Sự kiện 11/9 - sau 10 năm thế giới vẫn bất an

Chủ nghĩa khủng bố đã lan ra hầu khắp các khu vực trên thế giới, gieo nỗi âu lo cho cả nhân loại bằng những cuộc tấn công đẫm máu...  

Ngày 11/9, nước Mỹ kỷ niệm sự kiện kinh hoàng cách đây tròn 10 năm, khi những tên khủng bố phá sập hai tòa tháp ở Trung tâm Thương mại Thế giới, tấn công Lầu Năm góc và giết chết hàng nghìn người Mỹ. Vụ tấn công này đã tạo nên những thay đổi sâu sắc  trong lòng nước Mỹ và cục diện thế giới.

10 năm sau sự kiện 11/9, thế giới đã chứng kiến những thất bại trong chiến lược chống khủng bố, sự trượt dài trong vai trò siêu cường của Washington và sự dịch chuyển cán cân quyền lực trên toàn cầu.

8h46 ngày 11/9/2001 tại New York: Một chiếc máy bay lao thẳng vào khu nhà phía Bắc của tòa tháp đôi. Khoảng 18 phút sau đó xuất hiện chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa tháp phía nam. 9h37 - một chiếc máy bay nữa lao xuống Lầu Năm góc và chiếc máy bay thứ 4 rơi xuống một cánh đồng của bang Pensylvania. Không một hành khách nào trong 4 chiếc máy bay trên còn sống sót. Không tặc đã biến những chiếc máy bay thành những quả bom tự sát lớn nhất trong lịch sử.

 Những hình ảnh tưởng chỉ có trên phim.

Gần 3.000 người chết, hơn 6.000 người bị thương, loạt tấn công khủng bố bi thảm ấy không chỉ gây chấn động thế giới mà còn làm tổn thương nước Mỹ, vốn luôn kiêu hãnh vì tiềm lực, sức mạnh của một siêu cường. Sự kiện 11/9 cho thấy sự tàn bạo và nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố, nhưng cũng đặt ra những vấn đề đáng suy nghẫm đối với nước Mỹ, nhất là cách thức mà quốc gia này cư xử với thế giới, đặc biệt là thế giới Hồi giáo.

10 năm sau sự kiện 11/9, nước Mỹ đã thay đổi và thế giới cũng đã thay đổi. Nước Mỹ đã trải qua một thập kỷ nhọc nhằn vì cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố”. Trong khi chưa hoàn tất “sứ mệnh đặc biệt” ở Afghanistan, Mỹ đã vội vã lao vào cuộc chiến Iraq bằng những chứng cớ ngụy tạo về vũ khí hủy diệt của chính phủ Saddam Hussein và những giả định mơ hồ.

Nhân danh chống khủng bố, 10 năm qua, hàng chục tỷ USD đã bị đốt trên chiến trường, hàng nghìn binh lính Mỹ và đồng minh đã bị giết, nhưng Afghanistan và Iraq không chỉ đầy bất ổn mà còn trở thành cái nôi để al-Qaeda tuyển quân. Cuộc chiến này cũng đã cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng thường dân ở các nước bị Mỹ và đồng minh tấn công.

Cho dù đã tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden tại Pakistan, nhưng từ nước Mỹ, 10 năm qua, chủ nghĩa khủng bố đã lan ra hầu khắp các khu vực trên thế giới, gieo nỗi âu lo cho cả nhân loại bằng những cuộc tấn công đẫm máu, chủ yếu nhắm vào thường dân.

Chưa thể tìm thấy hòa giải, nước Mỹ còn khoét sâu thêm những bất đồng sâu sắc với thế giới Hồi giáo bằng cách áp đặt thô bạo theo kiểu “tiêu chuẩn Mỹ”. Thế giới Hồi giáo cũng nhìn Mỹ qua lăng kính của một nước hiếu chiến, thiếu sự khoan dung và trượt dần vai trò của một siêu cường.

Gần một tuần trước lễ tưởng niệm 10 năm sự kiện 11/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã khẳng định mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã suy yếu. Nhưng thực ra không phải vậy, chủ nghĩa khủng bố đã biến tướng. Thay vì hình thức tấn công trực diện, chúng đã biến thể thành những loại virus nguy hiểm hơn khi chúng len lỏi vào từng ngóc ngách của thể giới để chờ cơ hội.
 
Đối với thế giới, sự kiện 11/9 đã và đang tạo ra một sự dịch chuyển quan trọng về cán cân quyền lực trên phạm vi toàn cầu. Nước Mỹ cho thấy họ không thể và không làm được “nhạc trưởng” trong “bản nhạc chống khủng bố và xây dựng hoà bình cho thế giới”.

 Hàng ngàn binh sỹ Mỹ bị lôi kéo vào chiến chống khủng bố.

Sự phân cực đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Sân khấu chính trị thế giới có vẻ đang dịch chuyển từ Mỹ, EU sang châu Á, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương. Hoà bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố không thể chỉ dựa vào một mình nước Mỹ, mà cần tới vai trò của nhiều quốc gia khác, kể cả những nước đang phát triển.

Có một điều hiển nhiên mà mọi người đều biết nhưng lại rất khó thực hiện, đó là, để xóa bỏ tận gốc chủ nghĩa khủng bố, rất cần thiết phải tăng cường hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, các dân tộc, các tôn giáo, thu hẹp khoảng cách phát triển, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, tiến tới một thế giới hài hòa.

Đó là giấc mơ lớn mà toàn thế giới cần phải chung tay hành động để biến thành hiện thực.

Theo VOV

Tin mới