"Thông điệp chính trị" về nghe lén!

(Baonghean) - Những ngày qua, dư luận quốc tế lại tiếp tục chứng kiến thái độ “sôi sùng sục” của một số nước về việc nguyên thủ của họ bị đặt máy nghe lén. Vẫn là nguồn tin được cung cấp từ “người đặc biệt” Edward Snowden nhưng lần này “bị đơn” không chỉ là Mỹ.
Sau khi Indonesia tố Australia, đến lượt Malaysia tố Singapore... Cùng lúc đó, từ sự đề đạt của một số nước “bị hại”, Ủy ban nhân quyền Liên Hợp quốc đã thông qua nghị quyết chống do thám. Đứng trước áp lực phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và sự phản ứng của ngay các nước đồng minh, không còn cách nào khác, Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này.
Không dừng lại ở sự phản ứng gay gắt với Mỹ về việc bị cơ quan tình báo của nước này cài đặt máy nghe lén các nhà lãnh đạo đất nước suốt một thời gian dài, Đức và Brazil đã đệ trình lên Ủy ban nhân quyền thuộc Liên Hợp quốc về sự cần thiết phải xây dựng nghị quyết về việc chống nghe lén.
Tuy lần này cả Đức và Brazil đều không chỉ rõ sự cần thiết phải ban hành nghị quyết để ngăn chặn việc nghe lén từ Mỹ, nhưng Ủy ban nhân quyền Liên Hợp quốc và các thành viên đều không thiếu thông tin để biết mục tiêu mà Đức và Brazil muốn hướng đến sự ngăn chặn chung từ quốc gia nào. Với chức năng quy định, Ủy ban nhân quyền Liên Hợp quốc đã tiếp nhận các ý kiến đệ trình một cách đầy thiện chí.
Người biểu tình tại Washington, Mỹ, để phản đối chính phủ Mỹ theo dõi điện thoại và Internet của người dân cũng như lãnh đạo các nước khác. Ảnh minh họa: AP
Người biểu tình tại Washington, Mỹ, để phản đối chính phủ Mỹ theo dõi điện thoại và Internet của người dân cũng như lãnh đạo các nước khác. Ảnh minh họa: AP
Sau một thời gian các hãng thông tin “kích phát quả bom tấn” - đăng các nội dung tiết lộ Mỹ nghe lén điện thoại và theo dõi thông tin Internet một số lãnh đạo các nước, Mỹ đã gặp vô số những phiền toái và bị giảm sút niềm tin nghiêm trọng ngay từ các quốc gia đồng minh. Là quốc gia luôn dương cao “ngọn cờ nhân quyền”, luôn tự cho mình có sứ mệnh quan trọng trong việc “bảo vệ nhân quyền” trên toàn thế giới, thậm chí không ít lần Mỹ thể hiện rõ ý đồ đặt vấn đề nhân quyền cao hơn chủ quyền để can thiệp công việc nội bộ của một số nước. Tuy nhiên, khi cựu nhân viên tình báo Edward Snowden, chính quyền Mỹ đã bị lật tẩy về sự vi phạm nhân quyền trên phạm vi rộng, có hệ thống và diễn ra trong một thời gian dài. Do đó, khi Ủy ban nhân quyền đưa ra bản dự thảo nghị quyết về chống nghe lén, Mỹ dù muốn hay không cũng không thể không đồng ý nếu không muốn tiếp tục bị xói mòn niềm tin.
Ngày 26/11, với 55 quốc gia ủng hộ dự thảo nghị quyết, bản nghị quyết về chống nghe lén đã chính thức được thông qua, trong đó nội dung cốt lõi của nghị quyết này quy định những hành vi giám sát và ngăn chặn thông tin dữ liệu, do chính phủ và công ty tiến hành, là “vi phạm và lạm dụng quyền con người”. Nghị quyết không chỉ rõ tên bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào, nhưng chắc hẳn ai cũng rõ là đã gián tiếp lên án hành vi do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Đại sứ Đức tại Liên Hợp quốc Peter Wittig cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức này thông qua một nghị quyết bảo vệ nhân quyền trên mạng và gửi đi “một thông điệp chính trị quan trọng”.
Trước việc đệ trình thành công về sự cần thiết phải có nghị quyết ngăn chặn hoạt động nghe lén, Đặc phái viên của Brazil tại Liên Hợp Quốc Antonio Patriota nhấn mạnh: “Quyền con người nên được áp dụng mà không phân biệt môi trường hoàn cảnh, bao gồm cả trong thực tế và trên mạng”. Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Elizabeth Cousens cũng “té nước theo mưa” khi cho rằng “trong một số trường hợp, hành vi vi phạm quyền riêng tư có thể cản trở, thậm chí ngăn cản việc thực thi quyền tự do ngôn luận”.
Chí Linh Sơn

Tin mới