Chặng đường không chỉ có hoa hồng

(Baonghean) - Thủ tướng Anh David Cameron ngày 9/5 đã bắt tay thành lập chính phủ mới với dự kiến toàn bộ là các thành viên của đảng Bảo thủ sau khi Đảng này giành thắng lợi vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hôm 7/5 vừa qua.

Có thể nói, chiến thắng của Đảng Bảo thủ đã vượt ra ngoài dự đoán ban đầu của giới phân tích khi trước cuộc bầu cử, mọi thăm dò đều cho thấy Công Đảng đã bám đuổi rất sít sao Đảng Bảo thủ. Do đó, nhiệm kỳ 5 năm tới của Thủ tướng Anh David Cameron còn thuận lợi hơn cả nhiệm kỳ trước khi không cần phải liên minh với Đảng nào để thành lập Chính phủ mới. Song bên cạnh đó, chặng đường phía trước của Chính phủ mới cũng không hoàn toàn chỉ có hoa hồng bởi Vương quốc Liên hiệp Anh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Với việc Đảng Bảo thủ giành được 331 trên tổng số 650 ghế, chiếm đa số quá bán trong Hạ viện Anh, ông David Cameron không phải tìm kiếm liên minh với đảng nào và hoàn toàn có thể chủ động bố trí, sắp xếp các thành viên trong nội các mới. Do đó, Chính phủ mới nhiều khả năng sẽ không gặp phải các trở ngại từ Quốc hội khi thực hiện những chính sách mới. 
Ông David Cameron và phu nhân sau thắng lợi bầu cử  (chụp ngày 8/5/2015). 	Ảnh: Reuters
Ông David Cameron và phu nhân sau thắng lợi bầu cử (chụp ngày 8/5/2015). Ảnh: Reuters
Có thể thấy, trong 5 năm cầm quyền ở nhiệm kỳ vừa qua, chính phủ do ông Cameron đứng đầu đã chèo lái nước Anh vượt qua khủng hoảng kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong số những nền kinh tế phát triển và điều này chính là yếu tố chủ chốt mang lại chiến thắng “ngoạn mục” cho Đảng Bảo thủ của ông David Cameron trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra. Ông Cameron đã làm được điều mà cử tri Anh mong đợi, đó là sự tăng trưởng kinh tế và việc làm của Anh trong bối cảnh nền kinh tế Liên minh châu Âu đang gặp nhiều khó khăn.
Song trên thực tế, “bài toán” xóa bỏ thâm hụt ngân sách mà Đảng bảo thủ của ông Cameron hứa hẹn mới “giải” được một phần. Ông Cameron đã thành công trong việc giảm thâm hụt ngân sách từ 12% năm 2010 xuống còn khoảng 4% năm vừa qua, tuy nhiên “cái giá” mà người Anh phải trả cũng không dễ chịu chút nào. Với việc thực hiện nghiêm ngặt chính sách khắc khổ, nhiều dịch vụ phúc lợi xã hội vốn có tiếng ở châu Âu của nước Anh đã bị cắt giảm, tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Không chỉ thế, nếu tiếp tục theo đuổi mục tiêu cân bằng ngân sách, xóa bỏ thâm hụt vào năm 2018, nước Anh thậm chí còn phải cắt giảm cả chi tiêu quốc phòng. Điều này không những khiến vị thế của nước Anh bị suy yếu mà còn có thể khiến các đồng minh, đặc biệt là Mỹ không hài lòng.
Vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Liên hiệp Anh vẫn là một thách thức và chắc chắn trong nhiệm kỳ mới này, ông David Cameron và Đảng Bảo thủ sẽ còn nhiều việc phải làm. Còn nhớ hồi tháng 9 năm ngoái, một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập cho Scotland đã được tổ chức khiến Chính phủ của ông David Cameron “toát mồ hôi”. Dù kết quả đã được xác định rằng Scotland vẫn ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh, nhưng số người Scotland đồng ý ở lại cũng không vượt trội nhiều so với số người đòi độc lập cho mảnh đất này.
Đáng lo ngại hơn, trong cuộc bầu cử vừa qua, Đảng Dân tộc Scotland đã giành tới 56 trong tổng số 59 ghế nghị viện phân bổ cho xứ Scotland ở Hạ viện Anh. Đảng này cũng không hề che giấu ý định tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về độc lập cho vùng đất phía Bắc Vương quốc Liên hiệp Anh. Tất nhiên, để giữ Scotland ở lại thì Thủ tướng Cameron phải có những chính sách “đặc thù” dành cho vùng đất này, và đây có thể là một tiền lệ không tốt nếu các vùng đất khác như xứ Wales và Bắc Ireland cũng đòi quyền lợi. Do đó, cân bằng lợi ích, xử lý hài hòa vấn đề dân tộc khi thực hiện cải cách bộ máy hiến pháp là vấn đề không hề đơn giản đối với Đảng Bảo thủ và ông Cameron trong nhiệm kỳ Chính phủ mới.
Về vấn đề đối ngoại, ông Cameron tuyên bố sẽ vận động để Vương quốc Liên hiệp Anh quốc ở lại EU nếu ông thương lượng thành công một chương trình cải cách về cơ chế hoạt động của liên minh này. Song rõ ràng cho đến nay, tranh cãi lợi ích giữa Anh và EU vẫn chưa đi đến hồi kết. Thủ tướng Anh David Cameron trên thực tế vẫn muốn Anh ở lại EU nhưng làm thế nào để “san bằng khoảng cách” khi thương lượng và “mặc cả” với EU là điều không hề dễ dàng, nhất là khi nền kinh tế đầu tàu EU là Đức tháng 11 năm ngoái đã từng thẳng thừng tuyên bố sẵn dàng để Anh rời khỏi EU chứ quyết không nhượng bộ về vấn đề nhập cư.
Việc Thủ tướng David Cameron nhanh chóng bắt tay vào thành lập chính phủ mới cho Vương quốc Liên hiệp Anh cho thấy ông đã sẵn sàng tiếp tục một nhiệm kỳ thứ hai với nhiều kế hoạch và tham vọng. Thắng lợi vang dội vừa qua đã mang đến nhiều thuận lợi cho Đảng Bảo thủ và đương kim Thủ tướng David Cameron. Song rõ ràng, con đường phía trước mà Chính phủ mới của Vương quốc Liên hiệp Anh sẽ đi trong thời gian tới không chỉ có hoa hồng.
Nguyễn Cao Biền

Tin mới