Hợp tác bất đắc dĩ giữa Nga và Mỹ

(Baonghean) - Nga và Mỹ vừa ký một bản ghi nhớ về thiết lập các biện pháp an toàn bay trong quá trình tiến hành các chiến dịch không kích tại Syria. Thế nhưng, những gì diễn ra hiện nay cho thấy thỏa thuận vừa ký giữa Nga và Mỹ chỉ đơn thuần mang tính kỹ thuật, và cũng được ký kết trong tình thế “đặng chẳng đừng”.

Nga không kích các mục tiêu của IS tại Idlib, Syria.
Nga không kích các mục tiêu của IS tại Idlib, Syria.

 Hợp tác kỹ thuật, chấm hết!

Bản ghi nhớ do quan chức Bộ Quốc phòng Nga và Mỹ ký kết, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 20/10 với nội dung giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố giữa các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu và các máy bay của Nga đang hoạt động trên bầu trời Syria.
Theo ông Peter Cook, Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, nội dung chi tiết của Bản ghi nhớ không được công khai theo yêu cầu của Chính phủ Nga. Ông Cook cho biết rằng, Bản ghi nhớ có nội dung duy trì liên lạc thường xuyên giữa các đội bay, bao gồm liên lạc qua tần số vô tuyến điện và đường dây liên lạc dưới mặt đất. Mặc dù vậy, Bản ghi nhớ vẫn chưa quy định được cụ thể khoảng cách an toàn giữa các máy bay của Nga và Mỹ cũng như không quy định khu vực áp dụng quy định an toàn bay, và càng không có hợp tác trong chia sẻ thông tin tình báo hay thông tin về các mục tiêu trên lãnh thổ Syria. 
Máy bay F-22 của Mỹ trên bầu trời Syria.
Máy bay F-22 của Mỹ trên bầu trời Syria.
Dư luận không ngạc nhiên khi Bản ghi nhớ giữa Nga và Mỹ chỉ dừng lại ở những nội dung tối thiểu như vậy, bởi đây là kết quả của việc máy bay của Nga và Mỹ chạm trán trên bầu trời Syria ở khoảng cách “hai phi công nhìn rõ mặt nhau” - một khoảng cách vô cùng nguy hiểm trong an ninh hàng không. Còn trước đó, phía Mỹ đã nhiều lần thể hiện rõ ràng thái độ không muốn hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS tại Syria, cho dù có thông tin rằng Nga đã vài lần đề nghị. 
Quan điểm này một lần nữa được khẳng định khi trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/10, Peter Cook cho biết Bản ghi nhớ giữa Nga và Mỹ không phải là sự hợp tác về chính sách đối với Syria, và ông nhấn mạnh “còn xa mới tới mức đó”.
Theo lý giải của ông Peter Cook, Mỹ vẫn tin rằng “chiến lược của Nga tại Syria không mang tính xây dựng, và sự ủng hộ của Nga với chính quyền Tổng thống Bashar al Assad chỉ khiến cuộc nội chiến tại Syria thêm tồi tệ”. 
Nga - Mỹ tiếp tục “so găng”
Khi liên tục có thông tin về việc Mỹ và Nga đang đàm phán một thỏa thuận về an toàn bay, dư luận đã từng đồn đoán về khả năng hai nước ngồi lại bàn thảo về cuộc chiến chống IS tại Syria, về cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Trung Đông này chứ không đơn thuần là một thỏa thuận mang tính kỹ thuật như vậy. Thế nhưng, cho đến giờ phút này, chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy lời đồn đoán này có khả năng trở thành hiện thực.  
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có đề xuất tổ chức một cuộc họp đa quốc gia gồm Nga, Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan để bàn về vấn đề Syria, đồng thời khẳng định quyết tâm của Mỹ về việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài tại quốc gia Trung Đông này.
Ngay sau đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko cũng “đánh tiếng” rằng Nga luôn ủng hộ các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Nhưng những chuyên gia cho rằng những tuyên bố kiểu như vậy chỉ là “đòn gió” của Mỹ và Nga.
Về phía Mỹ, sau một thời gian im hơi lặng tiếng trên mặt trận Syria, sự vào cuộc đầy ấn tượng của Nga buộc Mỹ phải có những động thái khiến mọi người không thể “quên” vai trò của họ tại quốc gia này. Về phía Nga, việc bày tỏ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với các đối tác để tìm giải pháp cho Syria sẽ giúp xua đi những “lời ong tiếng ve” về việc Nga không chỉ nhằm tiêu diệt IS mà còn là ủng hộ chính quyền của ông Assad - một hành động mà Mỹ và phương Tây cho rằng đang làm cho tình hình tại Syria tồi tệ hơn. 
Máy bay Nga xuất phát từ căn cứ Hmeimim tại Syria.
Máy bay Nga xuất phát từ căn cứ Hmeimim tại Syria.
Vì vậy, cho dù những cuộc họp đa phương có được tổ chức đi chăng nữa, khả năng hợp tác giữa Mỹ và Nga trong giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria là rất thấp. Rất nhiều cuộc họp kiểu như vậy trong 4 năm qua đã chứng minh điều đó.
Lý do dễ thấy nhất cho việc Nga và Mỹ rất khó hợp tác với nhau chính là mâu thuẫn và lợi ích không thể dung hòa giữa hai cường quốc này tại Trung Đông. Nếu hợp tác với Nga, Mỹ sẽ buộc phải thỏa hiệp với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad - một điều mà Mỹ khó chấp nhận sau nhiều năm tháng đổ công sức ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria.
Không những vậy, thỏa hiệp với chính quyền hiện tại của Syria đồng nghĩa với việc thỏa hiệp với Iran, với phong trào Hezbollah ở Libanon…  - những thế lực là kẻ thù của nhiều đồng minh trong khu vực của Mỹ cũng như của chính Mỹ. Ngược lại, chắc chắn Nga cũng sẵn sàng duy trì chính phủ thân Nga tại Syria đến cùng bởi đó là cách Nga “cắm chốt” chắc chắn cho ảnh hưởng của mình tại khu vực. 
Bất chấp việc đạt được một thỏa thuận an toàn bay, Nga và Mỹ sẽ vẫn “mạnh ai nấy làm” trong cuộc chiến chống IS. Ngay cả với kịch bản “đẹp” nhất là IS bị tiêu diệt, Nga và Mỹ sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi những tính toán riêng trên “bàn cờ Syria”. Và nhiều người đã liên tưởng về một đất nước Syria tương tự như Lybia - một chiến trường cho sự tranh giành quyền lực dai dẳng giữa các thế lực cả trong và ngoài nước với hai “tay chơi” nổi bật nhất là Nga và Mỹ. 
Thúy Ngọc

Tin mới