trồng nấm từ khâu mua phôi nấm cho đến chăm sóc, thu hái và tiêu thụ; trung bình mỗi người có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Phát triển nghề trồng nấm có nhiều lợi ích, đó là tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, thân cây đậu, bã mía... Ảnh: Như Lành
Phát triển nghề trồng nấm có nhiều lợi ích, đó là tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, thân cây đậu, bã mía... Ảnh: Như Lành

Ông Đặng Ngọc Thân - Trưởng Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Tân Kỳ cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên mở được một số lớp tập huấn trồng nấm và đã cung cấp lao động cho các cơ sở trồng nấm trên địa bàn. Đây là mô hình rất tốt, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; thời gian tới sẽ tham mưu huyện tiếp tục mở các lớp học trồng nấm để phát huy hiệu quả mô hình".

Tân Kỳ là huyện miền núi, có gần 80% số lao động sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, phát triển nghề trồng nấm có nhiều lợi ích, đó là tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, thân cây đậu, bã mía... Trồng nấm vốn đầu tư ban đầu không cao, tùy thuộc vào quy mô sản xuất; vòng quay vốn nhanh do chu kỳ sản xuất ngắn, cho thu hoạch sau hơn 1 tháng kể từ ngày trồng và thời gian cho thu hái kéo dài trong 2 tháng nên có thu nhập dàn trải. Vì thế, hiện nay nghề trồng nấm đang có nhiều triển vọng trên địa bàn.        

Tin mới