Quốc gia châu Âu kêu gọi tổ chức bầu cử sớm để ‘giảm căng thẳng’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Theo RT, Serbia đã chịu nhiều sức ép từ Liên minh châu Âu (EU) buộc họ phải công nhận Kosovo và trừng phạt Nga.

654290402030274088313f2f.jpg
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ký sắc lệnh giải tán Quốc hội và lên kế hoạch tổ chức bầu cử sớm tại Belgrade hôm 1/11. Ảnh: AFP

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã giải tán Quốc hội hôm 1/11 và lên kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử và các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 17/12 tới. Động thái này được đưa ra sau khi Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thăm Belgrade, hứa hẹn về tư cách thành viên EU cho nước này – nhưng kèm với cái giá phải trả.

Bên cạnh bầu toàn bộ 250 thành viên Quốc hội, các công dân Serbia cũng sẽ bỏ phiếu bầu các chức danh thị trưởng của Belgrade và 10 thành phố khác, cũng như người đứng đầu 54 quận.

Nội các của Thủ tướng Ana Brnabic đã đưa ra đề xuất tổ chức cuộc bầu cử mới vào hôm 30/10, trong lá thư chính thức gửi ông Vucic có nói rằng, làm như vậy sẽ “bảo đảm mức độ dân chủ lớn hơn” và “giảm thiểu các căng thẳng” trong xã hội, đồng thời vẫn “khẳng định được các giá trị của châu Âu”.

Được biết, lần gần đây nhất Serbia tổ chức tổng tuyển cử là vào tháng 4/2022, và theo kế hoạch đáng lẽ cuộc tổng tuyển cử kế tiếp sẽ diễn ra năm 2026. Tuy nhiên, một số đảng đối lập đã mượn sự phẫn nộ của dân chúng về vụ xả súng tại trường học xảy ra vào tháng 5 năm nay để yêu cầu tổ chức bầu cử sớm.

Phát biểu thông báo ý định tổ chức cuộc bầu cử này hôm 29/10, ông Vucic nói: “Bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ có quyền hạn rõ ràng cho tới năm 2027. Sẽ không có thêm cuộc bầu cử nào khác cho tới lúc đó”.

Nhà lãnh đạo này nói thêm rằng chính phủ kế nhiệm “sẽ phải đưa chúng tôi tới chỗ không quay lại quá khứ, không quay ngược lại. Đất nước phải tiến về phía trước”.

Theo RT, Tổng thống Vucic cùng Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) của ông đã chi phối nền chính trị Serbia kể từ năm 2012, thay thế các nhà dân chủ tự do tự phong xuất hiện sau cuộc cách mạng màu năm 2000. Chính phủ của ông tuyên bố theo đường hướng dân túy - trung dung và đã từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của EU chống lại Nga hoặc công nhận tỉnh ly khai Kosovo là độc lập.

Tuy nhiên, EU đã đưa 2 nội dung này thành điều kiện tiên quyết để tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào về vấn đề gia nhập khối này. Trong chuyến thăm Belgrade hôm 31/10, bà von der Leyen cho biết, Belgrade được mong đợi sẽ thực hiện cái gọi là kế hoạch Pháp-Đức nhằm “bình thường hóa quan hệ” với Kosovo – tức là công nhận Kosovo - và “đồng bộ” chính sách đối ngoại của mình với Brussels, nghĩa là trừng phạt Moskva.

“Chúng tôi muốn Serbia gia nhập liên minh của mình. Lời đề nghị này dựa trên lòng tin, sự có qua có lại và quan hệ hợp tác. Đó là lời hứa về hòa bình và thịnh vượng, đồng thời là cơ hội có một không hai hiện nay mà không ai có thể sánh được”, chính trị gia người Đức nói.

Trong khi lãnh đạo người Serbia ở Bosnia Milorad Dodik gợi ý rằng các quốc gia thuộc Nam Tư cũ thay vào đó nên gia nhập BRICS, thì chính sách chính thức của ông Vucic vẫn là Serbia cần trở thành thành viên EU. Trong khi những tiếng nói chỉ trích theo “chủ nghĩa chủ quyền” cáo buộc Vucic dần nhượng bộ trước các yêu cầu của khối, thì phe đối lập “tự do” lại chỉ trích ông Vucic hành động chưa đủ nhanh.

Tin mới